Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 12/04/2024 14:46 (GMT+7)

Bắt cóc trẻ em để sử dụng vào mục đích khiêu dâm bị xử lý thế nào?

Mới đây, việc một đối tượng bắt cóc hai bé gái để sử dụng vào mục đích khiêu dâm một lần nữa làm dư luận phẫn nộ. Đây được đánh giá là thủ đoạn phạm tội mới, manh động, táo tợn và thể hiện ý thức coi thường pháp luật. 

Bắt cóc trẻ em để sử dụng vào mục đích khiêu dâm bị xử lý thế nào?
Ảnh minh hoạ.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã có quy định về tội "Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm", tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi". Tuy nhiên, người thực hiện liền một lúc cả hai hành vi này thì "xưa nay hiếm", đây là hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội, là hình thức phạm tội mới, nguy hiểm, thể hiện ý thức coi thường pháp luật nên cần phải làm rõ xử lý nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Pháp luật Việt Nam có đầy đủ các quy định để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân, trong đó đặc biệt là bảo vệ trẻ em. Với những hành vi chiếm giữ trái phép trẻ em, dâm ô với trẻ em, sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm, người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, bất kỳ người nào là người đã thành niên mà lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức thì sẽ bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội 02 lần trở lên hoặc đối với 02 người trở lên, có mục đích thương mại... thì hình phạt là phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Ngoài hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm thì đối tượng này còn có hành vi chiếm giữ trái phép trẻ em. Bởi vậy, ngoài hành vi sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 147 thì các đối tượng này còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cụ thể, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức, đối với từ 02 người đến 05 người, phạm tội 02 lần trở lên... thì hình phạt là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Luật sư, Tiến sĩ Đặng Văn Cường nhận định, đây là phương thức thủ đoạn phạm tội mới. Điều đáng chú ý là đối tượng này còn rất trẻ tuổi mà đã thực hiện hành vi phạm tội rất táo tợn, không những chiếm đoạt người dưới 16 tuổi mà còn sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh trong công tác giáo dục và bảo vệ trẻ em trong giai đoạn hiện nay.

Hành vi bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, bắt cóc nhầm chiếm đoạt tài sản rồi sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm, mua bán trẻ em diễn ra khá phổ biến trong xã hội. Bởi vậy, để tránh xảy ra những vụ việc tương tự, chính các bậc phụ huynh cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác và có trách nhiệm hơn trong việc quản lý giáo dục con cái.

Cùng chuyên mục

Một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT hưởng quyền lợi thế nào?
Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Thời hạn nộp chi phí tham gia đấu thầu
Đây là nội dung quy định tại Thông tư 05/2024/TT-BKHĐT ngày 19/4/2024 của Bộ KH&ĐT về quản lý và sử dụng các chi phí trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Thẻ Căn cước có thể thay thế hộ chiếu khi xuất cảnh hay không?
Việt Nam và những nước nào có ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân hai nước được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau không, pháp luật hiện nay quy định thế nào về vấn đề này?
06 trường hợp thu hồi Giấy phép lái xe từ ngày 01/6/2024
Ngày 31/3/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái.
Trường hợp không kháng cáo vẫn được giảm án
Pháp luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính đều quy định việc xét xử được diễn ra với hai cấp xét xử, bao gồm sơ thẩm và phúc thẩm. Vậy, trong quá trình xét xử phúc thẩm nếu bị cáo không kháng cáo và bị cáo đó cũng không bị kháng cáo, kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo đó không? Hay chỉ xem xét đến những bị cáo có kháng cáo, kháng nghị?

Tin mới