TP.HCM hết vaccine, nguy cơ gián đoạn tiêm chủng cho trẻ em
Dự báo đến cuối tháng 5, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hết các loại vaccine viêm gan B và viêm não Nhật Bản; đến giữa tháng 6, hết vaccine lao (BCG); đến tháng 7 hết vaccine bại liệt (bOPV)...
Sáng 16/5, thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện có một số loại vaccine phục vụ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn như vaccine 5 trong 1, vaccine phòng bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván đã hết.
Bên cạnh đó, một số loại vaccine khác số lượng rất hạn chế, nguy cơ gián đoạn tiêm chủng các loại vaccine phòng bệnh cho trẻ em hiện hữu.
Cụ thể, tính đến ngày 15/5, các cơ sở tiêm chủng phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh không còn hai loại vaccine là DPT-VGB-HiB (vaccine phối hợp 5 trong 1 có khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ do HiB) và DPT (vaccine phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván).
[WHO lưu ý tình trạng giảm tỷ lệ tiêm chủng các mũi vaccine thiết yếu]
Vaccine DPT-VGB-HiB đã hết từ tháng 3 và DPT hết từ đầu tháng 5. Bên cạnh đó, các loại vaccine khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng còn số lượng hạn chế, dự kiến sẽ hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm.
Dự báo đến cuối tháng 5, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hết các loại vaccine viêm gan B và viêm não Nhật Bản; đến giữa tháng 6, hết vaccine lao (BCG); đến tháng 7 hết vaccine bại liệt (bOPV) và vaccine sởi; đến tháng 8 hết vaccine uốn ván (VAT) và đến hết tháng 9 hết vaccine sởi và rubella (MR).
Được biết, tình trạng thiếu một số vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra từ tháng 5/2022.
Sau khi Sở Y tế nhiều lần gửi văn bản kiến nghị lên Bộ Y tế, vaccine được cung ứng trở lại nhưng với số lượng ít.
Trước tình trạng này, Sở Y tế Thành phố kiến nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sớm cung ứng trở lại các vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng cho thành phố.
Sở Y tế dự trù, năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh cần 672.526 liều vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (gồm 12 loại/nhóm loại); trong đó DPT-VGB-HiB cần nhiều nhất với 123.070 liều.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố dự kiến cần khoảng hơn 880.000 liều. Như vậy, từ nay đến tháng 6/2024, thành phố cần khoảng gần 1.553.000 liều vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ.
Trước tình trạng tạm gián đoạn cung ứng một số loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng mở rộng trên địa bàn duy trì hoạt động thường xuyên theo lịch cố định để tiêm các loại vaccine còn lại; đồng thời, lập danh sách trẻ đến lịch tiêm chủng nhưng chưa được tiêm, mời ra tiêm ngay khi vaccine được cung ứng trở lại.
Theo Sở Y tế, vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe trẻ em và kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.
Để tạo được sự bảo vệ tốt nhất cho trẻ, vaccine cần tiêm đúng lịch và đủ liều. Trường hợp lịch tiêm chủng bị gián đoạn trẻ cần được tiêm bù sớm nhất khi có thể.
Về kiến nghị sớm cung ứng trở lại các vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng cho các địa phương (trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh), được biết mới đây Bộ Y tế đã có văn bản số 2591/BYT-KH-TC ngày 3/4/2023 trả lời nêu rõ từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vaccine cho tiêm chủng mở rộng... mà đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách.
Bên cạnh đó hiện nay, theo quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, không có Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số và Bộ Tài chính có công văn số 10095/BTC-HCSN ngày 04/10/2022 rà soát các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên từ năm 2023.
Do đó, Bộ Y tế không thể tổ chức đấu thầu tập trung/ đàm phán giá theo quy định để mua vaccine tiêm chủng mở rộng.
Đối với đề xuất Bộ Y tế tổ chức đấu thầu tập trung các vaccine sản xuất trong nước cho tiêm chủng mở rộng, hiện nay các đơn vị sản xuất vaccine trong nước là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, không bảo đảm tư cách hợp lệ để tham gia đấu thầu theo quy định tại Điều 5 Luật đấu thầu và khoản 4 Điều 2 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Văn bản trên cũng nêu rõ Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế khẩn trương xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí địa phương và tổ chức mua sắm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm không để thiếu thuốc, vaccine cho công tác phòng chống dịch, bệnh.