Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 21/11/2022 17:00 (GMT+7)

Chuyên gia nêu lý do số ca sốt xuất huyết gia tăng

Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành khác trên cả nước đang có số ca sốt xuất huyết cao. Nguyên nhân do đâu?

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 303.637 ca mắc sốt xuất huyết, 112 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (62.106/24) số mắc tăng 4,9 lần, tử vong tăng 88 trường hợp.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm đến ngày 18/11/2022, toàn thành phố ghi nhận 13.437 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, từ tuần 40 (từ 3/10-9/10) ghi nhận số ca mắc cao trên 1.000 ca/tuần, cao hơn nhiều so với năm 2021 và trung bình 3 năm 2019 – 2021.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc quản lý điều hành CDC Hà Nội nhận định, trong thời gian tới, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường nên việc chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch là hết sức quan trọng. Tại một số quận, huyện vẫn còn ổ dịch sốt xuất huyết diễn biến kéo dài, nguyên nhân là do công tác phát hiện bệnh nhân muộn, bỏ sót bệnh nhân, xử lý ổ dịch vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

Lý giải về việc số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội và một số địa phương gia tăng, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho biết lúc này nhiệt độ tại nước ta không quá nóng. Đây là điều kiện cho muỗi phát triển thuận lợi vì thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh thì muỗi không sinh sản được nhiều.

Hiện nay có 2 loài muỗi sốt xuất huyết thuộc họ chi Aedes gồm: Aedes albopictus và Aedes aegypti - đây là tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết.

"Biểu hiện của sốt xuất huyết thường sốt cao, nặng là xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết nội tạng (như chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi ngoài ra máu là những trường hợp nặng cần phải vào bệnh viện), tụt huyết áp. Điều quan trọng nhất là khi bị sốt phải nghĩ ngay đến là bị sốt xuất huyết vì hiện nay đang có dịch", ông Hùng phân tích.

Ngoài ra theo ông Hùng, cần phải kiểm soát được nhiệt độ cơ thể để tránh trường hợp sốt quá cao. Vì khi sốt thường sẽ mất nước, điện giải nên người bệnh cần thường xuyên bù nước điện giải, đặc biệt là dung dịch oresol. Với những trường hợp không uống được hoặc sốt cao quá thì có thể phải truyền dịch, nhưng uống được nước vẫn là tốt nhất.

Vị chuyên gia lưu ý người bệnh nên bổ sung nước hoa quả như dừa, cam, tăng vitamin, đặc biệt vitamin C. Với trẻ nhỏ sốt cao, không uống được nước, mệt li bì thì phải đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị kịp thời.

Hiện nhiều người truyền tai nhau thông tin "bị sốt xuất huyết nên ăn thịt bò, thịt gà để tăng tiểu cầu", ông Hùng cho rằng hiện chưa có bằng chứng khoa học chứng minh.

"Quan trọng khi bị sốt xuất huyết là phải bù được nước, điện giải và theo dõi sát giai đoạn từ ngày thứ 4-5 trở đi khi hết sốt, cần theo dõi huyết áp và tình trạng xuất huyết", ông Hùng lưu ý.

Để phòng tránh sốt xuất huyết hiệu quả, Phó Giám đốc quản lý điều hành CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn khuyến cáo các địa phương cần tăng cường công tác vệ sinh môi trường tại khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch "làm đến đâu sạch đến đó" thì mới đạt hiệu quả cao. Lưu ý, trước khi phun hóa chất phải xử lý ổ dịch, vệ sinh môi trường thì việc phun hóa chất mới tăng hiệu quả diệt muỗi.

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Phát hiện virus H5N1 trong sữa
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.

Tin mới