Trung Quốc ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục 52,2 độ C
Giới chức Trung Quốc ghi nhận mức nhiệt 52,2°C tại ngôi làng ở vùng Tân Cương, cho biết đây là nhiệt độ cao chưa từng thấy vào giữa tháng 7.
Ngày 17/7, Nhật báo Tân Cương đưa tin nhiệt độ ở làng Tam Bảo, trong thung lũng Turpan của khu tự trị này, đã tăng lên mức 52,2 độ C trong ngày trước đó. Đợt nóng kỷ lục dự báo kéo dài trong ít nhất 5 ngày tới. Nhiệt độ này phá vỡ mức kỷ lục 50,3 độ C ghi nhận hồi năm 2015 gần khu vực Ayding trong thung lũng Turpan, khu vực lòng chảo rộng lớn với các đồi cát và hồ cạn thấp hơn mực nước biển 150 m.
Làng Tam Bảo nằm ở ngoại ô thành phố Thổ Lỗ Phồn, nơi giới chức phải yêu cầu học sinh, sinh viên và người lao động ở trong nhà, cũng như điều động xe phun nước trên các đại lộ. Nhiệt độ mặt đường tại một số khu vực ở thành phố này đã chạm ngưỡng 80°C trong ngày 16/7.
Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc ghi nhận trung bình 4,1 ngày nhiệt độ trên 35°C trong một tháng, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1961. Hồi tháng 6, Bắc Kinh trải qua 14 ngày nóng trên 35°C, ngang với kỷ lục hồi tháng 7/2000.
CMA hồi đầu tháng cảnh báo Trung Quốc có thể hứng chịu thời tiết cực đoan và "nhiều thảm họa tự nhiên" trong tháng 7.
Nhiệt độ cao kéo dài ở Trung Quốc đã thách thức lưới điện và mùa màng, đồng thời gây lo ngại về khả năng lặp lại tình trạng hạn hán năm ngoái được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong 60 năm.
Mặc dù Trung Quốc không xa lạ gì với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột qua các mùa nhưng sự thay đổi này đang ngày càng đáng kể và lan rộng hơn.
Các nhà khoa học cho rằng tình trạng ấm lên toàn cầu đang khiến thời tiết ở nhiều khu vực trở nên cực đoan. Nhiều quốc gia châu Á gần đây hứng chịu các đợt sóng nhiệt, với một số nơi ghi nhận nắng nóng kỷ lục.
Kể từ tháng 4, các quốc gia trên khắp châu Á đã phải hứng chịu nhiều đợt nắng nóng kỷ lục, làm dấy lên lo ngại về khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các quốc gia này. Các chuyên gia khí hậu cho biết mục tiêu duy trì tình trạng nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5 độ C đang vượt ngoài tầm với.