Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 04/06/2020 01:05 (GMT+7)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã nhận lỗi, xin rút kinh nghiệm bao nhiêu lần?

Mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã lên tiếng “nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm” về việc không đảm bảo tiến độ triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) theo ủy quyền của Thủ tướng. Vậy cứ mỗi lần “Tự nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm” như vậy, thì đến khi nào mới xử lý xong sai sót?

Tại báo cáo vừa gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây về việc triển khai thu phí tự động không dừng, Chính phủ cho biết, tiến độ thực hiện không đảm bảo theo yêu cầu.

Cụ thể, tháng 10/2017, sau khi giám sát các dự án BOT giao thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 437 yêu cầu “từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước”.

Đến tháng 7/2019, Thủ tướng cũng đã có công điện yêu cầu đến 31/12/2019, trạm nào không triển khai thu phí không dừng sẽ buộc phải dừng thu phí.

Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện rất chậm, cũng không trạm nào dừng thu phí vì quá hạn. Trong 93 trạm thu phí trên toàn quốc (Bộ GTVT – quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 19 trạm), mới có 46 trạm có vận hành làn thu phí không dừng (ETC), tức là mới được 1 nửa số trạm.

Riêng 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý chỉ có 1 tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình đã lắp đặt thiết bị; 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện do vướng mắc về nguồn vốn.

Có tới 6/19 trạm địa phương quản lý đã đầu tư và kết nối dự án giai đoạn 1, có 6 trạm đồng thuận kết nối với dự án giai đoạn 2 nên có thể vận hành ngay khi dự án giai đoạn 2 hoàn thành. Còn lại 7/19 trạm các địa phương tự tổ chức thực hiện vẫn chưa hoàn thành.

Số lượng xe dán tem thu phí không dừng cũng chưa đạt được như yêu cầu với số lượng còn rất nhỏ (gần 900.000 xe).

Vẫn theo báo cáo, trước tình trạng nêu trên, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.

Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để chậm tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động trong thời gian qua.

Theo đó, 8 tập thể thuộc Bộ GTVT có liên quan đều “nghiêm túc kiểm điểm theo chức năng nhiệm vụ được phân công”, trong đó có 4 đơn vị trực tiếp liên quan đến quá trình triển khai thực hiện dự án nhận hình thức phê bình nghiêm khắc và rút kinh nghiệm.

Về cá nhân, với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng Bộ GTVT và Thứ trưởng phụ trách dự án kiểm điểm tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình rút kinh nghiệm.

Cũng theo báo cáo; 30 cá nhân thuộc các cơ quan đơn vị có liên quan có bản kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm tiến độ, trong đó có 9 cá nhân nhận hình thức rút kinh nghiệm; 6 cá nhân thuộc 4 đơn vị liên quan trực tiếp tới việc triển khai thực hiện dự án nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, trước đây đã không ít lần Bộ trưởng GTVT cũng tự nhận hình thức “Nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm” như thế.

Ngày 4/6/2018, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã đăng đàn trả lời chất vấn ĐBQH. Đáng chú ý là trong phiên trả lời, Bộ trưởng nhiều lần “xin lỗi, nhận trách nhiệm, mong thông cảm”.

Được biết, khoảng thời gian đó, tai nạn đường sắt dường như là vấn đề khá đau đầu trong an toàn giao thông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ngay khi đó cũng chia sẻ việc an toàn giao thông đường sắt liên tiếp xảy ra tai nạn, ông cũng nói thêm việc lãnh đạo Bộ và các đơn vị đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân và thành thật xin lỗi người dân, những người bị tai nạn giao thông, liên quan đến đường sắt thời điểm đó.

Khi trả lời đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) về việc nâng cấp đường dẫn đến chênh lệch cao độ giữa đường và nhà dân khiến người dân gặp khó khăn, ông Thể nói việc này có trách nhiệm của Bộ GTVT.

Trả lời đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) về việc QL1A đoạn qua tỉnh Bình Định hoàn thành năm 2015 nhưng đã hư hỏng, ông Thể cho biết có nguyên nhân do thiên tai, do xe quá tải.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) tiếp tục hỏi về tình trạng trạm BOT ở địa bàn tỉnh Bình Định, Bộ trưởng GTVT cũng thừa nhận một số khu vực có mật độ trạm BOT dày đặc.

Nhiều lần tiếp theo, ông Thể nói “mong đại biểu, nhân dân, cử tri thông cảm, hết sức thông cảm” khi trả lời về vấn đề BOT giao thông, vấn đề đường xuống cấp… và nhiều vấn đề khác của ngành.

Trước đó, chiều tối ngày 28/5/2018, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã phải chủ trì cuộc họp đột xuất với các đơn vị đường sắt sau khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đường sắt tới 4 ngày.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đã yêu cầu Tổng Công ty đường sắt nghiêm túc kiểm điểm từ Chủ tịch HĐTV đến cán bộ liên quan và phải làm rõ nguyên nhân tai nạn.

Riêng bản thân Bộ trưởng GTVT cũng nhận trách nhiệm trước Đảng và nhân dân khi để ngành đường sắt xảy ra nhiều yếu kém, ông cũng xin lỗi các gia đình có người thiệt mạng trong các vụ tai nạn đường sắt vừa qua.

Vậy cứ mỗi lần sai sót là một lần xin lỗi, cứ xin lỗi mãi, tự kiểm điểm mãi mà không thể giữ được trách nhiệm để xử lý thì “lời xin lỗi” liệu có còn hay không giá trị?

Cùng chuyên mục

Tin mới