Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 29/07/2020 06:28 (GMT+7)

Đồng Nai: Đất của dân bỗng dưng biến thành đất công?

Đất người dân sử dụng từ năm 1995, đùng một cái biến thành đất công! Chưa hết, mới đây chính quyền còn “đuổi” chủ đất ra khỏi nơi cư trú...

Đất hợp pháp không được cấp chủ quyền

Năm 1972, ông Phùng Văn Phu canh tác mảnh đất 1,7ha thuộc phường Trảng Dài theo Luật Người cày có ruộng của chế độ cũ. Đến năm 1995, ông Đào Văn Hòa, nguyên Chủ tịch UBND phường Trảng Dài (nhiệm kỳ 1994 -2004) thỏa thuận đổi khu đất ông Phu đang canh tác sang khu đất mới tại thửa 179, tờ bản đồ số 4 thuộc phường Trảng Dài, diện tích 32.202,9m2.

Đất và nhà tạm của ông Phùng Văn Phu tại phường Trảng Dài.

Ông Phu hợp đồng với Lâm trường Biên Hòa (LTBH, nay là Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa) để trồng rừng trên khu đất mới theo chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc của Chính phủ. Hợp đồng số 57/HĐKT ký ngày 25/7/1995 thể hiện ông Phu vay vốn của LTBH để trồng tràm bông vàng. Đến năm 2006, ông Phu thanh lý hợp đồng với LTBH và tiếp tục canh tác trên mảnh đất của mình. Do gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo nên ông Phu được miễn nộp thuế hàng năm.

Ngày 6/10/2006, ông Phu đến UBND phường Trảng Dài kê khai đăng ký, xin được cấp quyền sử dụng đối với mảnh đất đang canh tác. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP. Biên Hòa đã xác nhận bằng biên nhận số 1246/PN-VPĐK-QSDĐ. Nhiều lần ông Phu đến hỏi về hồ sơ này thì bị hẹn lần hẹn lữa. Cuối cùng, ông được trả lời là hồ sơ đất của ông bị thất lạc và đất của ông trở thành...đất công!

Kỳ công “bao chiếm”

Để thành công biến khu đất hơn 32.000m2 của ông Phùng Văn Phu đang canh tác thành đất công, chính quyền đã tạo sẵn một kế hoạch. Đầu tiên, phường Trảng Dài xác định nguồn gốc đất trước 1995 là đất hoang hóa. Ông Hòa (lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND phường) giao cho ông Phu (bằng miệng) trồng rừng cho phường vì lúc đó ông Phu là nhân viên hợp đồng của phường có hưởng lương. Tuy nhiên, chính quyền phường không đưa ra được hợp đồng trồng rừng ký với LTBH theo đúng luật định. UBND phường cũng xác nhận hợp đồng trả lương cho ông Phu từ năm 1996 đến năm 2012. Trong khi đó, ông Phu trước khi làm việc ở phường đã có hợp đồng vay vốn trồng rừng với LTBH (Hợp đồng số 57/HĐKT ký ngày 25/7/1995). Nghĩa là ông Phu trồng rừng trên đất của mình, hợp đồng với LTBH bằng tư cách cá nhân.

Bà Tuyết Nhung, mẹ và người đại diện cho gia đình trình bày sự việc với pv.

Tiếp theo, ngày 8/7/2009 UBND phường Trảng Dài mời ông Phu họp để “kiểm tra xác minh nguồn gốc đất” và quá trình sử dụng mảnh đất hơn 32.000m2 nói trên. Trong cuộc họp này ông Phu ghi vào biên bản: “Ông Chủ tịch UBND phường cho biết lý do thu hồi đất trồng rừng của tôi dùng vào mục đích gì có phù hợp với dự án trồng rừng không cho tôi biết lý do” (nguyên văn). Dựa vào dòng chữ này, chính quyền phường Trảng Dài cho rằng ông Phu đã thừa nhận mảnh đất đang canh tác là đất công!

