TP.HCM: Đề xuất tái thí điểm đầu tư BOT trên một số đường hiện hữu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thuận để thành phố được thí điểm triển khai 2 dự án BOT mở rộng, nâng cấp đường hiện hữu, mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn xã hội cho phát triển hạ tầng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo tham mưu Thường trực Chính phủ xem xét hoàn thiện dự thảo cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét. Đáng chú ý, Bộ đồng thuận để thành phố được thí điểm triển khai 2 dự án BOT mở rộng, nâng cấp đường hiện hữu, mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn xã hội cho phát triển hạ tầng.
Hai dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu thư tham mưu Thường trực Chính phủ xem xét, đề xuất cho thành phố Hồ Chí Minh làm thí điểm gồm nâng cấp mở rộng gần 6km đoạn quốc lộ 13 qua thành phố Thủ Đức (tổng mức đầu tư gần 12.200 tỷ đồng, mở rộng mặt đường từ 19m lên 60m) và dự án đường trên cao số 5 (có chiều dài 34 km). Quy mô mặt cắt ngang của tuyến là 31,5m, đi trùng với đường Vành đai 2 (quốc lộ 1). Giai đoạn 1, đường trên cao số 5 dài khoảng 21,5 km, mức đầu tư gần 15.500 tỷ đồng.
Đây là 2 trong số 6 dự án hạ tầng giao thông mà thành phố Hồ Chí Minh đề xuất được thí điểm áp dụng cơ chế đầu tư BOT (Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh) trên đường hiện hữu với tổng số vốn lên đến gần 100.000 tỷ đồng.
Với vai trò là tuyến đường huyết mạch của vùng, từ năm 2002, thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề xuất Bộ Giao thông – Vận tải đầu tư nâng cấp mở rộng đoạn tuyến quốc lộ 13 qua địa bàn. Khi đó, tổng mức đầu tư ước tính hơn 4.000 tỷ đồng (bao gồm 2.500 tỷ đồng đền bù giải phóng mặt bằng). Tuy nhiên, do nhiều lý do, Bộ Giao thông – Vận tải chưa thể triển khai dự án. Hiện tại, nếu mở rộng đoạn tuyến theo quy mô thiết kế, tổng mức đầu tư lên đến gần 12.200 tỷ đồng.