TP. Biên Hòa: Dự án treo đẩy dân vào bước đường cùng!
Đó là câu chuyện đắng lòng của 26 hộ dân tại tổ 2, khu phố Long Đức 2, phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa.
Đất đai họ đang sở hữu nhưng hàng chục năm nay, họ không giao dịch mua bán, hay cầm cố gì được. Trong khi đó, chủ đầu tư và chính quyền sở tại vẫn bình chân như vại…
Khổ sở vì quy hoạch “treo”…
Công ty Sài gòn Cây Cảnh “xí phần” làm dự án khu dân cư tại xã Tam Phước (nay là phường Tam Phước) TP. Biên Hòa nhưng sau đó bị “dính án” nên ngưng lại. Dù vậy, dự án trời ơi này đã “treo” đất của người dân hết 9 năm! Tiếp đó, chính quyền “chuyển tiếp” cho một nhà đầu tư khác là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lê Sơn Thịnh, đổi tên dự án thành “Khu dân cư Lê Sơn Thịnh”. Tuy nhiên, đến nay đã 6 năm kể từ ngày Lê Sơn Thịnh tiếp quản, dự án vẫn dậm chân tại chỗ...
Tổng cộng hơn 14 năm ròng rã đó đã biến cuộc sống của người dân nơi đây vào bước đường cùng. Gặp chúng tôi, cụ ông Bùi Văn Toàn 82 tuổi, nói ra những lời nghe “đắng lòng”: “ Cũng vì khổ quá, gia đình tui bỏ làng bỏ xứ, vào đây khai hoang lập nghiệp được hơn 2 héc ta đất. Mấy mươi năm dầm sương dãi nắng cày cuốc trên mảnh đất của mình. Vậy mà đến lúc về già muốn cái khổ nó qua cũng không được. Nhiều người khách đến mua đất, nhưng khi biết có dự án họ bỏ đi luôn không trở lại!”.
Còn trường hợp của ông Nguyễn Văn Bảy, 64 tuổi, cũng bỏ xứ lên đây từ lúc 19 tuổi, khai hoang gần 2 hecta đất chua chát nói: “Vợ mổ tim 3 lần mà không đi vay tiền đâu được! Một phần đất thì khu công nghiệp lấy không bồi thường, phần còn lại bị treo trên dự án. Có tài sản tiền tỷ mà phần bị cướp, phần bị treo khổ ơi là khổ! Không nhúc nhích cục cựa gì được hết!”.
Không thua kém số phận của ông Bảy, ông Phan Văn Thọ 53 tuổi. “Tôi tên là Thọ nhưng không thọ chú ơi! Bản thân hở van tim, chạy vạy khắp nơi để mưu sinh. Đi bộ đội về đây khai hoang được lô đất lập nghiệp. Ông trời không thương giáng quy hoạch treo hàng chục năm xuống đầu người dân, chúng tôi không chết mới lạ!”- Ông Thọ nói như khóc.
Chính quyền sở tại vô cảm?
Tức nước vỡ bờ, 26 hộ dân hiện đang sinh sống và có đất đã làm đơn khiếu nại tố cáo gửi đích danh ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và các sở ban ngành khiếu nại tố cáo về việc chủ đầu tư là Công ty Lê Sơn Thịnh lập dự án treo, từ tháng 1 năm 2014 đến nay do không đủ năng lực tài chính, gây bức xúc dư luận…
Theo đơn khiếu nại, vào năm 2014, do một số người tại ấp Long Đức 2 có nhu cầu xin cấp thổ cư thì được cơ quan công quyền sở tại thông báo là không được vì phần đất của các hộ dân được quyền sử dụng hợp pháp đã bị quy hoạch để giao cho Công ty Lê Sơn Thịnh thực hiện dự án “Khu dân cư Lê Sơn Thịnh”
Ông Đoàn Súy, 62 tuổi bức xúc: “Điều đáng nói ở đây là các hộ dân chưa bao giờ được thông báo về dự án này với tư cách là người có đất nằm trong dự án theo quy định của pháp luật. Nhận thấy mình bị tước quyền công dân, ai cũng hoang mang tột độ. Ngay lập tức sau đó, các hộ dân có đất tại đây đã tự tìm hiểu và làm đơn khiếu nại”.
Theo ông Súy, chúng tôi kiến nghị tỉnh cho phép các hộ dân tự liên kết, đầu tư dự án trên đất đang sử dụng của mình và hủy bỏ dự án treo của Công ty Lê Sơn Thịnh. Ngày 19/8/2020, UBND phường Tam Phước mới có giấy mời các hộ dân đến để lấy ý kiến và chưa có một câu trả lời thích đáng nào của các cấp chính quyền cho đơn thư khiếu nại…
“Như vậy, một cách trực tiếp, chúng tôi đã bị tước bỏ quyền sử dụng hợp pháp phần đất của chúng tôi đã được luật pháp công nhận để giao cho một công ty tư nhân đầu tư thu lợi mà chúng tôi lại chưa bao giờ được thông báo, được hỏi ý kiến, được bàn bạc…về vấn đề quy hoạch, việc công khai kế hoạch sử dụng đất…theo quy định của Luật Đất đai”- Ông Đỗ Văn Ngọc, người có đất tại đây bức xúc.
