Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 05/06/2023 07:57 (GMT+7)

Đã xác định được nguyên nhân gây ra vụ tai nạn đường sắt tại Ấn Độ

Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ cho biết nguyên nhân của vụ tai nạn khiến gần 300 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương là do sự thay đổi trong quá trình khóa liên động điện tử.

tm-img-alt
Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Ashwini Vaishnaw thăm hiện trường vụ tai nạn đường sắt tại bang Odisha. Ảnh: Internet.

Ngày 4/6, Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Ashwini Vaishnaw cho biết đã xác định được nguyên nhân cũng như những người chịu trách nhiệm về vụ tai nạn đường sắt thảm khốc ở bang Odisha vào tối 2/6 vừa qua khiến gần 300 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương.

Trong cuộc phỏng vấn truyền hình, Bộ trưởng Ashwini thông báo nguyên nhân của vụ tai nạn là do sự thay đổi trong quá trình khóa liên động điện tử. Thuật ngữ kỹ thuật này đề cập đến một hệ thống tín hiệu phức tạp sắp xếp chuyển động của các đoàn tàu trên đường ray để ngăn chúng va chạm với nhau.

Ông nói thêm rằng việc cung cấp thêm chi tiết về nguyên nhân vụ tai nạn trước khi có báo cáo điều tra cuối cùng là "không phù hợp."

Trước đó, một quan chức đường sắt Ấn Độ tiết lộ sai sót đèn hiệu vào đường ray có thể đã gây ra vụ va chạm ba đoàn tàu.

Ông K.S. Anand, Giám đốc truyền thông Cơ quan Đường sắt Đông Nam Ấn Độ, cho biết "Đoàn tàu tốc hành Coromandel (tuyến Shalimar - Chennai) tối 2/6 đáng ra phải đi vào đường ray chính. Tuy nhiên, đèn tín hiệu đã được bật để hướng dẫn đoàn tàu vào đường nhánh, khiến nó tông thẳng vào tàu chở hàng đang đỗ ở đó."

Sau va chạm với tàu hàng, nhiều toa của đoàn tàu Coromandel lật ngang chắn hai đường ray cạnh bên, làm trật bánh tàu tốc hành Howrah (tuyến Bengaluru-Howrah) khi nó lao đến với vận tốc 116 km/h.

Diễn biến mới được công bố cho thấy tàu Coromandel là tàu đầu tiên gây ra chuỗi sự việc, khác với thông tin ban đầu là tàu Howrah.

Theo báo India Express, nhân sự quản lý đường sắt đã ra lệnh bật đèn xanh cho tàu Coromandel đi vào đúng đường ray chính. Tuy nhiên, tín hiệu này đã bị tắt mà không rõ lý do.

Ủy ban An toàn Đường sắt Ấn Độ chưa hoàn tất điều tra liệu đèn tín hiệu hỏng, có sơ sót của người vận hành đèn tín hiệu hoặc lái tàu.

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã tới hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục sự cố. Ông Modi tuyên bố: "Đây là sự cố rất nghiêm trọng và bất cứ ai bị kết tội sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.”

Ấn Độ là quốc gia có mạng lưới đường sắt lớn thứ tư thế giới, với tổng chiều dài hơn 126.000km.

Tuy nhiên, hệ thống này gặp một số vấn đề như bảo dưỡng kém và hạ tầng xuống cấp. Năm 2021, Ấn Độ ghi nhận gần 18.000 vụ tai nạn đường sắt, khiến hơn 16.400 người thiệt mạng.

Nhiều nước trên thế giới đã gửi điện chia buồn tới Ấn Độ. Ngày 3/6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Droupadi Murmu; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Narendra Modi và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi điện chia buồn tới Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar./.

Cùng chuyên mục

WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.
Siêu bão Man-yi tấn công Philippines "có khả năng gây thảm họa"
Ngày 16/11, siêu bão Man-yi bắt đầu đổ bộ miền Trung Philippines với tốc độ gió tối đa là 195 km/giờ, với đường đi được cảnh báo "có khả năng gây thảm họa" tại quần đảo này. Đây là cơn bão lớn thứ 6 tấn công quốc đảo này trong vòng 1 tháng qua.

Tin mới

Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Mỗi cá nhân được cấp một mã số BHXH và mã số BHYT
Theo BHXH Việt Nam, thông qua việc kết nối, xác thực và chuẩn hoá cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, sẽ đảm bảo mỗi cá nhân chỉ có một mã số bảo hiểm xã hội (BHXH), một mã thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được bổ sung số định danh cá nhân, căn cước công dân, xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...