Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 29/07/2024 22:20 (GMT+7)

Đền Chợ Củi: Các thủ nhang mong muốn được tiếp tục gìn giữ truyền thống

Các thủ nhang tại ngôi đền lịch sử Chợ Củi (Hà Tĩnh) nổi tiếng mong muốn được tiếp tục quản lý nội tự của đền nhằm giữ gìn truyền thống.

Nhiều tháng qua, ông Nguyễn Sỹ Quý và ông Nguyễn Sỹ Hoá, trú tại thôn 2, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là đồng thủ nhang đền Chợ Củi (hay còn được biết tới với cái tên đền Ông Hoàng Mười nổi tiếng) gửi nhiều đơn thư tới các cấp, ngành tại tỉnh Hà Tĩnh và Trung ương đề nghị xem xét việc để con cháu dòng họ Nguyễn tiếp tục quản lý nội tự của đền Chợ Củi nhằm giữ gìn truyền thống, phục vụ văn hoá tâm linh của nhân dân.

Giữ nếp truyền thống

Đền Chợ Củi thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, vốn được xếp hạng là Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia và thu hút hàng năm rất đông du khách ghé thăm.

capture1-copy-1722266088.JPG
Di tích Đền Chợ Củi (hay còn được biết tới với cái tên đền Ông Hoàng Mười nổi tiếng) tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Đền Chợ Củi không chỉ đơn thuần là lễ hội và lễ cúng, mà còn là sự gắn kết giữa cộng đồng và nền Văn hóa dân gian. Đền nằm dưới chân núi Ngũ Mã bên bờ sông Lam, trong vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ tinh hoa của núi Hồng và sông Lam.

Bia đá khắc chữ nho tại đền Chợ Củi là một bảo tàng lịch sử, ghi chép về việc xây dựng và tu bổ đền. Theo sách "Văn bia Hà Tĩnh", bia được tạo lập vào sau đời Minh Mạng nhà Nguyễn (sau năm 1831).

Dòng họ Nguyễn Sỹ đã có truyền thống trông coi đền và đảm nhận trách nhiệm thắp hương hơn trăm năm qua. Ông Nguyễn Sỹ Quý, hậu nhân thứ 8 của cụ thủ nhang Nguyễn Văn Tịu, mô tả về công việc trong đền và nhấn mạnh sự quan trọng của người hiểu rõ văn hóa tâm linh.

Thực hiện việc trùng tu và tôn tạo đền Chợ Củi sau năm 2013, gia đình ông Nguyễn Sỹ Quý, Nguyễn Sỹ Hoá là thủ nhang đã vượt qua khó khăn, thậm chí đi vay tiền để đảm bảo sự hưng vượng của đền. Hiện nay, với sự trùng tu này, đền không chỉ thu hút du khách mà còn làm phát triển kinh tế, văn hoá địa phương.

capture2-copy-1722266087.JPG
Tại Đền Chợ Củi vẫn còn lưu tấm bia được khắc bằng chữ Hán ghi công đức của gia đình dòng họ Nguyễn.

Đền Chợ Củi hiện nay vẫn còn lưu lại bia đá và gia phả dòng họ Nguyễn, bàn thờ tổ họ Nguyễn được thờ trong đền. Hồ sơ cấp bằng Di tích Lịch sử cấp quốc gia đền Chợ Củi vào năm 1993, cũng ghi nhận điều này.

Ông Nguyễn Sỹ Quý, thủ nhang, xúc động chia sẻ: “Tấm bia giữa đền này là sự ghi nhận công tu bổ, sửa chữa của các gia đình thủ nhang cùng nhân dân địa phương thập phương khi đền bị xuống cấp nghiêm trọng vào năm 2015. Sự gắn bó của các gia đình với ngôi đền không chỉ ở một tấm bia. Đến đời chú nữa là 8 đời. Cứ thủ nhang đời này qua đời khác chăm lo nội tự, hương khói hàng ngày”.

Người dân mong muốn được làm thủ nhang giữ đền!

Ngày 5/1/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Kết luận Thanh tra số 07/KL-UBND chỉ ra ưu điểm và nhược điểm trong công tác quản lý và tổ chức hoạt động tại Di tích Quốc gia đền Chợ Củi, trong đó yêu cầu gia đình thủ nhang bàn giao quyền quản lý khu vực nội tự cho Ban Quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân.

Từ ngày 15/1/2024 đến nay, ông Quý và các gia đình thủ nhang đã không còn đảm nhận công việc chăm lo hương khói, hoạt động tâm linh hàng ngày của đền.

Ông Nguyễn Sỹ Quý nói: “Khi thành lập Ban Dịch vụ công ích này thì nói là phải người của Nhà nước, mà chú thì hết tuổi lao động rồi, lại không trong biên chế của Nhà nước, nguyên tắc của đền thì phải có thủ nhang”.

capture3-copy-1722266087.JPG
Tấm bia ghi công đức của gia đình ông Nguyễn Sỹ Quýnh và nhân dân địa phương tại Đền Chợ Củi.

Khẳng định biên chế con người đầy đủ để đơn vị quản lý thực hiện công việc tại di tích. Nhưng với nhiều người dân địa phương, hoạt động tại đền không chỉ cần được quản lý thực hiện bởi các quy định. Đã có những băn khoăn liệu các nghi lễ tâm linh có được thực hiện đúng đủ hay không?

Hiện hai gia đình đồng thủ nhang đã làm đơn đề xuất được tiếp tục đảm nhận công việc của thủ nhang, quản lý khu vực nội tự.

