Trẻ nhập viện vì cúm tăng đột biến, bác sĩ khuyến cáo đưa trẻ đi khám ngay nếu có các dấu hiệu này
Thời gian gần đây đang là thời điểm giao mùa tại miền Bắc, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, đặc biệt ở trẻ nhỏ, bởi hệ miễn dịch của trẻ vốn còn non yếu.
Ngày 15/3, theo thông tin từ Bệnh Viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, trong 1 tháng qua bệnh viện tiếp nhận hàng chục bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, ho nhiều,…. Phía bệnh viện cho biết số lượng bệnh nhi thời điểm này tăng đột biến so với cùng kì các năm 2019 (tăng 25%); 2020, 2021 (tăng 13%); năm 2022 (không có bệnh nhân cúm nhập viện giai đoạn này)
Theo BS CK I. Bùi Thị Đến – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, bệnh nhi khi đến viện xuất hiện những triệu chứng thường gặp ban đầu như: Sốt cao, uống thuốc hạ sốt không hạ, ho nhiều, chảy dịch mũi nhiều, mệt mỏi, ăn uống kém, có dấu hiệu mất nước rõ, có 1 số trẻ xuất hiện cơn giật trong cơn sốt cao,… rất nguy hiểm.
Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, là những đối tượng có nguy cơ cao mắc các biến chứng do cúm. Một số biến chứng trẻ mắc bệnh cúm có thể gặp phải là: Bệnh viêm tai giữa; Viêm phổi; Viêm xoang và nhiễm trùng xoang; Gây ra các vấn đề về thần kinh như: Sốt co giật, ngủ li bì...; Viêm não bội nhiễm…
Đơn cử vừa qua, bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ tiếp nhận 1 bệnh nhi 31 tháng tuổi, khi nhập viện với tình trạng sốt cao, ho nhiều, mệt mỏi, sau đó sốt nóng liên tục kèm ho nhiều, chảy dịch mũi nhiều, ăn kém, nghe phổi thông khí giảm. Được các bác sĩ chuẩn đoán Cúm A/ Viêm thanh khí phế quản – Viêm phổi thùy – Viêm mũi xoang cấp. Nếu không được chữa trị kịp thời, bé có thể xuất hiện những cơn co giật do sốt cao, khi bị co giật sẽ gây mất ý thức, thiếu oxy não, nếu cơn giật kéo dài có thể gây biến chứng lâu dài đặc biệt với trẻ có bệnh động kinh tiềm ẩn.
Quá trình điều trị, trẻ được điều trị bằng thuốc kháng virus, kháng sinh chống bội nhiễm, hạ sốt, nâng cao thể trạng. Sau 2 ngày điều trị trẻ vẫn sốt cao, xuất hiện khó thở, Bác sỹ cho thở oxy, khí dung hút đờm hỗ trợ. Sau 10 ngày điều trị trẻ tỉnh, hết sốt, ăn ngủ tốt, không còn khó thở và các chức năng các cơ quan ổn định.
Nguyên nhân trẻ nhỏ bị cúm tăng đột biến:
Theo bệnh viện Bệnh Viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, hiện tại đang là mùa đông xuân – tại miền Bắc khí hậu thay đổi thất thường, độ ẩm không khí tăng cao là điều kiện thuận lợi cho các virus lây truyền qua đường hô hấp phát triển nhanh: Cúm, RSV, Adeno virus, thủy đậu…
Bệnh cúm thường sẽ xuất hiện nhiều hơn ở trẻ em. Nguyên nhân khiến trẻ em trở thành đối tượng để vi-rút cúm tấn công chính là: Sức đề kháng của trẻ tương đối yếu. Kháng thể chống vi-rút ở trẻ hầu như rất kém nếu không được tiêm vắc xin phòng, ngừa. Những trẻ nằm trong các nhóm bệnh lý mãn tính như: Bệnh lý về đường hô hấp, bệnh lý về tim mạch, thần kinh, thận… khả năng nhiễm cúm là rất cao. Trẻ em thường được tập trung nhiều ở các trường học, nhà trẻ… và đây là điều kiện để vi-rút cúm lây truyền.
