Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 29/06/2020 14:19 (GMT+7)

Bình Phước: Một Phó Bí thư huyện bị cách chức vì sử dụng bằng giả

UB Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước vừa có quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, cách chức vụ đối với ông Bùi Quốc Minh – Phó Bí thư thường trực huyện Phú Riềng do có hành vi sử dụng bằng giả để đi xin việc, từ đó được bầu vào các chức danh chủ chốt ở huyện.

Trước đó, vào tháng 3/2020, ông Minh bị UB Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, cách chức vụ Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, đồng thời điều động về Ban tổ chức Tỉnh ủy bố trí công việc khác.

Ông Bùi Quốc Minh bị UB Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, cách chức vụ Phó Bí thư thường trực Huyện ủy.

Theo kết quả xác minh, năm 1992, ông Minh mượn bằng tốt nghiệp đại học của một người bạn rồi đem đi photocopy, sửa lại thành tên của mình, sau đó dùng bản photocopy này đi xin việc tại một số cơ quan.

Trong quá trình làm việc tại các cơ quan nhà nước, ông Minh được điều chuyển công tác qua nhiều đơn vị khác nhau. Năm 2006, khi cơ quan yêu cầu bổ sung hồ sơ cán bộ công chức thì ông này nộp bản photo bằng đại học giả trước đó.

Đến năm 2007, ông Minh bổ sung một bằng đại học hệ tại chức của trường Đại học Kinh tế TP. HCM vào hồ sơ công chức, thay thế cho bản photo giả đã nộp trước đó để ứng cử đại biểu HĐND huyện Phú Riềng nhiệm kỳ 2016-2021.

Tuy nhiên, qua xác minh của đoàn thanh tra, đến tháng 12/2019 ông Minh mới hoàn thành khóa học và nhận bằng tốt nghiệp tại trường Đại học Kinh tế TP. HCM.

Do có hành vi vi phạm trên, ông Minh đã bị cách chức vụ Phó Bí thư thường trực huyện ủy Phú Riềng nhiệm kỳ 2016 – 2021, điều động về làm cán bộ bình thường tại Ban tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước.

Không riêng gì tỉnh Bình Phước, vẫn còn nhiều nơi có trường hợp sử dụng bằng giả để xin việc.

Cụ thể, trước đó, vào sáng ngày 20/6, Sở Y tế Đồng Nai cho biết vừa gửi hồ sơ qua Phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đồng Nai đề nghị điều tra, xử lý một trường hợp bác sĩ sử dụng bằng giả là bà Trần Xuân Ngọc (42 tuổi, ngụ TP. HCM).

Trước đó, trong quá trình kiểm tra nhân sự Phòng khám đa khoa Đại Phước (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) chuẩn bị đi vào hoạt động, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai phát hiện trường hợp Trần Xuân Ngọc – phụ trách chuyên môn phòng Chẩn đoán hình ảnh của Phòng khám có nghi vấn giả về bằng cấp, nên tiến hành xác minh.

Theo đó, bà Ngọc cung cấp hồ sơ “tốt nghiệp Y đa khoa tại Trường ĐH Y dược TP. HCM, số hiệu 191/Y96 cấp ngày 10/10/2002”. Tuy nhiên, Trường ĐH Y dược TP. HCM sau đó xác định “Bà Ngọc không có tên trong danh sách công nhận tốt nghiệp ĐH hệ chính quy ngành Y đa khoa năm 2002 của trường và không được cấp bằng ngày 10/10/2002”.

Ngoài “bằng Đại học Y dược TP. HCM”, bà Ngọc còn có bằng Chuyên khoa 1 do Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cấp vào sổ 136/CK1/08/15. Qua xác minh, Trường ĐH Phạm Ngọc Thạch xác nhận đúng là trường đã cấp. Tuy nhiên, do bà Ngọc không trung thực trong hồ sơ đăng ký học nên trường sẽ ra quyết định thu hồi, hủy bỏ văn bằng này.

Sau khi Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai xác định bà Ngọc sử dụng bằng giả, Phòng khám đa khoa Đại Phước đã cắt hợp đồng với bà Ngọc.

Hành vi mua, sử dụng bằng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Việc mua, sử dụng bằng giả là hành vi vi phạm pháp luật. Để có thể xác định chính xác mức độ xử phạt, có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì phải căn cứ cụ thể vào hậu quả, mục đích, động cơ của hành vi, nếu mục đích đó “nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân” thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

Nếu hành vi mua, sử dụng bằng giả chưa đủ cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 quy định xử phạt trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể như sau:

“Điều 16: Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả;

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này”.

Như vậy, hành vi này có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, sẽ bị phạt bổ sung là tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm hành chính.

Trong trường hợp hành vi mua, sử dụng bằng giả có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 341 quy định về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Phạm tội trong các trường hợp như có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Phạm tội trong trường hợp làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Như vậy, việc sử dụng bằng giả được xem là có hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả”. Căn cứ vào mức độ, hậu quả trong từng trường hợp mà hành vi có thể bị xử phạt tương ứng theo quy định, trong đó, mức khung hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù.

Đặc biệt, theo Nghị định số 34/2011 và Nghị định số 27/2012, cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả bị xử lý kỷ luật như sau: Cán bộ bị tòa án phạt tù (vì hành vi sử dụng bằng giả) mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.

Nếu công chức, viên chức sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thì bị xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

Riêng đối với trường hợp sử dụng bằng giả để học ở bậc học cao hơn thì bị xử lý với hình thức là đuổi học (nếu chưa học xong) hoặc hủy bỏ kết quả học tập, bằng (nếu đã học xong).

Việc mua, sử dụng bằng giả, nhất là trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục,… là hành vi đáng lên án về mặt đạo đức và đáng bị xử lý về mặt pháp luật. Vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước cần có các hình thức xử lý nghiêm nhằm mang tính răn đe đối với các hành vi vi phạm.

Cùng chuyên mục

Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Mỗi cá nhân được cấp một mã số BHXH và mã số BHYT
Theo BHXH Việt Nam, thông qua việc kết nối, xác thực và chuẩn hoá cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, sẽ đảm bảo mỗi cá nhân chỉ có một mã số bảo hiểm xã hội (BHXH), một mã thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được bổ sung số định danh cá nhân, căn cước công dân, xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Tin mới

Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Mỗi cá nhân được cấp một mã số BHXH và mã số BHYT
Theo BHXH Việt Nam, thông qua việc kết nối, xác thực và chuẩn hoá cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, sẽ đảm bảo mỗi cá nhân chỉ có một mã số bảo hiểm xã hội (BHXH), một mã thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được bổ sung số định danh cá nhân, căn cước công dân, xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...