TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng: Những thắc mắc và nỗi niềm của người thương binh nặng
Chuyện gia đình ông Lâm Ngọc Thiếm, 83 tuổi, thương binh nặng và nhiễm chất độc hóa học, ở tổ 15, phường Sông Hiến, TP Cao Bằng, khi bị thu hồi đất nhưng việc bồi thường, hỗ trợ không thỏa đáng, khiến gia đình ông rơi vào cảnh khó khăn.
Ông Thiếm không thể tin nổi việc gia đình mình đang sử dụng hơn 2.399m2 đất, trong đó có căn nhà tình nghĩa được Nhà nước tặng nay không còn nữa(!? )…
Theo hồ sơ và đơn khiếu nại của ông Lâm Ngọc Thiếm, gia đình ông có hai thửa đất, gồm: Thửa đất số 230, Tờ bản đồ số 18 thuộc phường Sông Hiến có diện tích 737m2 (100m2 ở và 637m2 đất vườn) đã được UBND TP Cao Bằng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số N891395 ngày 27/3/2000, mang tên bà Lý Thị Bích Phượng (vợ ông Thiếm). Đây là tài sản của bà Phượng được hưởng thừa kế từ bố, mẹ đẻ để lại, có từ trước khi kết hôn với ông Thiếm; Thửa đất số 68A, mang tên ông Lâm Ngọc Thiếm có diện tích 1.662,1m2, trên đất có ngôi Nhà tình nghĩa được UBND TP Cao Bằng xây cho và chưa được cấp sổ đỏ.
Ông Thiếm cho biết: Khi thực hiện Dự án xây dựng khu tái định cư đường phía Nam khu đô thị mới TP Cao Bằng, gia đình ông thu hồi đất và đã được UBND TP Cao Bằng bồi thường, hỗ trợ. Nhưng việc bồi thường, hỗ trợ chưa thỏa đáng khi thu hồi 2 thửa đất này UBND TP Cao Bằng chỉ hỗ trợ cấp 4 lô đất, mỗi lô 81m2 để gia đình ông tái định cư. Cụ thể, 1 lô đất theo giá thu tiền sử dụng đất nhân hệ số 1 lần theo bảng giá quy định của UBND tỉnh và áp dụng chính sách giảm tiền sử dụng đất đối với người có công theo quy định; 1 lô đất giá thu tiền sử dụng đất nhân hệ số 3 lần theo bảng giá quy định của UBND tỉnh; 2 lô đất giá thu tiền sử dụng đất xác định theo đơn giá thị trường. Nếu cộng diện tích 4 lô, gia đình ông Thiếm chỉ được 324m2 trong tổng diện tích 2.399,1m2 đất bị thu hồi.
Ông Thiếm cho rằng, việc UBND TP Cao Bằng cấp 4 lô đất trên là hỗ trợ cho thửa đất số 230 mang tên bà Lý Thị Bích Phượng, còn thửa đất số 68A tại phường Sông Hiến với diện tích 1662,1m2 (có nhà tình nghĩa trên đất) thuộc quyền sử dụng của ông Thiếm thì chưa được xem xét hỗ trợ bồi thường. Mặc dù trong Văn bản số 1600/UBND-QĐMB ngày 29/8/2019 trả lời kiến nghị của ông Thiếm, UBND TP Cao Bằng nêu: “Phần diện tích này (1662,1m2) đã được UBND phường Sông Hiến tổ chức lấy phiếu ý kiến nguồn gốc đất theo quy định được xác định là của hộ gia đình ông Thiếm, bà Phượng. Trên phần diện tích này có một ngôi nhà được xây dựng năm 2003 (nhà tình nghĩa do Nhà nước hỗ trợ xây dựng cho người có công), xung quanh nhà có 1 bếp và các công trình phụ”.
Có thể thấy, thửa đất số 230 đã được cấp sổ đỏ mang tên bà Lý Thị Bích Phượng và thửa đất 1.662,1m2 (có ngôi Nhà tình nghĩa) là hai thửa đất riêng biệt. Ông Thiếm luôn thắc mắc tại sao hai thửa đất lại bị “trộn trấu” quyền sử dụng khi cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ cấp đất tái định cư?
Theo ông Thiếm, việc UBND TP Cao Bằng thực hiện thu hồi và cấp đất tái định cư 2 thửa đất nêu trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng ông. Thực tế, đại gia đình ông Thiếm có tổng số 3 hộ gia đình, gồm: ông và vợ là bà Phượng; con gái Lâm Thị Ái Vân và các cháu ngoại; con gái Lâm Trà Giang và Lâm Thị Ngọc Hiến cùng các cháu ngoại. Có thể thấy, số nhân khẩu trong gia đình ông Thiếm là rất đông và có thể xem xét thuộc trường hợp được tách khẩu theo quy định tại Luật Cư trú. Căn cứ quy định pháp luật về thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất và căn cứ vào số lượng nhân khẩu trong hộ khẩu, thì gia đình ông Thiếm thuộc trường hợp có thể xem xét được tách khẩu và bồi thường, hỗ trợ theo từng hộ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo cách bồi thường, hỗ trợ của UBND TP Cao Bằng thực hiện, gia đình ông Thiếm vẫn phải ăn ở tạm bợ, khó khăn trong việc có tiền để xây nhà, ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống. Bản thân ông Thiếm đã từng tham gia hoạt động cách mạng và trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, là thương binh nặng và bị nhiễm chất độc da cam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe; con cháu ông cũng bị nhiễm chất độc từ ông. Câu hỏi luôn đau đáu của người thương binh già là khi thu hồi đất, UBND TP Cao Bằng thực hiện bồi thường, hỗ trợ để cuộc sống gia đình có công với cách mạng không khá hơn thì cũng phải được ổn định như trước, tại sao lại để gia đình ông khó khăn hơn?
Trao đổi với phóng viên, ông Thiếm thắc mắc: “Tại sao nơi thu hồi đất còn khá rộng và gia đình ông đã ở lâu đời, tiện lợi cho việc đi lại khám chữa bệnh của tôi, thì UBND TP Cao bằng không cấp cho tôi và gia đình được lô đất tái định cư tại chỗ, lại chuyển ra một nơi xa hơn và khu đất bồi thường cho vợ tôi không ngang bằng chứ đừng nói là hơn so với nơi ở cũ?”
Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là các gia đình chính sách và người có công với cách mạng luôn được quan tâm chăm sóc tốt hơn. Nên chăng, UBND tỉnh Cao Bằng sớm xác minh, xem xét lại toàn bộ vụ việc, giải quyết theo đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; Bồi thường đủ diện tích và bố trí tái định cư tại chỗ cho gia đình ông Thiếm. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng căn nhà tình nghĩa trả lại cho ông Thiếm đã bị phá khi thu hồi. Hi vọng, những thắc mắc và nỗi niềm của thương binh nặng Lâm Ngọc Thiếm sẽ được chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng giải đáp thỏa đáng.