Nhiều trẻ bị mắc bệnh kèm theo là yếu tố làm bệnh nặng lên dẫn đến trẻ phải nhập viện: Viêm phổi do vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm mũi xoang, trẻ có tiền sử sốt cao co giật.
Để chuẩn bị cho dịch cúm xảy ra bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã có Vắcxin phòng cúm để dự phòng cho cả trẻ em và người lớn. Song song đó bệnh viện cũng đã chuẩn bị thuốc kháng Virus cho các trường hợp có nguy cơ bệnh tiến triển nặng và các phương tiện hỗ trợ khác điều trị kịp thời có các trường hợp bệnh nặng và có bệnh kèm theo.
Khi nào cần cho trẻ nhập viện:
Theo BS CK I. Bùi Thị Đến cho biết, cúm lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, dịch tiết dịch bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi, sổ mũi. Hoặc qua bắt tay, hôn, dùng chung vật dụng, đồ chơi…
Cần phát hiện triệu chứng sớm như sốt, đau họng, ho, sổ mũi, ói mửa, mệt mỏi, bỏ ăn. Trong trường hợp nghi ngờ hoặc lúc trẻ bệnh, nên để trẻ ở nhà và cách ly với trẻ khác. Nếu diễn tiến nhanh nên đưa trẻ đi khám.
Cần đi khám ngay nếu trẻ có các dấu hiệu: Bỏ ăn kéo dài. Thay đổi hành vi thái độ (li bì, kích thích). Khó thở, thở mệt, thở nhanh... xuất hiện các triệu chứng: Sốt ≥38,5 độ C kéo dài hơn 3 ngày. Nghẹt mũi không giảm hay nặng hơn kéo dài ≥ 14 ngày. Đỏ mắt, mắt có ghèn vàng. Triệu chứng ở tai: Đau tai, chảy mủ tai.
Bệnh cúm dễ bị nhầm với cảm lạnh thông thường, bởi các triệu chứng tương tự nhau như sốt, ho, đau họng, mắt đổ ghèn, đau đầu. Tuy nhiên, các triệu chứng của cúm thường nghiêm trọng hơn và có kèm các cơn ớn lạnh, sốt cao và gây mệt mỏi. Khi có các triệu chứng nghi ngờ, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để có chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị phù hợp.
Cách phòng ngừa cúm hiệu quả:
Để phòng ngừa các bệnh cúm, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh cúm trẻ cần được đưa đến cơ quan y tế đủ tin cậy để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh trường hợp để bệnh quá nặng mới đến bệnh viện hoặc trường hợp tự mua thuốc kháng sinh điều trị khi chưa có bội nhiễm vi khuẩn dẫn đến nguy cơ kháng thuốc và không đúng phác đồ điều trị.
Phòng bệnh:
Tiêm vắc xin cúm là biện pháp hiệu quả nhất, Khi đi tiêm phòng cần lưu ý hầu hết các loại vắc xin cúm đều chứa một lượng nhỏ protein của trứng. Nếu bị dị ứng với trứng thì nên cân nhắc bởi có nguy cơ xảy ra các tai biến sau tiêm vắc xin cúm.
Rửa tay: Rửa tay đúng cách và thường xuyên là một cách hiệu quả để ngăn ngừa nhiều bệnh nhiễm trùng thông thường.
Che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho: Để tránh làm nhiễm bẩn bàn tay, hãy ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc vào khu vực bên trong khuỷu tay.
Tránh đám đông: Cúm lây lan dễ dàng bất cứ nơi nào mọi người tụ tập đông người như nhà trẻ, trường học, văn phòng, khu vực công cộng.