Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 18/11/2021 12:02 (GMT+7)

Bến Tre: Người của vườn xanh quê hương

Đại biểu HĐND Nguyễn Văn Quới (Ba Quới) giờ là Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh - công việc càng chất chồng hơn, dù vậy vẫn tâm huyết trọn đời vì sự nghiệp phát triển của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên khắp Bến Tre quê hương. 

Xử lý lò than ô nhiễm

btre-vuon-xanh-1-1637211279.jpg
Ông Nguyễn Văn Quới- Đại biểu HĐND tỉnh Bến Tre tiếp xúc cử tri.

Từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, ông là cán bộ Huyện đoàn Giồng Trôm, với tài diễn thuyết khá hùng biện, thu hút thanh niên. Quê ông Ba Quới ở Bình Thành, một xã vùng ven thị trấn Giồng Trôm nổi tiếng là cánh đồng lúa bạt ngàn và những nhà nông chuyên tâm đồng áng. Cảnh tượng cánh đồng bao la với những đàn cò bay thẳng cánh, giống như ý nguyện của ông là dành cả cuộc đời cho quê hương phồn vinh và nhà nhà giàu có. Ông hiểu rõ sự phát triển cũng như giá trị sinh tồn của vùng đất cù lao không mấy thuận lợi này hơn ai hết, vì vậy mà những kiến thức chuyển ngành nông nghiệp và chuyên ngành quản lý, đã đúc kết từ thuở là sinh viên Trường Đại học Nông Nghiệp Cần Thơ và Trường đại học Luật Hà Nội, ông luôn dành hết cho thực hiện ước mơ của mình.

btre-vuon-xanh-anh-2-1637211279.jpg
Ông Nguyễn Văn Quới- Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre đi khảo sát nguồn lợi thủy sản ở địa phương.

Những năm tháng của tuổi trẻ, ông đã luôn sâu sát với mọi công việc trên địa bàn huyện và gặt hái nhiều kết quả khả quan. Năm 1995-2000, rồi 2010 khi làng nghề than thiêu kết Phong Nẫm, Thạnh Phú Đông, Lương Phú khẩn thiết “kêu cứu” vì khói bụi từ các lò cao gây ô nhiễm môi trường, Ba Quới đã xung phong nhận nhiệm vụ về nơi nóng bỏng để giải quyết sự cố.

Tôi và anh bạn đồng nghiệp từng có mặt tại khu vực ấp 5- Cồn Lá (xã Thạnh Phú Đông), đã chứng kiến một sự hủy diệt phải nói là khủng khiếp vì khói bụi. Chưa đầy một giờ đồng hồ dừng chân tại đây mắt chúng tôi đã cay sè, rướm nước mắt vì khói bụi xám xịt, rồi đen ngòm giăng là đà ngang tầm mắt bao người qua lại quện vào cây lá đen đặc như hắc ín, dù khu vực này chỉ có khoảng hơn 20 lò đốt than vận hành. Bà Trần Thị B… kể, khu vực Cồn Lá này đã có chục người chết vì bệnh phổi. Ông nhà tôi làm công cho lò đốt than mới qua 60 tuổi cũng đã chết vì lao phổi…

Ông Nguyễn Văn Quới đã vào cuộc, trực tiếp giải quyết vụ việc với 02 chức trách Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phó Chủ tịch UBND huyện. Mô hình đốt lại phải giảm lượng khí thải CO2 từ các lò than phát ra; mô hình sử dụng vôi tôi Ca(OH)2, dẫn khí vào hồ nước, làm giảm lượng khí thải CO2 phát ra khu dân cư lập tức được tiến hành. Theo ông Ba Quới đây là những mô hình đơn giản, giúp các cơ sở thực hiện các công đoạn.

Nhiều cơ sở đốt than đồng thuận, nhưng lại ngầm lo ngại vì vốn đầu tư cao và tốn nhiều nhiên liệu. Một số hộ áp dụng, nhưng chỉ với hình thức đối phó khi có đoàn đến kiểm tra. Ông tiếp tục kêu gọi các chương trình dự án bên ngoài tài trợ, giúp giải quyết triệt để ô nhiễm khói bụi cho làng nghề. Từ năm 2011, huyện Giồng Trôm được chương trình “Hợp phần Kiểm soát ô nhiễm tại các khu vực đông dân nghèo" do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Chương trình được thực hiện trên tất cả các lò đốt than tại xã Phong Nẫm (123/123 lò) với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Khói bụi từ các lò đốt than đã được giải quyết, trả lại bình yên trong lành cho người dân làng nghề.

Xử lý khai thác cát trái phép và mở hướng ra cho trái dừa

Một vấn đề không kém phần nan giải là quãng thời gian từ năm 2000 - 2015, những hộ dân sống cặp sông Hàm Luông (Hưng Phong, Thạnh Phú Đông, Phước Long, Sơn Phú…) đều nơm nớp lo sợ và không ngớt kêu cứu vì nhà ở, vườn,… bị sạt lỡ nghiêm trọng. Tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông gây sạt lỡ kéo dài, khiến bàn dân than oán, nhiều hộ canh tác ven sông rạch kêu trời. Sự “lùng sục” của hàng trăm sà lan, ghe tàu lớn nhỏ đổ về cả ngày lẫn đêm gây náo động một vùng quê vốn êm đềm, thơ mộng phía thượng nguồn con sông cái Hàm Luông giàu chiến tích.