Ông Nguyễn Sỹ Quý bày tỏ: “Nguyện vọng của gia đình là nội tự giao lại cho gia đình để sáng, trưa, chiều, tối thay hoa, lọc nước, quét dọn hàng ngày. Nếu Nhà nước quản lý công đức thì nhà đền giao công đức cho Nhà nước”.

Ông Trần Văn Minh, thôn 2, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hàng trăm năm qua, đền Chợ Củi bao đời được dòng họ Nguyễn cùng nhân dân đóng góp tu bổ, tôn tạo là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương.

Năm 1968, chiến tranh phá hoại khiến ngôi đền hư hỏng nặng nề, chính hộ gia đình Nguyễn Sỹ Quýnh (bố của ông Nguyễn Sỹ Quý và Nguyễn Sỹ Hoá) thủ nhang cùng nhân dân địa phương góp từng cái tranh, cây tre, tấm ngói... sửa sang lại ngôi đền để lấy nơi thờ cúng các vị thần linh và tổ tiên dòng họ Nguyễn.

Năm 1971, giai đoạn phá đền chùa diễn ra nhiều nơi, ngôi đền lại bị chia ra cho hợp tác xã 3 toà trong để phá, nhưng cũng chính dòng họ Nguyễn cùng nhân dân địa phương quyết gìn giữ và bảo vệ nên ngôi đền không bị phá và tồn tại đến ngày nay. Người dân hết sức mong mỏi cơ quan chức năng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để thủ nhang quản lý phần nội tự đảm bảo phần nghi thức tâm linh cho nhân dân địa phương.

Ông Trần Xuân Bá, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng, trú tại xã Xuân Hồng cho biết, đây là ngôi đền linh thiêng của cả làng hàng trăm năm nay trước khi được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc Gia năm 1993. Trước đây, mảnh đất này còn rất hoang vắng, dân cư thưa thớt, rừng cây rậm rạp chưa có nhiều người sinh sống thì cụ Nguyễn Văn Tịu đã gìn giữ, trông nom cái am nhỏ để thờ cúng Phật Thánh và tổ tiên dòng họ Nguyễn.

capture4-1722266123.JPG
Tại Đền Chợ Củi, Ban thờ của dòng họ Nguyễn 8 đời nay được đặt trong nội tự của đền.

Qua thời gian, ngôi am nhỏ mới được xây dựng và tôn tạo dần lên từ công sức của dòng họ Nguyễn và nhân dân địa phương trở thành đền Chợ Củi linh thiêng như ngày nay. Người dân mong muốn việc thờ tự, sinh hoạt văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân được giao cho thủ nhang như hàng trăm năm qua.

Đồng ý kiến của ông Bá, ông Minh, bà Đặng Thị Toàn, trú tại xã Xuân Hồng cũng bày tỏ mong muốn để đại diện dòng họ Nguyễn tiếp tục trông coi, quản lý phần nội tự để chịu trách nhiệm việc hương khói, đảm bảo sinh hoạt văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân.

Ông Phạm Quang Hòa, Trưởng Ban Quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho hay: “Gia đình có nộp đơn xin tiếp tục được làm quản lý một số hoạt động. Tuy nhiên, việc này thẩm quyền thuộc cơ quan cấp trên”.

Ông Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết: "Việc đó chúng tôi đã giao cho Ban là đơn vị được trực tiếp giao quản lý di tích, trên cơ sở nguyện vọng và xem xét năng lực, cũng như nhu cầu của từng cá nhân cùng các điều kiện khác. Ưu tiên đối với những người, gia đình đã có công trong việc bảo vệ, gìn giữ, tu bổ lâu nay”.

Về đơn thư phản ánh nguyện vọng của ông Nguyễn Sỹ Quý và Nguyễn Sỹ Hoá, ông Trần Tuấn Nghĩa, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, UBND tỉnh đã nhận được đơn kiến nghị của ông Nguyễn Sỹ Quý và Nguyễn Sỹ Hoá. Hiện tỉnh đang giao cho các ngành chức năng rà soát để trả lời công dân theo đúng quy định.

Cùng chuyên mục

Hoa đã nở tại Làng Nủ
Sau cơn bão lũ lịch sử, người dân thôn Làng Nủ đang từng bước hồi sinh, vượt qua nỗi đau để ổn định cuộc sống.
Thay đổi cách tính lương hưu từ năm 2025
Hiện lương hưu của người làm trong khu vực Nhà nước đang được tính mức bình quân của các năm cuối theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, những người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi, sẽ hưởng lương hưu trên nền tiền lương của toàn bộ quá trình, tương tự như khu vực doanh nghiệp.

Tin mới

Chuẩn bị trang sức cho ngày trọng đại
Đối với các cặp đôi chuẩn bị bước vào một chương mới của cuộc đời, tháng 10 là thời điểm hoàn hảo để kiếm tìm những món trang sức tinh xảo, ghi dấu khoảnh khắc thiêng liêng.
Cảnh giác trước thủ đoạn mời xem phim online rồi lừa đảo
Ngày 16/10, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội cho biết, gần đây xuất hiện thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua cách thức mời xem phim online và bình chọn được trả phí. Cơ quan Công an khẳng định, không thể kiếm tiền từ những lời mời chào thực hiện nhiệm vụ trên mạng dù dưới bất cứ hình thức nào, bởi đó thường là những chiếc “bẫy” của kẻ lừa đảo.
Chất lượng không khí tại một số điểm của Hà Nội ở mức xấu
Theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí VN AIR (thông tin được công bố từ nguồn dữ liệu quan trắc do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện), lúc 8 giờ ngày 17/10, kết quả quan trắc cho thấy chất lượng không khí tại một số điểm của Hà Nội ở mức kém và xấu.