Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, gỡ khó cho thị trường bất động sản (BĐS).
Ảnh minh họa.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 297/TB-VPCP ngày 31/7/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2023.
Theo đó, tại Thông báo số 297/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt: tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng phù hợp với diễn biến thị trường, cung tiền M2 kịp thời, hiệu quả khi cần thiết, tập trung tín dụng vào các động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu…
Bên cạnh đó, điều hành cân bằng hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỉ giá, giữa lạm phát và tăng trưởng để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tiền tệ, ngân hàng, trong đó hoàn thiện dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung đúng tiến độ, chất lượng theo tinh thần bám sát vào thực tiễn và lấy ý kiến tham gia đầy đủ của các đối tượng điều chỉnh để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, tăng cường phân cấp, phân quyền, quy định trách nhiệm rõ ràng và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, bổ sung các quy định, công cụ để kiểm soát.
Nghiên cứu luật hóa mối quan hệ giữa ngân hàng và người đi vay, quyền đòi nợ để nâng cao trách nhiệm người đi vay. Tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để sửa đổi, bổ sung, không để sơ hở, trục lợi, khoảng trống pháp lý gây mất an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó là tập trung điều hành tăng trưởng tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất, kinh doanh có trọng tâm, trọng điểm, có kiểm soát, tuân thủ quy luật thị trường, cạnh tranh lành mạnh.
Gói tín dụng 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất, 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội và 15.000 tỉ đồng cho ngành sản xuất đồ gỗ, thủy sản cần được tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh giải ngân.
Tiếp tục điều hành ổn định thị trường ngoại hối, ổn định giá trị đồng Việt Nam; nghiên cứu thực tiễn điều hành trong thời gian vừa qua để rút ra các bài học kinh nghiệm, phát huy hiệu quả hơn nữa các kết quả đã đạt được.
Các tổ chức tín dụng cần phấn đấu tiết giảm chi phí, giảm chi tiêu, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để có dư địa giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, tạo thuận lợi cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán hiệu quả, lành mạnh, an toàn, bền vững.
Tiếp tục hoàn thiện các khung khổ pháp lý, có công cụ kiểm soát rủi ro, nghiên cứu phân biệt giữa trái phiếu phát hành bởi các tổ chức kinh tế và các định chế để có cơ chế quản lý phù hợp.
Đồng thời, tạo lập kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng; tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát liên thông giữa thị trường tiền tệ, tín dụng với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.