Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 24/05/2024 13:54 (GMT+7)

Đề xuất phương án giải quyết với chủ hộ kinh doanh bị thu sai bảo hiểm

Trong tháng 5, Chính phủ sẽ nghe Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo lại và đề xuất phương án xử lý cuối cùng đối với chủ hộ kinh doanh bị thu sai bảo hiểm.

Đề xuất phương án giải quyết với chủ hộ kinh doanh bị thu sai bảo hiểm

Ảnh minh họa.

Chiều ngày 23/5, thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm đề xuất phương án giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri với tình trạng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể.

Theo đại biểu, quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội nêu rõ, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, từ năm 2003, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với chủ hộ kinh doanh đã diễn ra tại một số cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương.

Sau khi có chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các địa phương đã dừng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với nhóm đối tượng này. Hàng nghìn chủ hộ kinh doanh được chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thực tế, tính đến ngày 30/9/2016, cả nước có hơn 4.200 chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong đó, nhiều trường hợp đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định, chưa được nhận đồng lương hưu nào đã phải gửi đơn khiếu kiện.

Trao đổi với các đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, liên quan sự việc, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 100, giao cho Chính phủ tập trung xử lý chuyện phát sinh. Chính phủ ban hành Nghị quyết 88, giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê, đánh giá tình hình và đề xuất giải pháp giải quyết triệt để.

Sau khi phát hiện ra sự việc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản chấn chỉnh chuyện thu sai. Tuy nhiên, một số địa phương đã thu và vẫn tiếp tục thu một số trường hợp. Nội dung này thể hiện ở kết luận của kiểm toán năm 2022. Chính vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu dừng thu và tập trung xử lý sự việc.

Theo tinh thần chủ đạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất 3 giải pháp xử lý việc thu sai.

Thứ nhất, ban soạn thảo dự Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất, báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý phương án, đối với những hộ kinh doanh cá thể có đăng kí kinh doanh xin được đề xuất bổ sung, quy định điều khoản chuyển tiếp sang bảo hiểm bắt buộc. Những hộ kinh doanh này được hưởng đầy đủ chính sách như tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Việc này sẽ được Quốc hội xem xét trong thời gian tới.

Thứ hai, những chủ hộ kinh doanh cá thể không có đăng kí kinh doanh được chuyển sang bảo hiểm tự nguyện.

Thứ ba, với những người không đồng ý chuyển sang bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm thực hiện thoái thu. Việc thoái thu phải đảm bảo chính sách thỏa đáng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, về tinh thần chung, trong tháng 5 này, Chính phủ sẽ nghe Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo lại và đề xuất phương án xử lý cuối cùng cho vấn đề này.

Cùng chuyên mục

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7/2024 và từ 7h đến 13h ngày 26/7/2024.

Tin mới

Dừng lưu thông và truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc
Đây là yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai về 5 trường hợp đang cấp cứu, điều trị tại Trung tâm do ngộ độc methanol, trong đó có một trường hợp từ Thái Nguyên và bốn trường hợp từ Thường Tín, Hà Nội cùng uống một loại rượu từ Thái Nguyên.