Tĩnh Gia - Thanh Hoá: Vắng hàng loạt nhân chứng quan trọng toà vẫn xử
Một vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, 16 trên tổng số 18 nhân chứng quan trọng vắng mặt nhưng vẫn được Tòa án huyện Tĩnh Gia tiến hành xét xử khiến dư luận không khỏi hoài nghi về tính công minh trong xét xử vụ án.
Các số báo trước, chúng tôi đã đưa tin về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bị cáo là Lê Thảo Nguyên, cán bộ Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông. Ngày 27/12/2019, Tòa án huyện Tĩnh Gia đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên án xử phạt bị cáo 09 năm tù. Vụ án thu hút sự chú ý của dư luận địa phương vì nhiều tình tiết quan trọng trong vụ án chưa được làm rõ cũng như có những biểu hiện bất thường trong lời khai của người làm chứng mà các luật sư bào chữa đã chỉ ra.
Cảnh phiên toà xử Lê Thảo Nguyên ngày 27/12/2019 tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá. |
16 trên tổng số 18 nhân chứng vắng mặt tại phiên tòa
Theo hồ sơ cũng như bản án sơ thẩm đã tuyên, vụ án này có 18 nhân chứng. Tuy nhiên suốt quá trình xét xử vụ án chỉ có 02 nhân chứng có mặt, 16 nhân chứng còn lại đều vắng mặt. Đặc biệt, những nhân chứng hết sức quan trọng liên quan đến thủ đoạn gian dối của bị cáo, liên quan đến việc nhận tiền, liên quan đến việc làm của anh Hà Phương tại nhà hàng cũng vắng mặt, trong khi lời khai của những nhân chứng này trong quá trình điều tra, truy tố có sự bất nhất, mâu thuẫn. Lời khai của các nhân chứng Lê Doãn Lục, Lương Ngọc Hải là vô cùng quan trọng vì nó thể hiện thủ đoạn gian dối, lừa đảo của bị cáo như hồ sơ vụ án và bản án sơ thẩm đã thể hiện.
Theo bản án đã tuyên, thủ đoạn gian dối của bị cáo Lê Thảo Nguyên là Nguyên giới thiệu bản thân làm việc ở Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Thông tin truyền thông, có nhiều mối quan hệ, sẽ xin được việc cho anh Hà Phương là con trai của bị hại (vợ chồng ông bà Mai Thị Tuyết, Hà Trọng Tân) vào làm việc tại Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin & Truyền thông.
Ngoài lời khai của 02 người làm chứng trực tiếp chứng kiến sự việc là Lê Doãn Lục, Lương Ngọc Hải và anh Hà Phương, bà Mai Thị Tuyết thì không có chứng cứ nào để chứng minh thủ đoạn gian dối của bị cáo.
Theo quy định Điểm a, Khoản 2, Điều 127 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015: “Dẫn giải có thể áp dụng đối với: a) Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”.
Không rõ trong vụ án này, những người làm chứng vắng mặt có vì lý do trở ngại khách quan hay bất khả kháng mà họ lại đồng loạt vắng mặt như vậy.
Các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm của bị cáo đều phải được xem xét công khai tại phiên tòa để đánh giá tình hợp pháp của các chứng cứ đó như việc thu thập chứng cứ có hợp pháp, sự mâu thuẫn giữa các chứng cứ,…
Trong vụ án này, các chứng cứ buộc tội bị cáo chỉ là lời khai của các nhân chứng mà bản thân các lời khai có dấu hiệu bất nhất, mâu thuẫn thì liệu việc các nhân chứng quan trọng vắng mặt dẫn đến người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại cũng như hội đồng xét xử không thể xét hỏi các nhân chứng có đảm bảo tính khách quan của chứng cứ buộc tội?
Trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đình đám một thời ở thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo Trương Hồ Phương Nga là Hoa hậu người Việt tại Nga mà luật sư Nguyễn Văn Dũ cũng là luật sư bào chữa, sau nhiều lần triệu tập nhân chứng là bà Nguyễn Mai Phương đến tòa nhưng bà Phương đều vắng mặt, chủ tọa đã yêu cầu Công an TP.HCM dẫn giải bà Phương đến tòa.
Thủ đoạn gian dối đã được làm rõ?
Như các số báo trước đã phản ánh, thỏa thuận giữa bị cáo và phía bị hại thể hiện trong Giấy nhận tiền ngày 15/02/2014 với nội dung nhận ba trăm triệu để “lo công việc” cho anh Hà Phương. Giấy biên nhận không xác định cụ thể nội dung “lo công việc” là lo như thế nào? Xin cho anh Phương làm việc gì, làm ở cơ quan, tổ chức nào... Và văn bản này không thể hiện thời gian sẽ hoàn thành “lo công việc” cho anh Phương. Thỏa thuận giữa anh Nguyên và gia đình ông Hà Trọng Tân chỉ thể hiện trên tờ Giấy nhận tiền đó, ngoài ra không còn thể hiện trên bất cứ văn bản nào khác.
