“Vòi bạch tuộc” F88 - Bài 1: Thập diện mai phục
LTS: Cầm đồ là dịch vụ nhạy cảm, thường mang định kiến không mấy tốt đẹp. F88 ra đời, tự giới thiệu sẽ thay đổi quan niệm này, mang đến giải pháp mới về cầm cố tài sản để giúp đỡ những người khó khăn, cần khoản tiền nhỏ để xoay sở trong cuộc sống.
Thế nhưng, sự thật lại chẳng như những lời quảng cáo ngọt ngào như mật của công ty cầm đồ này.
Thập diện mai phục
Ra đường gặp F88, đi chơi gặp F88, lên facebook gặp F88, mở tivi gặp F88..., khắp nơi là F88, khắp nơi là tiệm cầm đồ, cầm đồ mọc lên như nấm sau mưa.
Lên sóng truyền hình
World Cup được xem là quãng thời gian bội thu của cá cược và mùa lên ngôi của các dịch vụ cầm đồ. Chính phủ liên tục phát đi cảnh báo nghiêm cấm cá cược và các hình thức tiếp tay cho cá cược bóng đá. Thế nhưng, một mẩu quảng cáo dịch vụ cầm đồ, vay tiền nhanh của Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 lại thản nhiên xuất hiện trên sóng truyền hình Quốc gia. Mẩu quảng cáo này vấp phải sự phản ứng mạnh của cộng đồng, sau khi Ngày Nay phản ánh, phần quảng cáo F88 đã được cắt khỏi sóng truyền hình trực tiếp.
Với từ khoá “cầm đồ F88”, google lập tức hiển thị 1.200.000 kết quả tìm kiếm trong 0,42 giây, riêng “F88” có đến 5.390.000 kết quả. Mới đây, F88 thông báo đã khai trương cửa hàng thứ 600, đánh dấu sự hiện diện trên khắp 63 tỉnh, thành cả nước.
Vào website của F88 thực hiện việc tìm kiếm các cửa hàng được đánh dấu trên bản đồ ở TP.HCM, biểu tượng địa điểm màu xanh lá cây với chữ F ở giữa xuất hiện ngập màn hình máy tính. Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, từ tỉnh địa đầu Tổ quốc là Hà Giang đến điểm tận cùng đất nước là Cà Mau đều có sự hiện diện của dịch vụ cầm đồ F88.
Nếu dừng lại ở thống kê này vẫn chưa đầy đủ bởi vào năm 2021, F88 và Thế giới Di động, Điện máy xanh đã bắt tay cùng nhau để triển khai cho vay tiền mặt mà không cần phải mua hàng hoá, sản phẩm. Với hơn 3.500 cửa hàng Thế giới Di động và 1.000 cửa hàng của Điện máy xanh trên cả nước, hiện, mạng lưới F88 hệt như một mạng nhện khổng lồ, giăng chằng chịt, phủ dày đặc từ thành thị đến nông thôn.
Đây là những con số biết nói về độ ăn nên làm ra của F88 trong những năm qua, cũng là phản ánh đời sống vật chất của người dân đang lâm vào khó khăn sau gần 3 năm xảy ra đại dịch, mất việc, thất nghiệp và phải tìm đến dịch vụ cầm cố để giải quyết các vấn đề tài chính tức thời.
Những lời quảng cáo đẹp đẽ như: F88 cung cấp dịch vụ cho vay siêu nhanh bằng ô tô/đăng ký ô tô, xe máy/đăng ký xe máy, điện thoại, laptop..., cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích tài chính khác như: Bảo hiểm, chuyển tiền, chi hộ, thu hộ tiền điện, nước, internet…. Khoản vay từ 30 triệu đồng lên đến 2 tỷ đồng giải ngân trong vòng 15 - 30 phút, vay bằng đăng ký xe máy, không thế chấp xe, chỉ cần đăng ký xe ô tô, chỉ cần xe ô tô chính chủ. Đặc biệt là mức lãi suất cho kỳ hạn vay tối đa 12 tháng là 1.10%/ tháng như một thứ mật ngọt. Mà mật ngọt thì thường chết ruồi!
“Vòng kim cô” kiểu vay cột điện
Cuối tháng 11/2022, anh N.T (ở TP.Thủ Đức) vừa lấy lại cà vẹt xe máy sau một năm mang đi cầm tại F88 để vay tiền. Năm ngoái, dịch bệnh càng quét, thu nhập bấp bênh, anh tìm đến một cửa hàng F88 để vay tiền. “Anh nghĩ nó là công ty tài chính, chứ không nghĩ nó là tiệm cầm đồ, đến khi đọc báo mới biết”, anh N.T tiếp tục kể.
