Cảnh báo: Thời tiết nắng nóng cẩn trọng bệnh lý đường hô hấp gia tăng
Thời tiết thay đổi, đặc biệt là chuyển nắng nóng trong thời gian gần đây khiến bệnh nhân nhập viện điều trị tăng lên. Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hiện nay là người già và trẻ nhỏ.
Thời tiết oi bức, nhiệt độ tăng cao khiến khả năng tự điều chỉnh thân nhiệt giảm sút, lượng nước và điện giải bị mất khá nhiều do đào thải qua mồ hôi và nước tiểu.
Bên cạnh đó, nắng nóng làm cho cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, sức đề kháng suy giảm, chính vì thế không thể bù nước, điện giải và năng lượng mất đi. Do đó, vào thời điểm này các căn bệnh tha hồ “hoành hành”, đặc biệt là bệnh đường hô hấp.
Có 5 nhóm bệnh mà người già dễ mắc thời điểm này, đó là bệnh về hô hấp, bệnh lý mạch vành não, tiêu hóa, da niêm mạc và các bệnh dị ứng do thời tiết, sinh hoạt.
Một số thói quen khiến bệnh nhân lớn tuổi dễ bị đau trong thời tiết nắng nóng này chính là ngại uống nước do khó khăn, bất lợi trong tiểu tiện, chế độ ăn uống không phù hợp, thay đổi nhiệt độ môi trường sống đột ngột do sử dụng thiết bị quạt, điều hòa chưa hợp lý và chế độ tập luyện thể dục không đúng cách.
Nhóm đối tượng thứ 2 dễ bị tổn thương do thời tiết nắng nóng là trẻ em, thời tiết chuyển mùa nắng nóng thì trẻ nhập viện khám, điều trị sẽ tăng so với ngày thường. Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để các tác nhân như nấm, siêu vi, vi khuẩn bùng phát và gây bệnh. Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do sức đề kháng còn yếu. Trẻ dễ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, dị ứng.
Để bảo đảm sức khỏe cũng như phòng, tránh các bệnh mùa nắng nóng cho trẻ, phụ huynh cần chủ động giữ vệ sinh cho trẻ, hạn chế tối đa việc cho trẻ ra đường vào thời điểm nhiệt độ tăng cao.
Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khách quan tăng nguy cơ bệnh đường hô hấp vào mùa nắng nóng, điển hình:
Đối với những người thường xuyên tiếp xúc với khói, bụi, hóa chất,…có khả năng cao mắc các bệnh về hô hấp. Hiện nay, môi trường ngày càng ô nhiễm, tình trạng giao thông ứ trệ khiến khói bụi, khí thải cứ thế tăng lên “vùn vụt”, đồng nghĩa với việc nguy cơ mắc bệnh hô hấp luôn “rình rập” quanh ta.
Mùa hè là thời điểm của các chuyến du lịch, vui chơi… với sự thay đổi đột ngột môi trường sống thì các bệnh lý đường hô hấp rất dễ ghé thăm như cảm cúm.
Một số bậc phụ huynh bảo bọc con quá kỹ, thường xuyên cho bé sống trong phòng kín, ít tiếp xúc với môi trường thiên nhiên. Điều này vô tình khiến cơ thể ít tạo ra những “màng khiên” bảo vệ cơ thể, vì vậy trẻ rất dễ mắc bệnh khi đi ra ngoài.
Thường xuyên làm việc trong môi trường điều hòa nhiệt độ quá thấp khiến niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương, nhất là khi thay đổi nhiệt độ đột ngột khi ra khỏi phòng,…
Nhà ở chật chội không thông thoáng khiến bụi bặm tích tụ, hoặc hay sử dụng bếp than bếp củi là những yếu tố thuận lợi gây nên bệnh đường hô hấp.
Nghiện thuốc lá, thuốc lào,…hay sử dụng các chất kích thích sẽ góp phần không nhỏ nguy cơ mắc bệnh. Chúng có thể làm tổn thương nhu mô phổi từ đó tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cơ hội, đặc biệt là đường hô hấp trên. Đây là yếu tố nguy cơ của rất nhiều bệnh lý mãn tính của đường hô hấp như hen phế quản, COPD...
Ngoài ra, một số bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim,…là những lý do làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp.
Thời tiết nắng, nóng, cơ thể dễ bị mệt mỏi, ăn uống kém hơn… nên dễ mắc bệnh. Nhưng có thể phòng tránh được nguy cơ bệnh tật do khí hậu gây ra bằng cách ăn uống thích hợp và điều độ…
Ăn uống hợp lý
Chế độ ăn phải lỏng, nhiều nước, vì mùa hè mất nhiều mồ hôi nên cần một chế độ ăn nhiều nước, mềm, vừa dễ tiêu hóa, dễ hấp thu lại cung cấp thêm nước cho cơ thể. Các món nên ăn thường xuyên trong mùa hè: Cháo, súp, sữa, nước ép trái cây… Chọn loại thức phẩm ít béo, giàu chất đạm, giàu vitamin và khoáng chất như thịt nạc, thịt gà, cá, tôm, đậu đỗ, rau xanh và quả chín. Khi chế biến món ăn nên hạn chế xào, rán mà nên tăng cường các món ăn hấp, luộc, nấu canh, nên ăn nhạt. Thực phẩm nên chọn loại tươi, ngon, tránh ăn thực phẩm đã bị ôi thiu.
