Triệt phá đường dây thuốc giả hoạt động 4 năm, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng
Công an đột kích phát hiện 21 loại thuốc giả và 10 tấn nguyên liệu không rõ nguồn gốc.
Thuốc giả tiếp tục trở thành vấn nạn gây bức xúc dư luận khi mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 14 bị can liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh với quy mô cực lớn và thủ đoạn tinh vi.
Thông tin được công bố ngày 16/4 cho biết, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện nhóm đối tượng có dấu hiệu sản xuất, buôn bán thuốc giả tại nhiều địa phương như TP Thanh Hóa, Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang và Đồng Tháp.

Sau khi xác lập chuyên án đấu tranh, lực lượng chức năng tiến hành khám xét khẩn cấp 6 địa điểm là nơi sản xuất, làm việc và cất giấu hàng hóa của các đối tượng. Tại đây, công an thu giữ 21 loại thuốc tân dược giả, thuốc xương khớp giả cùng gần 10 tấn nguyên liệu không rõ nguồn gốc.
Kết quả điều tra bước đầu xác định, lợi dụng thói quen của người dân trong việc tự ý mua thuốc không kê đơn, Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại Hà Nội) đã câu kết cùng Trịnh Doãn Giáo (SN 1985, trú tại TP.HCM) và nhiều đối tượng khác để tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc giả, chủ yếu là thuốc trị xương khớp.

Các đối tượng đã đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, nghiên cứu thành phần thuốc tân dược rồi đặt mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc, bao gồm dược liệu, thảo mộc trôi nổi. Thuốc giả sau đó được đóng gói và tung ra thị trường thông qua nhiều kênh phân phối, thậm chí được quảng cáo là hàng “xách tay chính hãng”.
Đáng chú ý, để qua mặt người tiêu dùng và cơ quan chức năng, nhóm đối tượng đã sử dụng thủ đoạn mới: tự đặt tên thuốc và tên công ty, với địa chỉ đăng ký "ảo" tại nước ngoài như Malaysia, Singapore.

Các đối tượng thuê nhà xưởng nằm sâu trong hẻm, ngõ cụt – nơi ít người lui tới, biến nơi đây thành “công xưởng ngầm” sản xuất thuốc giả. Công nhân là người nhà hoặc người quen từ tỉnh khác, sống ăn ở khép kín, hoàn toàn biệt lập với khu dân cư xung quanh.
Trong vai nhân viên dược, các đối tượng tiếp cận thị trường bằng cách tạo dựng niềm tin: ban đầu trộn lẫn thuốc thật và giả, sau khi có lượng khách ổn định mới tung ra hoàn toàn thuốc giả do chính mình sản xuất. Đối tượng tiêu thụ chính là các dược sĩ tự do hoạt động tại chợ thuốc.
Từ năm 2021 đến thời điểm bị bắt, đường dây này đã đưa ra thị trường lượng lớn thuốc giả, với số tiền thu lợi bất chính lên đến gần 200 tỷ đồng. Hiện vụ án đang được mở rộng điều tra.