Nhận ra vấn đề, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Quới đã chỉ đạo các xã Hưng Phong, Phước Long… thành lập Hợp tác xã khai thác cát nhằm tăng cường sự quản lý của nhà nước làn sóng khai thác quá phức tạp. Bước đầu giảm được tình trạng hộ xã viên khai thác bừa bãi gây sạt lở vườn tược, nhà ở hộ dân. Sau khi Hợp tác xã được giao về tỉnh quản lý, việc khai thác hỗn loạn trở lại. Một số hộ đất bị sạt lở nghiêm trọng phải bỏ đi nơi khác mưu sinh. Hộ bà Lê Thị Ửng, ấp 4 Hưng Phong, bị sạt lở khoảng hai công đất vườn buồn bã nói: “Người dân Cồn Ốc - Hưng Phong kêu cứu khản cổ nhưng đâu lại vào đó. Những chủ vườn hoặc bất cứ ai phản kháng đều bị số người khai thác cát ném đá vào nhà rồi còn ngang nhiên đưa ống bơm lớn vào hông bờ vườn để hút cát”. Các nhà vườn quanh vùng này chỉ còn biết kêu trời vì sạt lỡ hoặc nơm nớp lo khi quanh năm phải sống bên miệng “hà bá”…

btre-vuon-xanh-3-1637211279.jpg
Ông Nguyễn Văn Quới- Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre đề xuất lãnh đạo các địa phương áp dụng nghiêm túc chương trình hành động, nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra, bám sát yêu cầu thực tiễn.

Ông Ba Quới đã liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre, cùng các ngành chức năng thả phao định vị khu vực cấm. Thế nhưng khai thác ban ngày sợ có người thấy, họ lén làm vào đêm tối. Ông Ba Quới đề xuất huyện cho thành lập đoàn kiểm tra có đủ lực lượng chuyên ngành. Với đủ phương tiện ca nô, ghe tàu chuyên dùng tăng cường tuần tra, xử phạt các phương tiện ghe, xà lan khai thác trái phép! Bọn “cát tặc” lại kháu nhau: “Nghề một vốn, mười lời dại gì bỏ cuộc. Nhà nước bắt tụi tui giống như bắt cóc bỏ dĩa, cớ gì phải lo”. Nhóm người khai thác cát “lậu” dùng đủ chiêu trò để qua mặt các ngành chức năng. Tuy nhiên, nhiều điểm nóng khai thác cát trái phép sớm bị chặn đứng nhờ vào sự tâm huyết của các ngành chức năng tỉnh huyện.

Một sự cố nữa đến với Giồng Trôm vào năm 2012-2014 khiến một số hộ thuộc xã Thạnh Phú Đông, Hưng Lễ phải lao đao, vì nuôi tôm thẻ chân trắng thất bát. Gần 200 hộ dở sống, dở chết vì không còn đất để làm lại nghề cũ. Tất thảy đều do tự phát mà ra vì nhiều hộ “tốc hành” thả tôm nuôi. Hậu quả là nhiều hộ, tôm bệnh chết mất hết cả vốn liếng, phát sinh nợ nần.

Ba Quới lại tiếp tục vào cuộc. Ông ráo riết chỉ đạo các ngành chức năng huyện, xã tuyên truyền, giải thích cho hộ dân hiểu rõ tác hại của việc khoan giếng nước ngầm nuôi tôm thẻ chân trắng. Các hộ không phải vùng quy hoạch thì phải sớm chuyển sang tôm càng xanh toàn đực và cá nước ngọt. Khi hiểu được những mối nguy hại của giếng nước ngầm, các hộ này đã nhanh chóng chuyển sang nuôi trồng các cây con khác một cách thích hợp.

Những năm 1998 - 2005, hầu hết các vườn dừa ở Bến Tre bị dịch bọ cánh cứng hoành hành xơ xác. Tại huyện Giồng Trôm, trên 75% diện tích dừa bị khô cháy nham nhở mất khả năng cho trái đến hơn phân nửa năng suất bình thường. Đời sống đa số nhà vườn lâm vào cơ cực, Ba Quới đã cấp tốc liên hệ Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh và Trường Đại học Nông nghiệp Cần Thơ, nhờ các nhà khoa học hỗ trợ giải pháp chế dịch bọ cánh cứng. Công nghệ phóng thích ong ký sinh (Asecodes hispinarum) phòng trừ bọ cánh cứng gây hại cây dừa, lập tức được ứng dụng rộng khắp trong vườn dừa toàn tỉnh. Tại các nơi phóng thích ong ký sinh, nhiều vườn dừa, rồi cả rừng dừa nhanh chóng hồi phục cho màu xanh diệp lục của lá bắt đầu đơm trái sai oằn.

