Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 05/07/2021 16:27 (GMT+7)

Công ty Locifa bị tố giả mạo hồ sơ công bố sản phẩm: Cần chuyển hồ sơ sang công an điều tra

Theo ý kiến luật sư, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khi thấy có dấu hiệu giả mạo hồ sơ công bố sản phẩm của Công ty Locifa thì cần phải chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra để xem xét khởi tố vụ án, điều tra làm rõ. 

Theo thông tin đăng tải trên báo Tiền phong ngày 11/4/2021, Cty TNHH thương mại quốc tế Phamaco (thuộc nhóm Gobig) không chỉ quảng cáo “thổi phồng” công dụng của các sản phẩm, mà còn bị đơn vị sản xuất tố giả mạo hồ sơ công bố sản phẩm...

locifa-1-1625476492.png
Ông Nguyễn Bách Phong, người đại diện theo pháp luật, đồng thời là Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Locifa.

Theo nguồn tin riêng, nhóm Gobig có 7 thành viên do cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Đình Dương và Nguyễn Thị Nhung làm “ông, bà trùm”. Nhóm này  lập ra rất nhiều các Công ty, những tên gọi khác nhau chuyên hoạt động sản xuất kinh doanh, buôn bán TPCN, TPBVSK thông qua hình thức quảng cáo, bán hàng qua mạng và gửi hàng cho khách qua đường bưu điện.

Đồng tiền “đóng băng” đạo đức

Để bán được hàng nhóm Gobig đã cho sản xuất ra nhiều loại sản phẩm với những tên gọi na ná nhau như Zawa, Zawa Plus, GMDIET, GM Diet Platinum, Genx Gold, Gen X, Gen x Sivel,... phân phối ở nhiều Công ty khác nhau để dễ dàng thực hiện hành vi trục lợi, lừa dối người tiêu dùng.

locifa-2-1625476493.png
Một số sản phẩm TPBVSK thuộc nhóm Gobig vi phạm bị cơ quan chức năng điểm tên.

Ví dụ như Công ty Cổ phần dược phẩm Locifa có địa chỉ tại P204, tòa nhà 86 Lê Trọng Tấn, Khương Mai, Hà Nội do ông Nguyễn Bách Phong là người đại diện theo pháp luật, là thành viên của nhóm Gobig (nhưng ông Phong chỉ chiếm 10% cổ phần và 50% cổ phần là do ông Nguyễn Đình Dương nắm giữ) chịu trách nhiệm công bố 02 sản phẩm là Zawa (hỗ trợ sinh lý) và GMDIET (hỗ trợ giảm cân). Đây là 02 trong số rất nhiều sản phẩm của nhóm này bị báo chí điểm tên rất nhiều trong suốt thời gian qua. Nhất là việc sản phẩm Zawa bị nghi ngờ làm giả hồ sơ công bố.

Theo thông tin được in trên bao bì sản phẩm thì đơn vị sản xuất TPBVSK Zawa là Công ty TNHH Dược phẩm Napharco có địa chỉ tại tỉnh Hưng Yên. Nhưng ngạc nhiên là trên phiếu tiếp nhận công bố sản phẩm này, đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất lại được ghi rất rõ là Chi nhánh Công ty cổ phần Dược phẩm Syntech – Nhà máy Hải Dương. 

locifa-3-1625476493.png
Nếu Công ty Locifa giả mạo hồ sơ công bố là thật, có thể bị xử lý hình sự.

Để khách quan thông tin, chúng tôi đã tìm hiểu và liên hệ được với ông Nguyễn Xuân Trang, Chủ tịch HĐQT của Chi nhánh Công ty cổ phần Dược phẩm Syntech – Nhà máy Hải Dương, ông Trang khẳng định: “Công ty chúng tôi không hề sản xuất sản phẩm này và không biết Công ty này là ai, đấy là họ copy (sao chép) trên mạng xuống thôi, tôi đã xác nhận với Bộ Y tế rồi...”. 

Nếu như những hồ sơ giấy tờ công bố kia là giả thì các sản phẩm kia, ai đảm bảo rằng sẽ đảm bảo được các tiêu chuẩn về chất lượng cũng như nguồn gốc nguyên liệu? Sức khỏe người tiêu dùng sẽ đi về đâu?

