Bố quyên sinh vì nghèo lại bệnh và câu hỏi chết lặng của con: 'Mẹ bảo bố đi chơi, sao giờ bố chết rồi?'
“Anh đau đớn còn có vợ con, anh chọn cách giải thoát như vậy để đỡ phải chịu cơn đau, không còn là gánh nặng của vợ con. Anh đi được phần anh nhẹ nhõm, còn lại vợ con bơ vơ, người ở lại biết sống ra sao khi mất đi trụ cột, chỗ dựa gia đình”, chị Vừng nói.
Nằm lọt thỏm giữa những căn nhà cao tầng trong khu vực, đội 2, thôn Vĩnh Lộc, xã Thư Phú, (huyện Thường Tín, Hà Nội), ngôi nhà cấp 4 của chị Nguyễn Thị Vừng (gần 50 tuổi), đang sống cùng hai cô con gái, lụp xụp xuống cấp, nhỏ xíu.
Con gái lớn của chị Vừng năm nay lên 7 tuổi, cháu nhỏ lên 5. Gia đình chị Vừng vốn khó khăn từ trước đây, giờ mọi gánh nặng đè lên vai chị Vừng khi chồng chị vừa ra đi mãi mãi.
Một tuần trước, chồng chị là anh Lê Đình Cửi (61 tuổi) do mắc bệnh hiểm nghèo (tiểu đường giai đoạn cuối) cùng với cuộc sống khó khăn, nghĩ bản thân là gánh nặng cho vợ con, anh đã nhảy cầu xuống sông Hồng tự tử vào ngày 18/11.
3 ngày sau, trong lúc đi thuyền, người ta tìm thấy thi thể anh cách nơi tự tử hơn 10 km. Vậy là mọi gánh nặng dồn hết lên vai người vợ kham khổ.
Căn nhà lợp ngói đã cũ mèm, viên ngói mủn ra, nhuốm màu thời gian. Những ánh sáng chiếu xuyên qua các viên ngói xô lệch, trong nhà không có lấy một bộ bàn ghế. Trên chiếc giường gỗ đen ngòm, 2 đứa trẻ đang ngủ ngon lành, hương nhang bay nghi ngút trước di ảnh người cha quá cố.
Ngồi nép mình một góc nhà, chị Vừng phờ phạc vì những lo toan, gánh nặng và mất mát. Mọi thứ ập đến quá bất ngờ khiến chị còn chưa kịp định hình.
Hai vợ chồng chị Vừng dù biết nhau từ lâu nhưng đến khi cả hai đều hơn 40 tuổi mới làm đám cưới. Sau đám cưới 2 năm, chị sinh con đầu lòng, rồi sinh bé thứ hai. Công việc hàng ngày của hai vợ chồng là đi phụ hồ, trồng rau, dù khó khăn nhưng ngôi nhà luôn tràn đầy hạnh phúc.
Hai năm về trước, chồng chị bị tiểu đường, phải điều trị thuốc thường xuyên. Từ đây, người đàn ông chỉ làm việc nhà, đưa con đi học, chị Vừng trở thành lao động chính trong nhà.
Một tháng trước, anh Cửi đi khám ở bệnh viện về. Chị Vừng nhận thấy nét mặt chồng buồn nhưng anh vẫn tỏ ra cố vui vẻ bên vợ con. Gần đây chồng chị có nhiều điểm bất thường, nói những lời lạ lẫm, nhưng rồi chị nghĩ anh chỉ nói đùa cho vui, nhưng mọi thứ ập đến quá đau lòng.
Một buổi chiều thu, anh Cửi ôm chị Vừng từ phía sau khi chị đang nấu ăn: “Nay mai nếu anh đi đâu, em cũng đừng bận tâm, cũng đừng đi tìm”, chị Vừng sững sờ nhưng không nghĩ nhiều.
“Anh thì đi được đâu. Vợ con không ở mà đòi đi đâu”. Chị nói rồi vợ chồng lại cùng nhau làm cơm tối.
