Đất nghĩa trang thành khu tuyển quặng: Người chết không nơi mai táng
Dù có đất nhưng người chết không thể chôn vì đất nghĩa trang đã bị biến thành nơi tuyển quặng. Chưa bao giờ việc tìm chỗ chôn người chết lại vất vả, gian truân không kém gì tìm nhà cho… người sống.
Câu chuyện trên xảy ra tại địa bàn xóm Tân Thành, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
“Khó cũng phải chôn”
Trước đây, mỗi khi có người qua đời thì việc tìm đất để chôn người chết lại khó khăn, gian truân không kém gì tìm nhà cho… người sống. Trước nhu cầu bức thiết, năm 2008 người dân xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã cùng nhau làm văn bản gửi chính quyền địa phương để xin đất để làm khu nghĩa trang.
Tháng 4/2014 huyện Đồng Hỷ ra văn bản số 1325 nội dung “Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 xây dựng nghĩa trang xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên". Trong đó đất qui hoạch nghĩa địa là hơn 3.800m2, thửa đất số 207 (được tách ra từ thửa đất gốc số 106), tờ bản đồ số 25 và giao cho UBND xã Tân Lợi làm Chủ đầu tư dự án.
Đã 6 năm kể từ khi có quyết định phê duyệt của huyện Đồng Hỷ và trải qua ba đời chủ tịch xã nhưng dự án xây dựng nghĩa trang vẫn chỉ có thể nằm trên giấy, không thể triển khai. Lý do khu đất được quy hoạch làm bãi nghĩa trang đã bị biến thành nơi tuyển bột quặng Manhetit của Công ty Cổ phần Nhẫn (gọi tắt là Cty Nhẫn) có trụ sở tại thành phố Thái Nguyên.
Hiện trạng khu đất trước đây được sử dụng sản xuất nông nghiệp đã không thể sử dụng bởi lớp bùn thải ra trong quá trình tuyển quặng đã dày hơn một mét. Phần đất qui hoạch nghĩa trang được bao phủ bởi những công trình phụ xây dựng bằng bê tông kiên cố, nền đất qui hoạch đã bị Cty Nhẫn đổ lớp bê tông dày. Với lớp bê tông kiên cố việc dùng sức người để đào huyệt mộ gần như bất khả thi.
Để khắc phục, UBND huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên sau đó đã có Quyết định số 2674 ngày 30/5/2016 bằng việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch mở rộng thêm 609,8m2 trên nền bãi đá cho dân an táng. Người chết đã có đất chôn nhưng có chôn được hay không thì là câu chuyện khác.
Đó là bởi khu vực mở rộng là bãi đá, nhiều đá ghềnh cứng và rắn. Nếu muốn mai táng, dân phải thuê máy đục thì mới có thể sử dụng để chôn cất. Ngoài ra, địa điểm mở rộng nằm dưới sườn đồi, khi mưa nước sẽ dồn xuống rửa trôi đất đá có thể đẩy ngôi mộ bị trôi xuống lòng bùn thải bên dưới. Đó là chưa nhắc đến giá thành cho một lần thuê máy móc để đào huyệt mộ cao so với thu nhập của người dân nghèo nơi đây.
Bà Dương Thị Oanh (xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ) cho biết: “Bây giờ có đất chôn rồi nhưng diện tích hẹp, toàn đá ghềnh không đào được. Năm kia có người chết phải dùng máy múc mới đào được. Bây giờ có một cái mả rồi, giờ mà múc bên cạnh sẽ bị bênh mả của người ta mất. Từ bấy giờ cũng không ai dám chôn ở đó”.
“Bây giờ đang có phương án đổ đất cao thêm hai mét nhưng nếu làm vậy thì cái mả chôn trước đó lại bị trũng xuống. Còn những mả sau này được chôn khi trời mưa, nước mưa dồn xuống sẽ lộ cả quan tài của người chết” – bà Oanh nói thêm.
Vì vậy trong nhiều năm qua, mỗi khi xóm có người chết thì hoặc phải tìm đến khu vực lân cận chôn nhờ với giá thành từ 6-8 triệu đồng. Đối với những hộ dân có đất vườn rộng sẽ chôn người thân ngay trong mảnh vườn nhà mình tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước xung quanh.
Đề cập đến việc đất đá cứng, ghềnh rất khó để có thể chôn người chết, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ nói: “Khó thì cũng phải chôn”.
