Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 22/11/2024 13:37 (GMT+7)

Cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng hiện nay

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo quy định thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, song tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở, hoặc lương tối thiểu vùng.

Bộ LĐ-TB&XH vừa có giải đáp thắc mắc của người lao động liên quan đến cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.

Theo đó, đây là trường hợp người lao động có chức vụ là giám đốc công ty cổ phần thuộc vùng I, nghỉ việc từ ngày 01/7/2024, đóng bảo hiểm thất nghiệp đến tháng 06/2024 được 15 năm 06 tháng theo mức lương 60,5 triệu đồng/tháng.

Ngày 05/7/2024, người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được thông báo mức hưởng trợ cấp là 23,4 triệu đồng/tháng (05 lần mức lương tối thiểu vùng cũ tính theo tháng cuối đóng bảo hiểm thất nghiệp là tháng 06/2024).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo trả lời của cơ quan chức năng, mức trợ cấp trên căn cứ theo khoản 3 Điều 41 Luật Việc làm: Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, người lao động thắc mắc liệu mức hưởng như vậy có đúng không.

Trả lời về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo quy định tại Điều 41 Luật Việc làm, mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm cũng nêu rõ, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

Mức hưởng không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động, đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc.

Theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, mức lương tối thiểu tháng vùng I áp dụng đến ngày 30/6/2024 là 4,68 triệu đồng.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, mức đóng và tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cuối cùng của người lao động là tháng 6/2024. Như vậy, mức hưởng tối đa sẽ được tính theo mức lương tối thiểu vùng khi đóng theo nguyên tắc đóng - hưởng của bảo hiểm thất nghiệp.

Cụ thể, mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động nhận được hàng tháng là 5 x 4,68 triệu đồng = 23,4 triệu đồng/tháng.

Theo quy định của Luật Việc làm năm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện, đó là:

Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, xác định thời hạn; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

Cùng chuyên mục

Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Mỗi cá nhân được cấp một mã số BHXH và mã số BHYT
Theo BHXH Việt Nam, thông qua việc kết nối, xác thực và chuẩn hoá cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, sẽ đảm bảo mỗi cá nhân chỉ có một mã số bảo hiểm xã hội (BHXH), một mã thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được bổ sung số định danh cá nhân, căn cước công dân, xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Tin mới