Trường hợp bị thu hồi, tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế
Theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp nào thì người dân bị thu hồi, tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế. Nếu sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác để đi chữa bệnh thì bị xử phạt thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết, Điều 20 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế 2014 đã quy định cụ thể về các trường hợp thu hồi, tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế.
Cụ thể, thẻ bảo hiểm y tế bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
- Gian lận trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế;
- Người có tên trong thẻ bảo hiểm y tế không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế;
- Cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế.
Thẻ bảo hiểm y tế bị tạm giữ trong trường hợp người đi khám bệnh, chữa bệnh sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác. Người có thẻ bảo hiểm y tế bị tạm giữ có trách nhiệm đến nhận lại thẻ và nộp phạt theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 84 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm quy định về sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh, phạt tiền đối với hành vi cho người khác mượn thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám bệnh, chữa bệnh theo một trong các mức sau đây:
- Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ bảo hiểm y tế;
- Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ bảo hiểm y tế.