Bộ Công thương tiếp tục đề xuất tăng giá điện
Với chi phí đầu vào có nhiều biến động và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận lỗ gần 38.000 tỉ đồng trong 2022 - 2023, Bộ Công thương đề xuất điều chỉnh tiếp giá điện trong năm 2024.
Cụ thể, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá của Bộ Công thương diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đã kiến nghị xem xét điều chỉnh giá điện để đảm bảo phản ánh biến động của các thông số đầu vào. Bộ này cũng sẽ hướng dẫn EVN điều hành phương án giá điện theo đúng quy định.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, việc đề xuất tiếp tục điều chỉnh giá điện của Bộ này xuất phát trong bối cảnh năm 2023, khoản lỗ lũy kế của EVN tiếp tục tăng lên bất chấp giá bán điện đã được điều chỉnh tăng 2 lần, thêm 3% và 4,5%. EVN tính toán tổng chi phí bình quân các khâu phát điện, truyền tải và phân phối vào khoảng 2.092,78 đồng/kWh, nhưng giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng chỉ khoảng 1.950,3 đồng/kWh, dẫn đến việc tập đoàn này lỗ lũy kế năm thứ 2 liên tiếp.
Theo báo cáo trình Bộ Công thương vào đầu tháng 12/2023, EVN cho biết năm 2023, tập đoàn ghi nhận khoản lỗ ước tính 17.000 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ tới 24.595 tỉ đồng. Năm 2022 trước đó, tập đoàn này cũng đã lỗ 26.235 tỉ đồng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh điện và các hoạt động liên quan. Tập đoàn này đề xuất điều chỉnh giá điện trong thời gian tới là để đảm bảo nguồn điện cho mục tiêu GDP tăng 6-6,5% năm 2024 và những năm tiếp theo.
Hiện nay, theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện cho phép 6 tháng điều chỉnh giá điện/lần nếu các yếu tố đầu vào sản xuất kinh doanh điện tăng. Trong đó, mức điều chỉnh tăng mỗi lần là dưới 5%.