“Càng bức xúc hơn khi các hộ dân đã đồng loạt phản ứng và cùng ký vào một biên bản không đồng ý giao đất cho Công ty Lê Sơn Thịnh, ngay lập tức đại diện Công ty tỏ rỏ thái độ xem thường bất cần tự ý bỏ về mất lịch sự, thiếu tôn trọng người dân chúng tôi”- nhiều người dân phản ánh
Chính vì vậy, các hộ dân cho rằng, việc này cho thấy thấy có nhiều sai phạm trong dự án Lê Sơn Thịnh, nhưng các ban ngành và cơ quan Nhà nước cố tình làm ngơ, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của các hộ dân có đất tại đây.
Đơn cử, tại Văn bản số 317/UBND-ĐT ngày 14/1/2014 về việc thỏa thuận địa điểm cho Công ty TNHH Thương Mại Lê Sơn Thịnh đầu tư dự án khu dân cư Lê Sơn Thịnh tại xã Tam Phước thành phố Biên Hòa do Ông Trịnh Tuấn Liêm, quyền Chủ tịch UBND Tp. Biên Hòa ký có nêu: “Thời hạn hiệu lực của văn bản này là 24 tháng kể từ ngày ký. Hết thời hạn nêu trên, nếu nhà đầu tư không làm thủ tục gia hạn theo quy định, văn bản này không còn giá trị pháp lý” và đến nay, văn bản này đã quá thời hạn nêu trên.
Điều đáng nói ở đây là ngay sau khi có Quyết định số 317/UBND-ĐT ngày 14/1/2014, UBND Tp. Biên Hoàn đã ra Thông báo số 60/TB-UBND ngày 24/1/2014, cũng do Ông Trịnh Tuấn Liêm, quyền Chủ tịch UBND Tp. Biên Hòa ký về việc thu hồi đất và cho phép khảo sát, đo đạc lập dự án khu dân cư Lê Sơn Thịnh tại xã Tam Phước, thành phố Biên Hòa. Tuy nhiên, sau khi có thông báo thu hồi đất cơ quan có thẩm quyền và chủ đầu tư không thực hiện dự án theo quy định: Không họp dân để công bố, công khai dự án...
Đến tháng 7/2014 Luật đất đai 2013 có hiệu lực, thì thông báo thu hồi đất số 60/TB-UBND ngày 24/1/2014 của UBND thành phố Biên Hòa không còn hiệu lực. Tuy vậy, hiện nay, Sở Tài nguyên – Môi Trường tỉnh Đồng Nai vẫn ghi chú vào giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất là đất của các hộ dân được cấp là đất bị thu hồi để giao cho Công ty Lê sơn Thịnh thực hiện dự án!
Chính quyền làm trái luật?
Theo pháp luật hiện hành, việc “treo” dự án “Khu dân cư Lê Sơn Thịnh” tại phường Tam Phước, TP. Biên Hòa hoàn toàn sai luật pháp. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 49, Luật đất đai 2013: "Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất”.
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường quy định tại Điều 11 và Điều 12, Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014, Khoản 12, Điều 6, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 về việc ghi chú trên Giấy chứng nhận thì hoàn toàn không quy định việc ghi chú đối với trường hợp thửa đất đã có thông báo thu hồi đất.
Chính vì vậy, việc làm tùy tiện và bất chấp luật pháp của các cơ quan liên quan dự án tại phường Tam Phước đã tước đoạt quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và tạo cho cả làng xóm nơi đây rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Mặt khác, trong Thông báo thu hồi đất số 60/TB-UBND do quyền Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa ký ngày 24/1/2014 (chỉ 10 ngày sau khi ký văn bản thỏa thuận địa điểm số 317/UBND-ĐT ) viện dẫn Điều 29 Nghị định 69/2009/NĐ-CP về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là vi phạm nghiêm trọng quy định về đất đai do vượt quyền hạn cho phép vì hoàn toàn sai Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 có hiệu lực từ ngày 1/10/2009 đến ngày 01/7/2014 thì trình tự thủ tục đầu tư dự án có chuyển mục đích sử dụng đất, có thu hồi đất theo quy định tại điều 62 Luật Đất đai 2013 phải thực hiện theo điều 29 Nghị định 69/2009/NĐ-CP có quy định quyền hạn của các cấp có thẩm quyền
Ai “vẽ đường” cho Lê Sơn Thịnh?