Giấy viết nội dung nhận tiền để lo công việc của Lê Thảo Nguyên. |
Chứng cứ buộc tội chủ yếu là lời khai của gia đình bị hại và các nhân chứng. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Dũ, lời khai của của những người này không thống nhất với nhau, cũng như tự mâu thuẫn với chính mình trong các lần khai báo; lời khai của họ có chiều hướng càng ngày càng bổ sung thêm tình tiết có tính chất buộc tội bị cáo; lời khai không thống nhất, mẫu thuẫn giữa người này với người kia và có dấu hiệu dàn xếp nội dung khai báo.
Kết luận điều tra, Cáo trạng và Bản án sơ thẩm đều cho rằng thủ đoạn gian dối của bị cáo trong vụ án này là đưa ra thông tin không có thật để tạo sự tin tưởng của bị hại, đó là anh Nguyên tự giới thiệu mình làm ở Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Thông tin và Truyền thông, có nhiều mối quan hệ, có thể xin việc cho anh Phương vào làm tại Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Thông tin và Truyền thông.
Một trong những vấn đề mấu chốt là phải làm rõ là anh Nguyên giới thiệu gì về công việc của bản thân với phía bị hại. Cơ quan điều tra cũng như Viện Kiểm sát chủ yếu dựa vào lời khai của bị hại, con trai của các bị hại và hai người làm chứng là anh Hải và anh Lục.
Đối với bà Tuyết, lúc đầu thì khai không nghe anh Phương nói gặp và nói chuyện với bị cáo Nguyên tại Quán nước của anh Lục, bị cáo Nguyên không giới thiệu làm gì, ở đâu; sau đó thì khai nghe anh Phương nói gặp, nói chuyện với bị cáo Nguyên tại Quán nước của anh Lục, bị cáo Nguyên giới thiệu làm Cán bộ tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; sau đó nữa lại khai nghe anh Phương nói bị cáo Nguyên giới thiệu làm ở Vụ Tổ chức - Cán bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời khai thêm là bị cáo Nguyên nói với anh Phương bị cáo có nhiều mối quan hệ.
Qua các lần thay đổi, bổ sung nội dung khai báo về tình tiết này, cho thấy càng về sau bà Tuyết càng khai theo chiều hướng bất lợi cho bị cáo Nguyên, lời khai càng về sau càng muốn chứng minh rõ hơn bị cáo Nguyên giới thiệu gian dối về bản thân. Các lời khai này của bà Tuyết thể hiện ở các Bút lục 148, 152, 158-160 trong hồ sơ vụ án.
Về tình tiết này, anh Phương lúc thì xác định bị cáo Nguyên giới thiệu làm Cán bộ Bộ Thông tin truyền thông, sau đó lại xác định bị cáo Nguyên giới thiệu làm ở Vụ Tổ chức - Cán bộ (Thể hiện trong các bút lục 173-178).
Ngoài ra, về bối cảnh lần đầu tiên gặp anh Nguyên, anh Phương cũng khai mâu thuẫn (Các bút lục số 173-177, 179 – 181, 188 - 190). Dù đây chỉ là 1 chi tiết nhỏ nhưng nó phản ánh dấu hiệu thiếu trung thực của anh Phương và do đó làm mất hay làm giảm độ tin cậy của lời khai. Ban đầu anh Phương khai đang ngồi tại quán với anh Hải, anh Lục thì bị cáo Nguyên đến, lúc sau thì xác định khi anh Phương đến quán thì đã thấy bị cáo Nguyên đang ngồi nói chuyện, rồi sau cùng đổi lại khai như ban đầu. Hai lời khai này mâu thuẫn với nhau hoàn toàn.
Cũng như bà Tuyết, qua các lần thay đổi, bổ sung nội dung khai báo về tình tiết này, cho thấy càng về sau anh Phương càng khai theo chiều hướng bất lợi cho bị cáo, càng về sau lời khai càng muốn chứng minh rõ hơn bị cáo Nguyên giới thiệu gian dối về bản thân mình.
Lời khai của các bị hại không chỉ tiền hậu bất nhất và ngày càng bất lợi cho bị cáo mà còn không thống nhất với hai nhân chứng là anh Hải và anh Lục. Và ngay cả lời khai của hai nhân chứng này cũng có sự bất nhất và không thống nhất với nhau về công việc, chức vụ của anh Nguyên (Bút lục số 200 – 201, 215 - 218). Bản thân anh Lục là bạn anh Nguyên nên biết rõ anh Nguyên làm việc tại Trường Bồi dưỡng Cán bộ Thông tin, truyền thông – Bộ Thông tin & Truyền thông nhưng lời khai của anh Lục về công việc của anh Nguyễn cũng không rõ ràng, không nhất quán.