Từ căn cứ hết sức khiên cưỡng này các cơ quan chức năng “vận dụng” để trả lời tất cả đơn khiếu nại mà ông Phu gởi đến, từ UBND phường Trảng Dài, Sở Tài nguyên môi trường và cả UBND TP. Biên Hòa. Như vậy, ông Phu từ một người đi xin cấp quyền sở hữu biến thành người đi khiếu kiện, thậm chí trở thành người cư trú bất hợp pháp trên chính mảnh đất của mình! Trong khi đó, chính quyền bằng những căn cứ yếu ớt và bất hợp lý đã thành công “bao chiếm” đất của người dân khổ cực canh tác suốt hơn 20 năm qua. Thậm chí, vì uất ức ông Phùng Văn Phu đã đổ bệnh và ra đi vĩnh viễn vào năm 2013. Chị Phùng Thị Tuyết Nhung hiện giờ thay cha tiếp tục đội đơn đi khiếu kiện.

“Chiêu” cưỡng chế nhà tạm!

Để “tăng lực” cho các lý lẽ của mình, chính quyền các cấp đã liên tục gởi văn bản thông báo đến gia đình ông Phu (giờ là bà Tuyết Nhung và mẹ), công bố chương trình cưỡng chế căn nhà mà ông Phu cất cho gia đình ở tạm. Đó là một khung nhà lắp ghép từ các tấm tole cũ, tạm bợ rộng 32,5m2 làm nơi cư trú của 5 thành viên của gia đình.

Ngày 12/3/2020, UBND TP. Biên Hòa ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1119/QĐ-XPVPHC xử phạt bà Phùng Thị Tuyết Nhung số tiền 8 triệu đồng vì hành vi chiếm đất nông nghiệp tại khu vực đô thị do UBND phường Trảng Dài quản lý, buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước đây và trả lại đất đã chiếm trong vòng 10 ngày.

Ngày 12/6/2020, UBND TP. Biên Hòa ra tiếp Quyết định 2970/QĐ-CCX cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với việc dựng tạm căn nhà 32,5m2 như đã nói. Chưa hết, ngày 27/7/2020, UBND phường Trảng Dài phát hành giấy mời họp các cơ quan: Phòng Tài nguyên Môi trường TP. Biên Hòa, Phòng Quản lý đô thị, Ban chỉ huy Công an TP. Biên Hòa...và nhiều ban ngành cùng tham gia cưỡng chế nhà tạm này!

“Cứ cách vài ngày trên phường chạy đến đưa một thông báo! Có khi họ cứ quăng vào nhà vì không được tiếp nhận, giống như... khủng bố tinh thần vậy!” bà Tuyết Nhung bức xúc nói.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin

Cùng chuyên mục

Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá đất
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về giá đất, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024. Trong đó, có đề xuất về các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất.
Đề xuất nguyên tắc đánh số nhà
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định đánh số và gắn biển số nhà. Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất nguyên tắc đánh số nhà mặt đường, mặt phố; tên ngõ, ngách, hẻm và đánh số nhà trong ngõ, ngách, hẻm.
Đề xuất quản lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng bằng mã QR
Ngày 02/5 vừa qua, Bộ TN&MT bắt đầu tổ chức công khai lấy ý kiến của người dân và các bộ, ban, ngành, địa phương đối với dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính. Trong đó, có đề xuất về việc in mã QR trong GCNQSDĐ. Sau khi lấy ý kiến, Bộ TN&MT sẽ ban hành Thông tư và đưa vào triển khai thực hiện từ 01/01/2025.
Bộ TN&MT đã hoàn thành các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024
Trả lời báo giới về tiến độ để chuẩn bị cho Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 01/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân cho biết, Bộ này đã hoàn thành dự thảo 6 Nghị định và 4 Thông tư. Bộ Tư pháp đã thẩm định, dự kiến trước ngày 10/5, Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ các Nghị định hướng dẫn thi hành.

Tin mới