Thủ tục tại F88 nhanh và đơn giản, chỉ cần đi xe máy ra cửa hàng, đưa cà vẹt xe máy và chứng minh nhân dân cùng tên là được duyệt vay. Anh thấy nó thuận tiện, lại đang cần tiền để xoay sở mấy thứ gấp nên vay hơn 15.700.000 đồng trong 12 tháng với thông tin lãi suất được nhân viên tư vấn rất thấp. Đến ngày trả tiền hằng tháng mới thấy những điều vô lý. Trong phần tiền lời của họ (F88) kê nhiều chi phí vay rất vô lý và cao khủng khiếp.
Anh N.T cung cấp cho chúng tôi bảng thống kê số tiền phải trả hằng tháng. Cụ thể, kỳ trả tiền đầu tiên vào tháng 12/2021, tiền gốc phải trả chỉ là hơn 800.000 đồng nhưng chi phí vay lên đến hơn 1.200.000 đồng. “Lúc nhân viên tư vấn, anh hỏi chi phí vay là cái gì thì câu trả lời là tiền lời. Tính ra, tiền lời gấp 150% tiền gốc. Tháng tiếp theo, tiền lời là hơn 1.150.000 đồng, trong khi tiền gốc chỉ gần 900.000 đồng, lãi là 127%. Phần trăm lãi này sẽ giảm dần đến tháng cuối cùng còn 6,3%. Ban đầu anh cũng không để ý lắm, bây giờ lấy ra xem lại mới biết”.
Anh tiếp tục lấy ra các phiếu thu hằng tháng để chỉ rõ những thủ thuật rúc rỉa túi tiền người vay một cách tinh vi. Họ bảo lãi thấp nhưng thực chất là rất cao, nó thể hiện tất cả trong phần lý do nộp: “Đóng lãi vay cho hợp đồng số....”, trong đó bao gồm 4 khoản: Thứ nhất là Trả tiền lãi trong hạn. Thứ hai là Phí thẩm định điều kiện cho vay. Thứ ba là Phí quản lý tài sản cầm cố. Thứ tư là Thuế.
Anh N.T phân tích, so từng tháng, 4 khoản lãi phải trả này đều khác nhau. Như phiếu thu tháng 9 lần lượt là: 55.000 đồng, 70.000 đồng, 250.000 đồng và 35.000 đồng, tổng là 410.000 đồng. Sang tháng 10, tương ứng là: 36.000 đồng, 46.000 đồng, 167.000 đồng và 25.000 đồng, tổng là 274.000 đồng. “Tôi vay tổng là hơn 15.700.000, thực lãnh 14.000.000 đồng. Tôi phải trả hơn 24.500.000 đồng rồi. Tính ra, chênh lệch thực lãnh và phải trả là 11.500.000 đồng. Vượt xa mức lãi suất cho phép là 20%/năm. Nếu tính, theo trả góp và theo lãi suất của chính F88 đưa ra thì vượt quá 100%”, anh N.T nói rồi cảm thán.
“Họ ác lắm! Mình ở thành phố lớn, cũng gọi là có chút kiến thức nhất định mà còn bị họ hút kiểu này. Người ở quê hay người dân túng quẫn khác, cứ nghĩ vay tiền lãi suất thấp như họ nói thì cuối cùng phải trả một khoản quá lớn. Có thể vài triệu đồng là nhỏ với những người có tiền, nhưng người nghèo, vài trăm nghìn đã là rất lớn. Họ làm vậy khác nào chị Dậu bán con, bán chó nhưng bị Nghị Quế ăn chặn trên đầu trên cổ, đẩy người dân vào cảnh bần cùng?!”.
Để làm rõ những góc khuất bên trong dịch vụ tài chính ẩn dưới vỏ bọc cầm đồ, Phóng viên đã nhập vai thành người đi vay tiền nhanh tại F88.
Theo danh sách các tổ chức tín dụng mà phía Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho Ngày Nay, Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 không phải là tổ chức tín dụng được cấp phép.
Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 (Công ty F88) được thành lập năm 2013, do Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cấp giấy phép hoạt động, trụ sở chính đặt tại Toà nhà N01A, số 275 Nguyễn Trãi, P.Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội. Ông Phùng Anh Tuấn (SN 1984) là Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật. Vốn điều lệ tính đến tháng 10/2022 là hơn 566 tỷ đồng. Loại hình doanh nghiệp là Công ty cổ phần chưa đại chúng. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính là: Dịch vụ cầm đồ.