Theo Bút lục số 203 – 204 (Biên bản ghi lời khai ngày 26/11/2018 tại Công an huyện); 209 - 201 (Biên bản ghi lời khai ngày 26/12/2018 tại Công an huyện), anh Hải khai: Đến ngày 15/02/2014 bà Tuyết mời anh sang nhà chứng kiến việc giao nhận tiền thì mới biết bị cáo Nguyên.
Về tình tiết này, anh Hải khai báo không nhất quán, lúc đầu khai không biết bị cáo Nguyên là ai, chỉ gặp một lần tại nhà bà Tuyết; sau đó lại khai biết bị cáo Nguyên là bạn học của anh Lục vì năm 2013 bị cáo Nguyên có vài lần ghé đến quán của anh Lục chơi với anh Lục; sau cùng lại khai đến ngày 15/02/2014 bà Tuyết mời anh sang nhà chứng kiến việc giao nhận tiền thì mới biết bị cáo Nguyên. Lời khai càng về sau, anh Hải lại bổ sung thêm tình tiết mới hơn so với lời khai trước đó.
Bị cáo Nguyên luôn khẳng định không có sự việc gặp nhau, giới thiệu bản thân mình với anh Phương, anh Lục và anh Hải tại quán nước của anh Lục như lời khai của bà Tuyết, anh Phương, anh Lục và anh Hải. Với những lời khai bất nhất, mâu thuẫn như vậy liệu đã đủ cơ sở để kết luận anh Nguyên tự giới thiệu bản thân làm ở Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Thông tin truyền thông trước mặt ba người: Anh Phương, anh Hải, anh Lục hay không?
Vấn đề thứ hai cũng rất quan trọng là liệu anh Nguyên có hứa xin cho anh Phương làm việc tại Trường Cán bộ Thông tin & Truyền thông hay không? Luật sư Dũ đã phân tích rõ về vấn đề này. Anh Hải, anh Lục không chứng kiến nên không biết. Trong khi đó, lời khai của các bị hại về vấn đề này cũng có sự không thống nhất với nhau.
Như vậy, chỉ dựa vào lời khai một phía của các bị hại (đã một phía lại còn không thống nhất) thì có đủ căn cứ để xác định anh Nguyên đã hứa xin việc cho anh Phương làm việc ở Trường Cán bộ Thông tin & Truyền thông hay không?
Vậy, việc kết tội bị cáo sử dụng thủ đoạn gian dối (đưa ra thông tin sai lệch về bản thân, hứa hẹn xin việc cho bị hại ở Trường Cán bộ) để chiếm đoạt tài sản thật sự chưa thuyết phục nếu không thể thu thập thêm các chứng cứ khác để chứng minh.
Ngoài hai vấn đề chính yếu trên, luật sư Nguyễn Văn Dũ cũng đã nêu ra nhiều mẫu thuẫn về các tình tiết khác trong lời khai của các bị hại, người làm chứng mà chưa có chứng cứ nào bổ sung để xác minh được sự thật.
Về ý thức chiếm đoạt tài sản
Luật sư Nguyễn Văn Dũ phát hiện một tình tiết rất quan trọng. Khi nhận tiền, anh Nguyên tự viết Giấy nhận tiền chứ không phải là bà Tuyết yêu cầu anh Nguyên viết. Về mặt tâm lý tội phạm, kẻ phạm tội không dại dột viết giấy này vì như vậy sẽ để lại dấu vết, "lạy ông tôi ở bụi này".
Luật sư Trần Đình Triển cũng nêu vấn đề: Tại giai đoạn xử lý tin tố giác tội phạm, anh Nguyên đã gặp điều tra viên Lê Viết Quy đề nghị xuất trình bản chính Giấy nhận tiền thì sẽ trả đủ tiền cho ông Tân, bà Tuyết nhưng yêu cầu của anh Nguyên không được chấp nhận. Luật sư Triển cũng đã có văn bản kiến nghị về một loạt vấn đề gửi các cơ quan tố tụng trước khi đưa vụ án ra xét xử.
Thực tế, các bên đã gặp nhau một số lần để thỏa thuận giải quyết việc hoàn trả tiền. Trong Bút lục số 191 lập ngày 20/9/2018, ông Tân khai rằng khi ông Tân liên hệ anh Nguyên để đòi lại số tiền, anh Nguyên cũng như người đại diện cho anh (hai em và bố Nguyên) tới gặp gia đình ông Tân để bàn về cách thức trả lại tiền. Như vậy, giữa hai bên chưa thống nhất cách thức hoàn trả chứ anh Nguyên hoàn toàn không có ý thức chiếm đoạt số tiền đó.
Với các tình tiết như vây thì liệu việc truy tố anh Nguyên về tội danh chiếm đoạt tài sản có thỏa đáng? Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã kháng cáo kêu oan.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc các diễn biễn tiếp theo của vụ án.