Được biết, trên tạp chí Thương trường ngày 13/4/2021 có đăng tải bài viết “Người tiêu dùng tố hàng loạt Công ty tư vấn bán TPCN Genx, Zawa, GenX Plus... lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản?” Bài viết đã đề cập tới việc tạp chí này đã nhận được đơn thư phản ánh của anh N.Đ.H (Gia Lâm, TP. Hà Nội) tố Công ty cổ phần Dược phẩm Locifa, Công ty cổ phần công nghệ GOB Việt nam, Công ty cổ phần công nghệ GOG, Công ty CP công nghệ COD quốc tế tư vấn bán hàng “thổi phồng” chất lượng sản phẩm, chiếm đoạt tài sản người tiêu dùng với những thủ đoạn lúc hù dọa, lúc lại trấn an, đồng cảm,... để dẫn dụ người bệnh mua, sử dụng sản phẩm khiến cho bệnh nhân phải chao đảo, khốn khó “tiền mất còn bệnh vẫn cứ mang”.

Tất cả những Công ty, sản phẩm được nhắc tới ở trên đều thuộc nhóm Gobig. Cũng theo tìm hiểu, các thành viên của nhóm Gobig đều có tuổi đời rất trẻ, hầu như không có chuyên môn, năng lực về lĩnh vực y tế... Thế nhưng, bằng chứng mà phóng viên báo chí thâm nhập một trong những công ty đó cho thấy, họ hoạt động bất chấp đạo đức và pháp luật, dàn dựng những kịch bản cho các sinh viên, những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ không bằng cấp liên quan xưng danh các “bác sĩ”, “dược sĩ”, “chuyên gia” để tư vấn “khám bệnh kê đơn online” cho người bệnh bằng các TPCN nhưng luôn miệng “cam kết chữa khỏi”...

Mới đây, trên trang Facebook cá nhân của hoa hậu Mai Phương Thúy, một trong những người nổi tiếng đã PR cho sản phẩm của nhóm này (TPBVSK GM diet) sau khi đọc được các thông tin trên báo chí phản ánh đã đăng tải nội dung công khai xin lỗi và sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng để giúp xử lý đúng mực những hành vi trái pháp luật gây ảnh hưởng đến NTD. 

locifa-4-1625476493.png
Hoa hậu Mai Phương Thúy công khai đăng trên trang cá nhân xin lỗi và sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng...

Song song với nội dung hoa hậu Mai Phương Thúy công khai xin lỗi và sãn sàng phối hợp với cơ quan chức năng, thì tại một website có tên “nhathuoc186.net” sản phẩm này lại vẫn được đăng quảng cáo GM Diet với thông tin đăng tải là “bột GM Diet thực phẩm giảm cân an toàn hiệu quả cao” nhưng phía dưới lại đóng khung mô tả công dụng là “tăng kích thước cậu nhỏ, kéo dài thời gian quan hệ đưa bạn tình lên đỉnh cực khoái nhanh chóng và thỏa mãn nhất, cách sử dụng: Ngày uống 1 - 2 lần, mỗi lần 1 gói;  xuất xứ từ Mỹ...”. Từ sản phẩm hỗ trợ giảm cân bỗng lại có công dụng “điều trị sinh lý”... cho thấy sự tắc trách của người quảng cáo bán sản phẩm trên website này.

Phải chăng các quy chuẩn về đạo đức, những quy định của pháp luật đều được đặt qua một bên khi các “doanh nhân trẻ” đang tối mắt vì đồng tiền?

Giả mạo hồ sơ có thể bị xử lý hình sự!

Bàn về các vi phạm nghiêm trọng này luật sư Nguyễn Tiến Thi, đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: 
Đối với hành vi làm giả, sử dụng hồ sơ của doanh nghiệp để nộp hồ sơ xin công bố sản phẩm thì có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức với mức hình phạt cao nhất có thể lên tới 7 năm tù, được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

“Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

 “Với hồ sơ bị nghi giả mạo như báo chí nêu, nhóm đối tượng trên có thể nộp hồ sơ xin cấp được Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và đưa sản phẩm ra lưu hành tại thị trường thì cá nhân tôi cho rằng: Cục An toàn thực phẩm khi thấy có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật thì cần phải chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra để xem xét khởi tố vụ án, điều tra làm rõ xem có hay không những hành vi vi phạm trên để ngăn chặn kịp thời những hành vi coi thường pháp luật của các đối tượng. Bên cạnh đó còn kịp thời cảnh tỉnh răn đe những ai có ý định coi thường sức khỏe của người bệnh với mục đích kiếm tiền bằng mọi giá”, luật sư Thi nói.

Cùng chuyên mục

Từ 15/4, Hà Nội sẽ kiểm tra an toàn thực phẩm toàn thành phố
Hà Nội thành lập 4 Đoàn kiểm tra liên ngành công tác An toàn thực phẩm có nhiệm vụ kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 tại 30 quận, huyện, thị xã.
Những thông tin cơ bản để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa
Dữ liệu truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm, hàng hóa trong hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bao gồm tối thiểu các thông tin như:  Tên sản phẩm, hàng hóa; Hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh...

Tin mới