Tiên Lữ (Hưng Yên): Cần rà soát và xử lý dứt điểm vụ tranh chấp đất đai khiếu nại kéo dài, vượt cấp…
Không nhất trí với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của UBND huyện Tiên Lữ, ông Lê Văn Tề ở thôn Nội Thượng, xã An Viên, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) đã làm đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hơn 12 năm qua vụ việc vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm…
Bức xúc của người dân
Theo đơn gửi báo, ông Lê Mạnh Tuấn, sinh năm 1972, trú tại 1109 A2D3, khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) phản ánh: “Ngày 26/9/2019, bố tôi là Lê Văn Tề, sinh năm 1929, trú tại thôn Nội Thượng, xã An Viên, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) không nhất trí với Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai số 824/QĐ- CT ngày 13/8/2008 của Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ nên đã ủy quyền cho tôi tiếp tục khiếu nại và đề nghị cơ quan chức năng xem xét giải quyết việc một số người dân họ Lê thôn Nội Thượng đập phá tài sản của gia đình tôi”.
Cụ thể: Gia đình ông Tuấn đã nhiều đời cư trú hợp pháp, thừa kế trực hệ nhiều đời trên thửa đất thổ cư, có diện tích 6 miếng ở giữa thôn Nội Thượng, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên (gọi tắt là phần đất số 1). Trong thời kỳ cải cách ruộng đất theo chính sách nguyên canh, nguyên cư, gia đình ông tiếp tục được cư trú trên phần đất số 1 này.
Năm 1961-1962, bà nội ông có mua 3 miếng đất của cụ Ngạc ở liền kề (phần đất số 2). Thửa đất này có tên bố ông là Lê Văn Tề, trong hồ sơ địa chính bản đồ 299 (thửa 157 tờ bản đồ số 9) và hồ sơ địa chính bản đồ số 364 đo vẽ năm 1998 (thửa 131, tờ bản đồ số 21), được chính quyền các cấp qua các thời kỳ ký xác nhận. Trong quá trình sử đụng đất gia đình ông luôn sử dụng đất đúng mục đích và nộp thuế đất đầy đủ. UBND xã An Viên đã nhiều lần xác nhận thửa đất và toàn bộ tài sản trên đất của gia đình ông được sử dụng để thế chấp vay vốn ngân hàng.
Tuy nhiên, đến tháng 9/2006, gia đình ông (trưởng tộc họ Lê) và dòng họ Lê thôn Nội Thượng chưa thống nhất được việc xây dựng nhà thờ tổ thì người dân họ Lê thôn Nội Thượng đã dỡ bỏ ngôi nhà 5 gian (3 gian và hai trái nhỏ). Sau đó ngày 12/11/2006, họ có đơn đòi phần đất số 1 của gia đình ông.
Theo đó, ngày 15/1/2007, UBND xã An Viên đã tiến hành hòa giải giữa hai bên. Tuy nhiên, vụ việc hòa giải không thành, UBND xã An Viên đã chuyền hồ sơ lên UBND huyện Tiên Lữ xem xét giải quyết. UBND huyện Tiên Lữ đã tiếp nhận thụ lý vụ việc và có quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành để tiến hành xác minh, kiến nghị giải quyết đơn của một số người dân họ Lê thôn Nội Thượng.
Thông tin về nguồn gốc đất, ông Tuấn cho biết: “Ông nội tôi mất vào tháng 4/1945, bà nội tôi mất vào tháng 8/1973 nên ông/bà nội không để lại di chúc cho bố tôi. Tuy nhiên, bố tôi là trưởng nam trong gia đình, các con của ông/bà nội là các em ruột của bố tôi đều có đất ở riêng và không có ai tranh chấp phần đất số 1 nêu trên với bố tôi, đến nay các em ruột bố tôi đã mất. Căn cứ theo điểm a, khoản 1 điều 651 của Bộ luật Dân sự quy định về hàng thừa kế thì bố tôi thuộc hàng thừa kế thứ nhất, do đó bố tôi là người duy nhất được thừa kế trực hệ phần đất số 1 là hoàn toàn hợp pháp”.
