Đồng Tháp: Hơn 30 năm sử dụng đất, nay bị tòa tuyên trả lại do không có tài liệu chứng minh việc tặng cho
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Bổn ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp sử sụng đất 30 năm, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nay bị toà xử buộc phải trả đất vì không có tài liệu chứng minh việc tặng cho.
Thông tin sự việc
Ông Nguyễn Văn Bổn (ngụ xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) trình bày: Vào năm 1992, ông Bổn và vợ là Phan Thị Nho được ông bà nội vợ là ông Phan Văn Sơn và bà Thái Thị Ngỏ cho phần đất trũng cặp 2 bên đường Võ Văn Kiệt (xã Tân Mỹ) khoảng 8.000m2 để cấy lúa, nuôi cá và xây nhà sinh sống ổn định.
Đến năm 2007, vợ chồng ông làm thủ tục xin cấp giấy và được UBND huyện Thanh Bình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là giấy đất).
“Thời điểm tôi xin cấp giấy thì sổ mục kê thể hiện đất không có tên người sở hữu. Cán bộ địa chính UBND xã Tân Mỹ đã tiến hành đo đạc thực tế khu đất diện tích là hơn 8.000m2, các chủ đất lân cận có ký giáp ranh, trong đó có cả nguyên đơn là ông Phan Văn Cào (chú vợ ông Bổn - PV). Tất cả được thể hiện rõ trong biên bản đo đạc ngày 14/8/2007” – ông Bổn cho biết.
Đến năm 2019, khi đo đạc lại đã cấp đổi thành thửa số 44 diện tích 4.587m2 và thửa 1855 diện tích hơn 3.300 m2. Sau đó ông Bổn đã chuyển nhượng toàn bộ thửa 1855 cho người khác và hơn 300m2 thuộc thửa 44 cho 1 người khác. Phần đất còn lại diện tích 4.156m2 thửa 44, gia đình ông vẫn sử dụng ổn định đến nay.
Cũng trong năm 2019, bất ngờ ông Phan Văn Cào làm đơn khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông Bổn trả lại đất cho ông Cào chia thừa kế.
Ông Cào cho rằng phần đất 8.000m2 là của cha mẹ ông (cụ Sơn và cụ Ngỏ) cho ông cháu nội là bà Nho và cháu rể là ông Bổn thuê sản xuất. Tuy nhiên, ông Cào không có giấy tờ chứng minh việc cụ Sơn cho thuê đất và cụ Sơn cũng đã mất năm 2009. Cụ Sơn và cụ Ngỏ có 4 người con gồm: ông Cào, ông Phường (cha bà Nho), bà Nhuộm và bà Châu. Do đó, ông Cào khởi kiện đòi đất để chia thừa kế.
Cần một phán quyết công tâm
Theo người dân địa phương, trước năm 1992 vùng đất này trũng, hoang hoá. Khi chính quyền mở tuyến đường Võ Văn Kiệt đã lấy đất 2 bên để làm nền đường, phần đất 2 bên đường trở thành ao trũng, không ai sử dụng. Vợ chồng ông Bổn đã bỏ công cải tạo để nuôi cá, trồng rau. Việc bỏ tiền và công sức cải tạo đất của vợ chồng ông Bổn được ghi nhận, được cụ Sơn cho sử dụng phần đất này. Mãi đến năm 2007, ông Bổn làm hồ sơ đăng ký QSDĐ.
Quá trình toà thụ lý giải quyết vụ việc, UBND huyện Thanh Bình cũng có công văn trình bày việc cấp giấy đất cho hộ ông Bổn là theo trình tự thủ tục; có biên bản đo đạc thực tế hiện trạng năm 2007; sổ mục kê thể hiện phần đất ông Bổn đăng kí không ghi tên chủ sử dụng, không có phát sinh tranh chấp, từ đó xác nhận vợ chồng ông Bổn có đủ điều kiện được xét cấp giấy đất.
Tuy nhiên, xét xử sơ thẩm, TAND huyện Thanh Bình cho rằng yêu cầu khởi kiện của ông Cào là có cơ sở chấp nhận. Toà lập luận: Nguồn gốc đất tranh chấp đều được xác định là của vợ chồng ông Sơn. Việc vợ chồng ông Bổn cho rằng được ông Sơn cho đất từ năm 1992 là không có cơ sở vì không có tài liệu chứng minh việc tặng cho, trong khi ông Sơn còn có nhiều con cháu khác.
Quá trình giải quyết vụ án, các chủ đất lân cận và nhiều người ở địa phương, trong đó có nguyên Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất tại nơi có đất tranh chấp, Trưởng ấp đều có văn bản xác nhận việc vợ chồng ông Bổn đã sử dụng phần đất này từ năm 1992. Hồ sơ đăng ký QSDĐ của ông Bổn từ năm 2007 thể hiện biên bản ký giáp ranh có chữ ký của chính ông Cào và những hộ lân cận. Điều này cho thấy, vợ chồng ông Bổn cải tạo đất hoang hoá thành đất sản xuất, sử dụng trong thời gian dài là sự thật.
Thế nhưng Toà cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Cào và buộc vợ chồng ông Bổn trả đất sau 30 năm cải tạo – 15 năm được chính quyền cấp chứng nhận QSDĐ liệu có phù hợp với thực tế?
Hi vọng, HĐXX cấp phúc thẩm sẽ nhìn thấy thấu đáo bản chất vụ việc, có phán quyết công tâm, công bằng cho người có tâm với đất, bỏ công bỏ sức cải tạo đất hoang hoá thành đất sản xuất và có được thành quả như hiện nay.