Xuất phát từ văn bản 317/ UBND-ĐT của UBND TP. Biên Hòa đã hết thời hạn hiệu lực theo quy định của luật pháp, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vẫn tiếp tục ký ban hành văn bản số 912/UBND-ĐT ngày 06/2/2017 về thỏa thuận địa điểm cho Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Lê Sơn Thịnh đầu tư dự án mở rộng khu dân cư tại xã Tam Phước thành phố Biên Hòa. Và đến nay, cả văn bản 912/UBND-ĐT cũng đã hết thời hạn hiệu lực 20 tháng.
Khi ký văn bản 912/UBND-ĐT, ông Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Nai đã làm trái quy định tại điểm b, khoản 1, điều 15, quy định về thẩm quyền thẩm quyền quyết định địa điểm tại Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 23/7/2014 – V/v Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định thỏa thuận địa điểm dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh Đồng Nai là phải thông qua Thường vụ Tỉnh Ủy, chứ không thể căn cứ vào đơn xin của Công ty TNHH TMDV Lê Sơn Thịnh.
Văn bản 912/UBND-ĐT đã vi phạm Điểm a, khoản 4, Điều 97, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc “không thông báo trước cho người có đất bị thu hồi theo quy định tại Điều 67 của Luật Đất đai
Căn cứ Quy định thỏa thuận địa điểm dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ( Quyết định 26/2013/QĐ-UBND ) và các Điều 61, Điều 62, Luật đất đai 2013 thì dự án khu dân cư Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai được UBND thành phố Biên Hòa thỏa thuận địa điểm tại văn bản số 317/UBND-ĐT ngày 14/01/2014, là dự án kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Chủ đầu tư muốn thực hiện dự án thì phải thỏa thuận với người sử dụng đất nằm trong dự án đúng theo quy định của pháp luật. Qua các lần họp dân, chủ đầu tư vẫn không thỏa thuận được gì, thậm chí không gây được chút cảm tình nào với họ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, công ty Lê Sơn Thịnh hoàn toàn chưa có đất trong tổng số hơn 25,8 ha được giới thiệu địa điểm, cụ thể: 10,2 ha mua qua đấu giá hiện nay đang có đơn khiếu nại của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quận 1 và các cổ đông của Công ty Cây cảnh Sài gòn. Đồng thời, ngày 15/4/2020 UBND tỉnh Đồng Nai có Văn bản số 4259/UBND-KTN (hỏa tốc) gửi các cơ quan tư pháp của tỉnh nắm bắt nội dung, báo cáo và tham mưu UBND tỉnh giải quyết vấn đề tranh chấp 10,2 ha này do Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Kết luận số 83/KL-VKSTC ngày 16/9/2019 về việc trực tiếp giám sát Quyết định thi hành án số 75/QĐ-CTHA ngày 25/6/2015 của Chi cục thi hành án tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm !
Điều khó hiểu là mặc dù “vô sản” nhưng các cơ quan của TP. Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai vẫn ký hàng loạt các văn bản tham mưu cho UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho dự án nhằm hỗ trợ Công ty Lê sơn Thịnh: Văn bản 128/BC-PQLĐT.XD ngày 14/5/2018 của Phòng Quản lý Đô thị, UBND Tp. Biên Hòa tham mưu góp ý hồ sơ cấp quyết định chủ trương đầu tư; Văn bản 2043/TTr-SXD ngày 15/5/2019 của Sở Xây dựng Tỉnh Đồng Nai; Văn bản 224/BC-SKHĐT ngày 08/4/2020 của Sở Kế hoạch- Đầu tư về hồ sơ đề nghị cấp Quyết định chủ trương đầu tư…
Tâm nguyện của dân
Từ những chứng lý viện dẫn trên, có thể nói rằng Công ty Lê Sơn Thịnh không đủ căn cứ pháp lý để triển khai dự án KDC Lê Sơn Thịnh tại phường Tam Phước, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Thậm chí ở góc độ nào đó, chủ đầu tư còn phải chịu trách nhiệm bồi thường những mất mát mà người dân nơi đây chịu đựng suốt 6 năm qua.
“Chúng tôi đề nghị ông Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai quyết định hủy bỏ dự án Lê Sơn Thịnh, trả lại cho chúng tôi quyền và lợi ích hợp pháp mà Nhà nước đã công nhận, chấm dứt sự thiệt thòi và khó khăn trong cuộc sống do bị hạn chế quyền sử dụng đất từ nhiều năm nay, đồng thời tránh lãng phí tài nguyên đất đai. Và cho phép chúng tôi được tự đầu tư trên đất đang sử dụng theo luật pháp quy định” người dân đã đề đạt nguyện vọng của mình trong đơn tố cáo.
Theo qui định của Luật Đất đai (2013) thì trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền về đất đai của họ.
Mong rằng chính quyền sở tại sớm xem xét, quyết định vụ việc để người dân được “giải thoát” khỏi nỗi ám ảnh “có đất mà phải đi mua đất” để sinh sống!