Cũng theo nội dung đơn: “Trong khi chờ UBND huyện Tiên Lữ xem xét giải quyết từ ngày 27/3/2008 đến 30/3/2008, một số người dân họ Lê thôn Nội Thượng đã tự ý đập phá các công trình gồm cổng, bếp, các vật tư, tài sản của gia đình tôi và có hành vi đe dọa, gây mất trật tự an ninh… Các ngày sau đó, họ đã tự ý xây dựng trái phép chiếm phần đất số 1 của gia đình tôi’’.
“Xảy ra sự việc, bố tôi là Lê văn Tề đã có đơn trình báo đến các cấp chính quyền, cơ quan công an đề nghị giải quyết nhưng cơ quan chức năng của xã An Viên và huyện Tiên Lữ vẫn để xảy ra tình trạng đập phá và xây dựng trái phép trên phần đất gia đình tôi. Cơ quan Công an huyện Tiên Lữ, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tiên Lữ có tổ chức điều tra, lập biên bản, lấy lời khai nhưng đến nay đã 12 năm trôi qua mà cơ quan Công an huyện Tiên Lữ vẫn chưa công bố kết quả điều tra, giải quyết dứt điểm vụ việc”, ông Tuấn chia sẻ.
Quyết định số 824/QĐ-CT của UBND huyện Tiên Lữ có đúng quy định pháp luật?
Ngày 13/8/2008, UBND huyện Tiên Lữ ban hành Quyết định số 824/QĐ-CT về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ ông Lê Văn Tề và nhà thờ họ Lê ở thôn Nội Thượng, xã An Viên. Theo đó, đất nhà thờ họ Lê được cấp trên cơ sở mặt bằng hiện tại đang có công trình xây dựng là 71,04m2. Còn đất hộ ông Lê Văn Tề được xác nhận là có diện tích 182m2 công trình xây dựng. Phần còn lại là ngõ đi chung giữa nhà thờ họ Lê và hộ ông Tề trên cơ sở hiện trạng là 48,5m2 trong tổng số 307,2m đất thổ cư.
Ngày 22/8/2008, bố ông Tuấn là ông Lê Văn Tề đã có đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên về việc không đồng ý với Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai số 824/ QĐ-CT ngày 13/8/2008 của Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ. Sau đó, UBND tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận thụ lý vụ việc và có văn bản giao Thanh tra tỉnh xác minh, kết luận, kiến nghị trình UBND tỉnh theo thời gian quy định của pháp luật.
Trong quá trình Thanh tra tỉnh thụ lý giải quyết vụ việc, họ Lê tiếp tục xây dựng công trình trên phần đất theo Quyết định 824/QĐ-CT của UBND huyện Tiên Lữ khiến gia đình ông Tuấn thêm bức xúc: “Những người họ Lê xây dựng trên phần đất số 1 của gia đình tôi, đồng thời xây tường và cổng lấn cả sang phần đất số 2. Nếu trước đây mẹ tôi không mua thêm 3 miếng đất cụ Ngạc ở liền kề thì bây giờ gia đình tôi biết sống ở đâu? Việc này bố tôi là Lê Văn Tề đã có đơn trình báo đến các cấp chính quyền của xã, huyện và đoàn thanh tra tỉnh Hưng Yên nhưng chưa có cơ quan nào ngăn chặn việc làm trên”, ông Tuấn giãi bày.
Để làm rõ vụ việc, PV đã liên hệ đến UBND huyện Tiên Lữ để trao đổi, thông tin Quyết định 824/QĐCT của UBND huyện Tiên Lữ dựa trên những căn cứ nào, có đúng quy định pháp luật hay không? Tuy nhiên, đại diện UBND huyện Tiên Lữ thông tin và cho rằng:“Vụ việc đã xảy ra khá lâu và đã chuyển hồ sơ lên UBND tỉnh thụ lý nên phía UBND huyện không còn thẩm quyền giải quyết”.