Bữa tối trước khi anh ra đi mãi mãi, cả nhà quây quần bên mâm cơm, anh Cửi vẫn cười nói, gắp thức ăn cho con rồi dặn: “Các con nhớ ngoan, nghe lời mẹ, học giỏi nhé”.
“Dù khó khăn đến đâu, em cũng phải cho con ăn học đến nơi đến chốn. Khó khăn quá nhờ gia đình hai bên. Nhớ đừng để con bỏ học”, anh Cửi nói với vợ.
Chị Vừng sững sờ trước câu nói và nét mặt buồn của chồng. Buổi tối chị để ý thấy chồng đã mắc màn đi ngủ, chị dỗ dành hai con rồi vào phòng thì không thấy chồng đâu. “Khi đó tôi nghĩ rằng chồng sang nhà bác chơi, chắc lát nữa về”, chị Vừng nói.
Gần nửa đêm anh Cửi chưa về, chị gọi điện nhưng máy để trong nhà. Chị đi sang hàng xóm tìm quanh nhưng không thấy, chị hốt hoảng báo gia đình 2 bên.
“Mọi người đều nói anh ấy lớn rồi, có phải trẻ con đâu. Tôi thì nghĩ có khi anh lên viện, không muốn mọi người lo lắng nên không báo”, người vợ nói.
Nửa đêm về nhà, người mẹ hai con kiểm tra tiền trên góc ban thờ, trước đó gia đình có 130.000, nhưng giờ chỉ còn 30.000 và chị nghĩ rằng, có lẽ chồng lấy tiền để đi xe lên viện. Cả đêm hôm đó chị Vừng không chợp mắt.
Đến ngày 19/11, chị vẫn không có thông tin gì của chồng, chị Vừng hốt hoảng đi nhờ kiểm tra camera dọc đường thôn, xã thì thấy chồng dừng lại mua bánh mỳ, mua nước xong bắt taxi ra hướng Hà Nội.
“Họ nói chở chồng tôi lên cầu Nhật Tân, nói là sang mạn Đông Anh có người quen. Nghe đến đó thì tôi chẳng nói được gì, nấc nghẹn rồi khóc ngất gọi tên chồng”, chị Vừng đau đớn kể lại.
Suốt hai ngày sau đó, chị Vừng báo chính quyền, lên cầu Nhật Tân rồi dọc bờ sông Hồng tìm kiếm, dán tờ rơi tìm chồng. Hai ngày hôm sau, đội thuyền chài phát hiện thi thể chồng chị dưới cầu Vĩnh Tuy.
“Đau xót nhất là đứa lớn, con khóc và hỏi mẹ rằng: Mẹ bảo bố đi chơi, sao giờ bố chết rồi? Nghe con hỏi tôi chẳng biết phải trả lời con ra sao”, chị Vừng nghẹn lại.
“Anh đau đớn còn có vợ con, anh chọn cách giải thoát như vậy để đỡ phải chịu cơn đau, không còn là gánh nặng của vợ con. Anh đi được phần anh nhẹ nhõm, còn lại vợ con bơ vơ, người ở lại biết sống ra sao khi mất đi trụ cột, chỗ dựa gia đình”, chị Vừng vừa thương vừa giận chồng nói.
Về những ngày tháng tới, chị Vừng chỉ thương hai đứa trẻ mồ côi bố. Dù khó khăn đến đâu chị cũng sẽ cố gắng thực hiện điều chồng mong muốn, lo cho con học hành đến nơi, đến chốn.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND xã Thư Phú, cho biết sự việc xảy ra với gia đình chị Nguyễn Thị Vừng bất ngờ, đường đột. Việc anh Lê Đình Cửi bị bệnh tật là có thật, nhưng anh chọn cách tự tử là ngoài dự liệu của gia đình.
Sau sự việc chính quyền đã có thăm hỏi động viện, hiện các đoàn thể của thôn, xã, huyện vẫn quan tâm đến hộ gia đình khó khăn nay. Thời gian tới, chính quyền sẽ có phương án để hỗ trợ việc học hành cho hai cháu.