Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 25/09/2024 07:14 (GMT+7)

Vụ nữ CEO bắn chun để đào tạo bán hàng: Bác sĩ cảnh báo hành vi nguy hiểm, bạo lực

Bác sĩ khuyến cáo hành động bắn dây chun vào cổ tay của nữ CEO đang viral trên các diễn đàn là cực kỳ bạo lực và gây nguy hiểm.

Những ngày trở lại đây, cả cõi mạng xôn xao về một đoạn video clip quay lại sự kiện đào tạo nhân viên bán hàng của một thương hiệu mỹ phẩm. Nếu như đây chỉ là clip thông thường về đào tạo kiến thức chuyên môn hay kỹ năng bán hàng thì đã không có gì để nói. Đoạn clip trở nên viral vì những người tham gia sự kiện còn được tham gia trò chơi được cho là “chạm đến cảm xúc của người tham gia” và thể hiện tinh thần đoàn kết.

Vụ nữ CEO bắn chun để đào tạo bán hàng: Bác sĩ cảnh báo hành vi nguy hiểm, bạo lực Ảnh 1
Video clip bắn dây chun vào tay để đào tạo bán hàng của nữ CEO gây bão mạng.

Theo như trong đoạn clip, một người phụ nữ đã kéo dây chun đeo trên cổ tay của 2 người phụ nữ rồi bắn mạnh vào tay họ. Người phụ nữ vừa bắn chun vừa hét lên: "Không xứng đáng được làm người đứng đầu"; "Tại sao hội nhóm vẫn chưa bùng nổ?",...

Hai người phụ nữ bị bắn chun vào cổ tay không nén nổi mà bật khóc, ngã quỵ xuống sân khấu. Những người ngồi bên dưới đều bật khóc với hình ảnh này còn người phụ nữ vừa bắn chun cũng tiến đến ôm lấy hai người bị bắn mà an ủi.

Hành động trên không chỉ gây đau đớn tạm thời mà dưới góc độ y khoa, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng đây là hành vi mang tính chất bạo lực và mang đến nhiều mối nguy cho sức khỏe.

Phó giáo sư Hoài Nam phân tích: ở cổ tay của con người có hai động mạch chính quan trọng là động mạch trụ và động mạch quay. Hành động dùng chun tác động mạnh vào vị trí cổ tay có thể gây ra chấn thương mạch máu, từ đó có thể gây tắc mạch máu.

“Mạch máu bị tắc sẽ dẫn tới tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng tại bàn tay. Trường hợp tắc cả hai động mạch quay và động mạch trụ sẽ dẫn tới thiếu máu nuôi dưỡng các ngón tay và xuất hiện hoại tử ở đầu ngón tay nếu người bệnh không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Theo tôi, đây là một hành động bạo lực và nên dừng lại. Bản thân người thực hiện và tham gia hành động này rất liều lĩnh vì họ không hiểu rõ những mối nguy cho sức khỏe”, phó giáo sư Hoài Nam nhắn nhủ.

Vụ nữ CEO bắn chun để đào tạo bán hàng: Bác sĩ cảnh báo hành vi nguy hiểm, bạo lực Ảnh 2
Rất nhiều hiểm họa từ trò bắn chun vào cổ tay này.

Cũng cùng quan điểm như Phó giáo sư Hoài Nam, nhiều bác sĩ sau khi xem đoạn video clip trên cũng lên tiếng cũng cảnh báo về hành động nguy hiểm trên. Việc dùng chun bắn trực tiếp vào cổ tay có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng đến các mạch máu và mô mềm.

Cổ tay là khu vực nhạy cảm, có rất nhiều dây thần kinh, gân và mạch máu nằm ngay dưới bề mặt da. Đặc biệt, động mạch quay nằm rất nông, ngay dưới da cổ tay, chỉ cần một lực tác động mạnh là có thể gây ra chấn thương.

Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, thử thách này có thể gây bầm tím, chảy máu dưới da. Trường hợp nặng hơn có thể gây ra tổn thương dây thần kinh và đau dây thần kinh kéo dài.

Bác sĩ Mạnh khuyến cáo thêm việc tác động lực mạnh vào cổ tay có thể gây viêm, sưng nề và ứ đọng máu trong các mô quanh vùng bị tác động. Tình trạng viêm và sưng có thể kéo dài trong nhiều ngày, ảnh hưởng đến chức năng cầm nắm, hoạt động bình thường của tay, thậm chí làm giảm lưu thông máu, gây đau nhức kéo dài.

Vụ nữ CEO bắn chun để đào tạo bán hàng: Bác sĩ cảnh báo hành vi nguy hiểm, bạo lực Ảnh 3
Việc tác động mạnh vào cổ tay có thể gây nguy hiểm.

Các chuyên gia khuyến cáo những người bị bắn chun vào cổ tay trong video nếu gặp tình trạng đau đớn dữ dội, giảm lưu thông máu thì cần đến bệnh viện để can thiệp y tế ngay lập tức.

Sự kiện gây bão mạng này được cho là của thương hiệu Mỹ phẩm Huyền Phi (Huyền Phi Cosmetics). Không chỉ có những trò team building "đi vào lòng đất" mà thương hiệu Mỹ phẩm Huyền Phi cũng từng bị xử phạt, đình chỉ và thu hồi sản phẩm do do chứa nhiều sai phạm trong kinh doanh.

Cùng chuyên mục

Bộ Y tế ban hành danh mục 78 dược chất, thuốc chứa dược chất bị cấm sử dụng
Bộ Y tế mới đây đã ban hành Thông tư số 27/2024/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2017/TT-BYT ngày 10/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ về thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Thông tư số 27/2024/TT-BYT này có hiệu lực từ 30/01/2025.

Tin mới

Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác chống hàng giả thương hiệu Hàn Quốc, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Ngày 7/11/2024, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp cùng Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Cơ quan bảo vệ Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KOIPA) tổ chức Hội thảo "Nhận diện hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ góc nhìn doanh nghiệp Hàn Quốc 2024" nhằm thảo luận và đề xuất các giải pháp nhận diện và ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tại thị trường Việt Nam.