Tránh nói gì khi trả lời câu hỏi: “Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?”
Phần cuối của buổi phỏng vấn, hầu hết nhà tuyển dụng muốn nghe ứng viên chia sẻ nên thường đặt câu hỏi “Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?”. Tuy đây không phải là câu hỏi khó trả lời, nhưng nếu xem đó là cơ hội để tạo ấn tượng, khẳng định năng lực, mức độ quan tâm tới công việc thì bạn cần cân nhắc, chú ý nhiều hơn.
Dưới đây là một số sai lầm cần tránh với câu hỏi này, bạn tham khảo nhé.
Hỏi về thông tin có sẵn
Thông tin có thể dễ dàng tìm hiểu không nên là nội dung của câu hỏi bạn đặt ra khi tham gia tuyển dụng ở Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội hay bất cứ nơi nào khác. Năm thành lập, lịch sử hoạt động, cấu trúc tổ chức, ai lãnh đạo... thường đã được công bố trên trang web, Facebook hay có thể tìm kiếm trên Google.
Do đó, khi hỏi: “Công ty đã hoạt động trong lĩnh vực này bao lâu?” hay “Có bao nhiêu phòng ban trong công ty?”, tạo cảm giác cho nhà tuyển dụng thấy bạn chưa thực sự nghiên cứu, quan tâm tới công ty. Ngược lại việc đặt câu hỏi quá tò mò như “Vị trí này có bao nhiêu người ứng tuyển” … cũng không cần thiết.
Thay vào đó, vẫn là câu hỏi về công ty nhưng bạn có thể đặt câu hỏi sâu hơn như về sự phát triển, chiến lược, hoạt động vì cộng đồng, văn hóa công ty …
Tò mò về đời sống cá nhân
Trong quá trình phỏng vấn, việc đặt câu hỏi liên quan đến đời sống cá nhân của nhà tuyển dụng hay lãnh đạo, người quản lý doanh nghiệp là không nên. Bởi đời sống cá nhân thuộc về vấn đề riêng tư và cần được tôn trọng.
Những câu hỏi như: Anh/chị kết hôn chưa, có con cái hay không, hoặc các chi tiết cá nhân khác tạo ra sự không thoải mái trong cuộc trò chuyện. Thậm chí có thể gây ra sự hiểu lầm, tạo ấn tượng tiêu cực trong mắt nhà tuyển dụng.
Do đó, hãy đảm bảo các câu hỏi của bạn không tò mò về đời sống cá nhân. Hãy giữ câu trả lời cho câu hỏi “Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?” tập trung vào khả năng làm việc và những gì bạn có thể đem lại cho doanh nghiệp.
Làm rõ lộ trình thăng tiến
Nếu “phút cuối” bạn ưu tiên cho việc đặt câu hỏi về lộ trình thăng tiến, nhà tuyển dụng có thể cảm thấy bạn quá tập trung vào mục tiêu cá nhân hơn là sự đóng góp cho công ty. Thậm chí có thể họ hiểu lầm về việc bạn “ham muốn” vị trí hơn cả năng lực và đang không hài lòng với công việc hiện tại. Đây là điều mà nhà tuyển dụng không đánh giá cao. Hơn nữa, bạn chưa có cơ hội để chứng minh năng lực, hiệu suất làm việc. Vì thế, nhà tuyển dụng không thể đưa ra câu trả lời đáp ứng mong muốn của bạn.
Vậy nên, thay vì tập trung vào lộ trình thăng tiến, hãy thảo luận về cách bạn có thể đóng góp và làm việc hiệu quả; những phẩm chất cần thiết để trở thành nhân sự xuất sắc hay những cơ hội để học tập, phát triển bản thân...
Hỏi về chế độ, phúc lợi
“Tôi được nghỉ phép mấy ngày, có được bao ăn trưa, phụ cấp xăng xe, ngày lễ được thưởng bao nhiêu?”… Đây là những điều bạn cần làm rõ nhưng không nên là câu hỏi cuối buổi phỏng vấn dành cho nhà tuyển dụng.
Việc đặt câu hỏi trên tạo ra ấn tượng không tích cực, dẫn đến những hiểu lầm hoặc đánh giá không chính xác. Nhà tuyển dụng sẽ nghĩ, bạn chỉ đang quan tâm tới lợi ích trước mắt, đến mức lương, phúc lợi và điều kiện làm việc hơn là lợi ích lâu dài như cơ hội phát triển sự nghiệp, hoàn thiện năng lực toàn diện...
Chưa kể, hỏi về chế độ nhân viên có thể dẫn đến những nội dung trò chuyện không cần thiết. Trong khi bạn đang cần khẳng định năng lực và sự phù hợp với vị trí công việc và công ty.
Vậy nên, tốt nhất nên tránh đặt câu hỏi về quyền lợi trong buổi phỏng vấn đầu tiên. Nó chỉ nên được làm rõ khi tiến tới bước đàm phán, ký kết hợp đồng hoặc khi bạn đã chứng minh được giá trị và sự phù hợp với công việc, công ty.
Không nên tuyên bố “Tôi không có câu hỏi nào”
Khi bạn tuyên bố “Tôi không có câu hỏi gì” sẽ khiến nhà tuyển dụng hụt hẫng. Phần lớn nhà tuyển dụng rất mong bạn đặt câu hỏi để chia sẻ và trao đổi thêm.
Chưa kể, họ có “quyền” nghĩ, bạn không quan tâm, thiếu nghiêm túc với cơ hội việc làm này. Bạn thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc phỏng vấn. Thậm chí khả năng giao tiếp, tương tác của bạn quá kém. Bởi buổi phỏng vấn là cơ hội để tương tác và xây dựng mối quan hệ với nhà tuyển dụng.
Hãy coi câu hỏi: “Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?” là một cơ hội. Bạn nên tận dụng để chứng minh năng lực, giá trị bản thân; để hiểu sâu hơn về cơ hội việc làm. Nếu bỏ qua cơ hội này tức là bạn đã không biết cách tận dụng hết khả năng để hiểu rõ về nơi bạn sẽ làm việc trong tương lai.
Đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng là một phần quan trọng trong buổi phỏng vấn. Do đó, bạn nên chuẩn bị chu đáo các câu hỏi giá trị và chất lượng. Qua đó khẳng định được năng lực, cho thấy sự phù hợp của bạn với doanh nghiệp để gây ấn tượng tích cực và ghi điểm với nhà tuyển dụng trước khi kết thúc buổi phỏng vấn.