4 nhóm thực phẩm mà WHO cảnh báo dễ chứa độc tố botulinum nguy hiểm
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết bào tử do vi khuẩn Clostridium botulinum sinh ra chịu nhiệt và tồn tại rộng rãi trong môi trường. Chúng xuất hiện trong điều kiện thiếu oxy, phát triển rồi bài tiết độc tố.
Nhiều vụ ngộ độc botulinum dẫn đến chết người
Vài năm gần đây, số vụ ngộ độc do độc tố botulinum tăng cao. Trong đó gần nhất là trường hợp 10 người tại tỉnh Quảng Nam nhập viện cấp cứu sau khi ăn món cá chép muối ủ chua, 1 người trong đó đã tử vong. Theo TS Lê Quốc Hùng (trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM), các bệnh nhân này đều bị ngộ độc botulinum.
Trước đó, sự việc ngộ độc "pate Minh Chay" vào tháng 7/2020 cũng khiến nhiều người quan tâm. Thời điểm đó, trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai liên tiếp tiếp nhận các trường hợp đến khám sức khỏe sau khi ăn Pate Minh Chay với biểu hiện mỏi, yếu cơ. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện một số sản phẩm "Pate Minh Chay" ở các lô khác nhau bị nhiễm Clostridium botulinum type B.
PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa - Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Vi khuẩn Clostridium botulinum là vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối, tức là môi trường không có không khí. Vi khuẩn này độc lực mạnh, đe dọa nặng nề đến sức khỏe và có thể gây tử vong. Thói quen ủ chua các loại thực phẩm như ủ muối, làm mắm, muối dưa rau, củ... nếu không đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, không được thanh trùng cộng với việc được đậy, bọc kín chính là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn Clostridium botulinum phát sinh và tiết ra độc tố botulinum".
WHO đưa ra cảnh báo những thực phẩm dễ chứa độc tố chết người botulinum
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết bào tử do vi khuẩn Clostridium botulinum sinh ra chịu nhiệt và tồn tại rộng rãi trong môi trường. Chúng xuất hiện trong điều kiện thiếu oxy, phát triển rồi bài tiết độc tố.
Có 7 dạng độc tố botulinum khác nhau, từ A–G. Bốn trong số này loại A, B, E và hiếm khi là F gây ngộ độc ở người. Loại C, D và E gây bệnh cho các loài động vật có vú, chim và cá...
Con người thường bị nhiễm độc botulinum do ăn phải thực phẩm chế biến không đúng cách, khiến cho vi khuẩn hoặc bào tử sinh sôi và tạo ra độc tố. Ngoài ra, ngộ độc botulinum cũng có thể xuất hiện do hít phải khí hoặc do nhiễm trùng vết thương.
WHO khuyến cáo, độc tố botulinum thường được tìm thấy trong 4 loại thực phẩm, bao gồm:
1. Các loại rau được bảo quản bằng cách lên men. Chẳng hạn như đậu xanh, rau bina, nấm và củ cải đường.
2. Cá chế biến sẵn, bao gồm cá ngừ đóng hộp, cá lên men, muối và hun khói.
3. Các sản phẩm thịt chế biến sẵn, chẳng hạn như giăm bông và xúc xích.
4. Thực phẩm đóng hộp tại nhà chưa được chế biến kỹ lưỡng.
Độc tố botulinum là chất độc thần kinh và do đó ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Ngộ độc do loại độc tố này thường gây tê liệt, gây suy hô hấp. Các triệu chứng ban đầu bao gồm mệt mỏi rõ rệt, suy nhược và chóng mặt. Sau đó là mờ mắt, khô miệng, khó nuốt và khó nói. Nôn mửa, tiêu chảy, táo bón và sưng bụng cũng có thể xảy ra. Bệnh có thể tiến triển thành suy yếu ở cổ và cánh tay, sau đó các cơ hô hấp và cơ của phần dưới cơ thể bị ảnh hưởng.
Các triệu chứng không phải do vi khuẩn gây ra mà do độc tố do vi khuẩn tạo ra. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 12 đến 36 giờ (trong phạm vi tối thiểu và tối đa từ 4 giờ đến 8 ngày) sau khi tiếp xúc. Tỷ lệ ngộ độc thịt thấp, nhưng tỷ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán kịp thời và điều trị thích hợp, ngay lập tức (dùng thuốc kháng độc sớm và chăm sóc hô hấp tích cực). Bệnh có thể gây tử vong trong 5 đến 10% trường hợp.
Khuyến cáo của Bộ Y tế cho thấy các loại thực phẩm phổ biến dễ gây ngộ độc botulinum là các thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo. Có thể gặp các trường hợp ngộ độc với sản phẩm sản xuất công nghiệp và ăn tại các nhà hàng.
Để phòng chống ngộ độc do botulinum, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
Khuyến cáo mọi người không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.