Đầu thập niên 2010, dừa Bến Tre lại một lần nữa rơi vào khủng hoảng. Người trồng dừa phải điêu đứng vì trái dừa không tiêu thụ được. Do thị trường sản phẩm quá lớn, nhưng nhu cầu tiêu thu của doanh nghiệp quá ít ỏi. Trái dừa khô chỉ từ 800 đồng đến 1.000 đồng/ trái, cây của sự sống (dừa) lại trở thành cây lao đao! Một lần nữa ông Ba Qưới lại phải cấp tốc đi tìm đầu ra cho trái dừa. Đây là thời điểm đánh dấu bước chuyển đổi từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới, với sự đồng hành của đồng bộ bốn nhà: Nhà nông- Nhà doanh nghiệp- Nhà Khoa học- Nhà quản lý.

Ba Quới càng khẳng định dừa Giồng Trôm phải được khai thác một cách tốt nhất. Ông hoạch định giải pháp phát triển kinh tế huyện Giồng Trôm nói riêng và của cả tỉnh qua nhiều giai đoạn và liên kết các nhà doanh nghiệp để giải quyết tiêu thụ trái dừa thông qua con đường xuất khẩu. Ông trực tiếp kêu gọi Công ty xuất nhập khẩu Bến Tre, Công ty dừa Lương Qưới, Công ty kỹ thuật dừa Mỹ Thạnh, Công ty Green MeKong Châu Thành. Ngay sau đó, các công ty, doanh nghiệp xúc tiến với nhiều địa phương trong huyện xây dựng các vườn dừa hữu cơ, tổ chức liên kết sản xuất, thu mua chế biến dừa xuất khẩu. Mô hình vườn dừa lớn và mới liên kết đầu tiên được hình thành tại xã Châu Bình (gần 1.000ha), sau nhân rộng ra các xã Thạnh Phú Đông, Hưng Lễ và nhiều huyện khác trong tỉnh.

Chương trình canh tác vườn dừa hữu cơ của Giồng Trôm nhanh chóng được nhân ra cả tỉnh. Một chương trình có ý nghĩa hướng đến xây dựng nền nông nghiệp an toàn và bền vững, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cao. Huyện Giồng Trôm càng an tâm hơn khi đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu sạch, an toàn cả hệ sinh thái vùng vườn, giúp nâng cao hiệu quả trên từng đơn vị diện tích canh tác.

Tại các xã Châu Bình, Hưng Lễ, Lương Quới, Thạnh Phú Đông, Phước Long,… nông dân nô nức ký hợp đồng với doanh nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ trái dừa với trên 3.500ha. Cụm Công nghiệp Phong Nẫm thu hút hàng chục công ty, doanh nghiệp vào hoạt động: Công ty xuất nhập khẩu Bến Tre, Công ty Ecoteche, Công ty Green Mekong,... Nhiều sản phẩm mới được chào hàng như: Sữa dừa, nước dừa đóng hộp, cơm dừa nạo sấy, than hoạt tính, nhiều mỹ phẩm từ dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ,... Tính bình quân mỗi năm, các công ty, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Đông Âu, Ả Rập, Thái Lan,... hàng nghìn tấn sản phẩm các loại. Phương thức liên kết sản xuất, tiêu thụ trái dừa của huyện ngày càng lan tỏa và phát triển nhân rộng.

Kết

Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Nguyễn Văn Bé Sáu từng có nhận xét vắn tắt rằng: “… Giồng Trôm có được vị thế như hôm nay, một phần nhờ vào sự điều hành khéo về chuyên môn của ông Nguyễn Văn Quới - chính ông đã tạo nên bước đột phá quan trọng, với những biện pháp quyết liệt, kịp thời tạo chỗ đứng vững chắc cho nền kinh tế huyện, nhất là đối với vườn dừa truyền thống”… Ông Ba Quới giờ đang đảm nhiệm chức trách Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, nhưng trong mắt tôi, cũng như những người mà ông từng gắn bó, luôn có cái nhìn nhiều kỳ vọng về người cán bộ nhiều sáng tạo và trách nhiệm này. Mong sao dù ở nơi đâu hay cương vị nào, người đại biểu nhân dân Ba Quới vẫn luôn đem hết khả năng, trí tuệ của mình để cống hiến cho xã hội phát triển phồn thịnh.

Cùng chuyên mục

Nhiều chính sách mới về giáo dục, ngân hàng bắt đầu có hiệu lực
Từ hôm nay (ngày 20/11/2024), hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục, ngân hàng sẽ chính thức có hiệu lực thi hành như: Quy định mới về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; siết chặt quản lý liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; quy định mới về mức lãi suất; quy định mới về các hình thức tiền gửi rút trước hạn;...
Quyền của người tham gia bảo hiểm xã hội theo Luật mới
Người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được nhận các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, thuận tiện; hưởng bảo hiểm y tế trong trường hợp đang hưởng lương hưu; nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng...
Các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán
Phong tỏa tài khoản thanh toán không chỉ nhằm đảm bảo an toàn tài chính mà còn là công cụ để xử lý các vấn đề pháp lý hiệu quả. Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã quy định rõ các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...