Theo người dân khi xã qui hoạch đất nghĩa trang cho xóm Tân Thành nhưng xã lại cho doanh nghiệp thuê khiến người dân chết không có chỗ chôn. Dù đã nhiều lần ý kiến với chính quyền địa phương yêu cầu Cty Nhẫn phải hoàn trả nguyên trạng mặt bằng, khắc phục bùn thải… để triển khai khu nghĩa trang nhưng trải qua ba đời chủ tịch nhưng vẫn chưa được giải quyết khiến người dân bức xúc.
Ông Trần Văn Dân (xóm Tân Thành, xã Tân Lợi) bày tỏ: “Đã qua ba đời chủ tịch ông Nghiêm Sơn Hà; ông Bùi Quang Nguyên và giờ là bà Bùi Thị Tĩnh những đến bây giờ việc triển khai dự án vẫn không thể hoàn thành đưa vào sử dụng để phục vụ nhu cầu người dân”.
Buông lỏng quản lý?
Nhằm rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi để làm rõ nội dung người dân phản ánh. Tại buổi trao đổi bà Tĩnh phủ nhận nội dung người dân cho rằng xã cho doanh nghiệp thuê đất. Bà cho biết, với phần đất nông nghiệp để làm hồ thải bùn là do người dân với doanh nghiệp tự ý ký kết với nhau nên xã không biết, đến khi có người dân báo tin thì xã mới biết và cử đoàn cán bộ xuống kiểm tra, xác minh nhưng không lập biên bản, xử phạt đối với người cho thuê và đơn vị thuê.
Riêng đối với phần đất qui hoạch nghĩa trang, xã, huyện không có chủ trương nào đồng ý cho doanh nghiệp thuê. Việc doanh nghiệp sử dụng sai mục đích đất biến thành khu tuyển quặng phía địa phương đã nhiều lần ý kiến và yêu cầu hoàn thổ, trả lại nguyên trạng mặt bằng. Tuy nhiên đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện.
Liên quan đến đất chôn người chết, bà Tĩnh khẳng định hiện nay địa phương đã có đất chôn (khu mở rộng hơn 600m2). Tuy nhiên trước phản ánh việc không thể chôn vì đất nhiều đá ghềnh, cứng… phía UBND xã Tân Lợi đã đưa ra giải pháp: “Khi có người chết, trước khi tiến hành chôn cất sẽ đổ đất cao hai mét sau đó nén chặt đất để quây lại”. Tuy nhiên giải pháp trên mới dừng ở mức… ý tưởng chưa thể triển khai nên đến thời điểm hiện tại việc tìm chỗ chôn cho người chết với người dân xóm Tân Thành, xã Tân Lợi vẫn khó khăn, nan giải hơn tìm nhà cho… người sống.
Đến nay, việc xây dựng khu nghĩa trang xóm Tân Thành, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ hiện vẫn chỉ ở trên giấy bởi hiện trạng đất bị sử dụng sai mục đích, chưa được khắc phục hoàn trả nguyên trạng nên chưa biết bao giờ mới triển khai đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu người dân xóm Tân Thành.
Cho thuê đất trái luật, biến đất nông nghiệp đã biến thành khu tuyển quặng… diễn ra thời gian dài trên địa bàn xã Tân Lợi nhưng chính quyền xã lại không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Về phía UBND huyện Đồng Hỷ sau khi phát hiện sự việc đã chỉ đạo UBND xã Tân Lợi… kiểm điểm nghiêm túc đối với các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật đất đai tại khu vực. Tuy nhiên đến nay chưa làm rõ cá nhân nào, tập thể nào chịu trách nhiệm và hình thức xử lý vẫn chưa được làm rõ gây bức xúc cho người dân. Có hay không sự buông lỏng quản lý, “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp “hô biến” đất nông nghiệp, đất qui hoạch nghĩa trang làm nơi tuyển quặng, lợi ích nhóm trong vụ việc nêu trên?
Ông Nguyễn Khắc Tân, Phó chủ tịch huyện Đồng Hỷ từng nhấn mạnh “Khi mà tôi vào đến xã Tân Lợi tôi có ý kiến với lãnh đạo xã là nó (đất quản lý) cũng như cái vườn nhà mình người ta (Cty Nhẫn) vào vườn nhà mình người ta đào thành cáo ao rồi thì các ông mới báo cáo thì đó là trách nhiệm của xã Tân Lợi”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.