Vụ việc cần được rà soát và xử lý dứt điểm
Liên quan vụ việc, ngày 21/01/2010, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Thông báo số 29/TB-UBND chỉ rõ: “Báo cáo số 91/BCXKT-TTTngày 11/12/2009 của Thanh tra tỉnh còn nhiều điểm chưa được làm rõ, như: nguồn gốc đất tranh chấp giữa hai bên, căn cứ pháp lý để giải quyết,… do vậy kiến nghị đề xuất của Thanh tra tỉnh chưa đủ căn cứ để Chủ tịch UBND tỉnh kết luận nội dung vụ việc”.
“Việc một số người dòng họ Lê tự ý đập phá tài sản của ông Lê Văn Tề để xây nhà thờ họ là vi phạm các quy định của pháp luật…”.
“Giao UBND huyện Tiên Lữ chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện điều tra việc một số người dòng họ Lê thôn Nội Thượng, xã An Viên đập phá tài sản của ông Lê Văn Tề để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Ngày 28/1/2015, Ban Tiếp công dân Trung ương có Công văn số 345/BTCDTW-TD1 nêu rõ: “Vụ việc khiếu nại của gia đình ông Lê Văn Tề đã được Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh Hưng Yên kiểm tra rà soát theo kế hoạch 1130 của Thanh tra Chính phủ. Ban Tiếp công dân Trung ương cũng đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản trả lời kết quả rà soát vụ việc của gia đình ông Tề theo kế hoạch 1130 của Thanh tra Chính phủ”. Tuy nhiên đến nay gia đình ông Tề vẫn chưa nhận được kết quả rà soát, giải quyết.
Căn cứ theo thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 1819/QĐ-UBND ngày 29/03/2019 của UBND tỉnh Hưng Yên thì “thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai tại cấp tỉnh là không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày kể từ ngay thụ lý để giải quyết”, và căn cứ thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 848/QĐ-UBND tỉnh Hưng Yên thì “thời hạn giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND cấp tỉnh là không quá 60 ngày”.
Tuy nhiên đã 12 năm trôi qua, gia đình ông Lê Văn Tề (bố ông Tuấn) đã nhiều lần gửi đơn đến Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết và khiếu nại Quyết định số 824/QĐ-CT ngày 13/8/2008 của Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ về việc giải quyết tranh chấp đất đai vẫn chưa được giải quyết dứt điểm theo quy định.
Ông Lê Mạnh Tuấn cho biết: “Mòn mỏi chờ đợi cơ quan chức năng giải quyết, bố tôi đã qua đời vào ngày 23/12/2019. Cuộc sống của gia đình chúng tôi hiện nay vô cùng khó khăn, cơ cực về vật chất và tinh thần, tài sản bị đập phá, an ninh không được đảm bảo. Không biết bao giờ mới được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng xem xét giải quyết”.
Căn cứ theo quy định pháp luật, việc gia đình ông Lê Mạnh Tuấn khiếu nại Quyết định 824/QĐCT của Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ là quyền chính đáng. Vụ việc kéo dài đã khiến người dân vô cùng bức xúc.
Báo đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên và các cơ quan chức năng có thẩm quyền rà soát, xem xét giải quyết dứt điểm vụ việc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.
Được biết, ngày 20/1/2020, Ban Tuyên giáo Trung ương có Công văn số 7997-CV/BTGTW gửi UBND tỉnh Hưng Yên để kiểm tra, xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền. Theo đó, ngày 10/2/2020, UBND tỉnh Hưng Yên có Công văn số 19/ UBND-KT2 giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Tiên Lữ rà soát việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất theo nội dung đơn của ông Lê Mạnh Tuấn; báo cáo UBND tỉnh và phúc đáp Ban Tuyên giáo trung ương.
Đối với việc một số người dân họ Lê thôn Nội Thượng hủy hoại tài sản của gia đình ông Tuấn, ngày 14/1/2020, Thanh tra Bộ Công an cũng đã chuyển đơn của ông Tuấn đến Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.