Ăn nhiều trái cây và rau củ mùa hè như dưa chuột, bạc hà, chanh, mướp, dưa hấu... sẽ giúp cơ thể được bổ sung đầy đủ nước và vitamin.
Cung cấp đủ nước cho cơ thể
Thời tiết ngoài trời nhiệt độ cao tạo cảm giác nóng bức khiến cơ thể dễ bị mất nước. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng mọi người nên chủ động uống nước, không phải đợi đến khi khát mới uống. Uống nhiều nước, tối thiểu 1,5 - 2 lít nước/ngày, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, nên uống bổ sung các loại nước giúp giải nhiệt như nước chanh, cam, nước dừa tươi, nước rau má, nước đậu đen, râu ngô, nước atiso... Hạn chế uống nhiều nước đá, nước lạnh dễ gây viêm họng. Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn hay cà phê vì chúng làm tăng tình trạng mất nước.
Hạn chế ra ngoài trời
Để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng, nên hạn chế thời gian đi ra ngoài trời. Nếu tính chất công việc phải ra ngoài, bạn nên lựa chọn khoảng thời gian phù hợp, tránh những khung giờ đỉnh điểm từ 10h sáng đến 14h chiều, đặc biệt trong những ngày nắng nóng gay gắt. Khi ra ngoài nên lựa chọn phương tiện tốt nhất là đi ô tô, nếu đi xe máy thì nên bảo vệ cơ thể bằng cách mặc áo khoác, bao tay, đeo khẩu trang, đội mũ rộng vành... để chống nắng. Nếu không dễ dẫn đến sốc nhiệt, ngất xỉu sẽ rất nguy hiểm. Với những người làm việc ngoài trời ở nhiệt độ cao, nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ mỗi giờ 1 lần, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc.
Không thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột
Cần lưu ý không nên thay đổi nhiệt độ thân nhiệt một cách đột ngột, đó là cách bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng, chẳng hạn như: Mọi người khi đang ở ngoài trời nắng nóng không nên bước vào phòng có máy lạnh ngay hoặc ngược lại, bởi môi trường ở nhiệt độ cao, cơ thể đổ nhiều mồ hôi sẽ khiến các lỗ chân lông trên da mở ra rồi tiếp xúc môi trường ở nhiệt độ thấp nhanh rất dễ bị cảm lạnh. Cần lưu ý, về nhà không nên tắm ngay, cũng không nên tắm quá nhiều lần trong ngày. Cần nghỉ ngơi trong vòng 30 phút để mồ hôi khô rồi tắm, tránh tình trạng nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột, trung tâm điều nhiệt phải hoạt động liên tục, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chống nắng và chăm sóc da
Việc cơ thể tiếp xúc với tia UV do ánh nắng lâu ngày sẽ dẫn đến những vấn đề trên da như lão hóa, bỏng da, rối loạn tăng sắc tố da, thậm chí gây ung thư da rất trầm trọng. Việc chống nắng nóng là cần thiết, khi ra ngoài đường bạn nên thoa kem chống nắng chỉ số SPF trên 30, trang bị thêm mũ, khẩu trang, quần áo tay dài, đeo kính râm, áo khoác... nhằm giúp che chắn bảo vệ cho cơ thể.
Chú ý vệ sinh ăn uống
Vào những ngày nắng nóng, thời tiết ở nhiệt độ cao nên thực phẩm dễ bị hư hỏng, vi sinh vật phát triển là điều kiện thuận lợi dễ truyền bệnh cho cơ thể qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, đau bụng...). Để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng cần chú ý việc kiểm tra bảo quản thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh trước khi ăn uống không nên sử dụng các loại thực phẩm đã chế biến để quá lâu và thức ăn đường phố phơi ngoài nắng.
Phòng chống các bệnh truyền nhiễm
Thời tiết nắng nóng rất dễ nhiễm các bệnh về tay chân miệng, sởi, quai bị... đặc biệt là ở trẻ em lứa tuổi cấp 1 hay cấp 2, để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng, cha mẹ cần chú ý kiểm tra lịch tiêm ngừa phòng bệnh cho trẻ. Tốt nhất, sau 3 - 5 năm, nên tiêm phòng nhắc lại cho trẻ để phòng các bệnh truyền nhiễm trong mùa nắng nóng.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục khi trời nóng là một thách thức, nhưng duy trì việc tập luyện thường xuyên, đúng cách sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, phòng tránh các vấn đề sức khoẻ dễ gặp vào mùa hè. Trước tiên, cần lựa chọn thời điểm phù hợp để luyện tập. Thay vì tập vào những giờ nắng gắt trong ngày (từ 10h sáng đến 3 giờ chiều), bạn có thể tập trước 9h sáng hoặc sau 4h chiều để giúp cơ thể khỏi mất sức. Đặc biệt, tập thể thao lúc sáng sớm mùa hè rất có lợi cho sức khỏe.