Dự án Green City Bắc Giang của Tiến Bộ Group đã thế chấp ngân hàng
Dự án Green City Bắc Giang của Tập đoàn Tiến Bộ đang bị nghi vấn bán hàng khi không có bảo lãnh ngân hàng. Dự án hiện đã là tài sản thế chấp ngân hàng, khách hàng nên thận trọng.
Dự án đã được bảo lãnh ngân hàng hay chưa?
Dự án khu dân cư cạnh đường Xương Giang, TP. Bắc Giang (Green City Bắc Giang) có tổng diện tích hơn 1,6ha, gồm 4 tòa chung cư 21 tầng, trong đó 2 tòa chung cư thương mại và 2 tòa tái định cư.
Theo ghi nhận của PV, hiện tại dự án đang được thi công tòa chung cư thương mại đầu tiên theo Giấy phép xây dựng số 2334/GPXD, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cấp phép ngày 23/9/2019.
Hiện tại, tòa chung cư thương mại CT2 này của Tiến Bộ Group đã đủ điều kiện bán hàng theo như thông báo của Sở Xây dựng Bắc Giang. Tuy nhiên để tránh rủi ro không đáng có, khách hàng của Green City cần thận trọng và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện cam kết bảo lãnh ngân hàng theo đúng quy định của Luật kinh doanh Bất động sản.
Như đã thông tin, Dự án Green City Bắc Giang do Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ làm chủ đầu tư đang bị nghi vấn bán hàng khi không có bảo lãnh.
Cụ thể, trong cuộc trao đổi nhanh giữa phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử và người phụ trách truyền thông của Tiến Bộ Group thì: “Nhiều khả năng là dự án chưa có bảo lãnh, tuy nhiên sẽ kiểm tra lại và thông tin lại sau”.
Tại sao một tập đoàn lớn như Tiến Bộ lại phải úp mở không dám công khai việc dự án đã có bảo lãnh của ngân hàng trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai hay chưa?
Trong khi, tại điều 56 của Luật kinh doanh Bất động sản đã quy định rõ: Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.
Rủi ro khi dự án còn đang là tài sản thế chấp
Vì sao Tiến Bộ Group lại không trả lời hay công khai thông tin việc dự án đã có cam kết bảo lãnh tài chính của ngân hàng hay tổ chức tín dụng có năng lực? Đó sẽ là một thắc mắc đầy tính cấp thiết lúc này đối với Green City Bắc Giang của doanh nhân nhận giải thưởng sao đỏ Phùng Văn Bộ!
Trong khi dư luận đang đi tìm lời giải thích cho việc úp mở thông tin của Tiến Bộ Group về câu chuyện bảo lãnh ngân hàng, thì ở một diễn biến khác đó là thông tin toàn bộ dự án đã được chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng SHB – Chi nhánh Thái Nguyên?
Theo đó, Tập đoàn Tiến Bộ và Ngân hàng SHB - Chi nhánh Thái Nguyên đã kí hợp đồng thế chấp quyền tài sản số: 865/2018/HĐTC-PN/SHB.112700 ngày 10/12/2018. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất tại thửa số 221, tờ bản đồ số 68, diện tích 16091,4 m2, tại địa chỉ khu dân cư cạnh đường Xương giang, thành phố bắc Giang, tỉnh Bắc Giang chi tiết theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CL 688669, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang cấp cho Tiến Bộ Group ngày 11/6/2018.
Để xác minh việc này, PV môi trường và Đô thị Việt Nam đã có những trao đổi với ông Ngô Đức Khanh – Giám đốc ngân hàng SHB – Chi nhánh Thái Nguyên.
Trao đổi với PV, ông Khanh xác nhận: Dự án đã là tài sản thế chấp của ngân hàng SHB-Chi nhánh Thái Nguyên thông qua hợp đồng giữa hai bên.
Thông tin về việc giải chấp, phía ngân hàng khẳng định: Riêng đối với tòa chung cư thương mại CT2 hiện nay chưa giải chấp được căn hộ nào. Ngân hàng sẽ tiến hành giải chấp khi chủ đầu tư thanh toán 95% giá trị căn hộ.
Như vậy có thể thấy rằng, Green City Bắc Giang đang đặt khách hàng trước quá nhiều rủi ro. Phân tích rủi ro: Sẽ phải trải qua rất nhiều đợt thanh toán cùng với đặt cọc khách hàng mới thanh toán đủ 95% giá trị căn hộ của mình.
Trong trường hợp, chủ đầu tư không tiến hành giải chấp trước khi bán cho khách hàng hoặc khách hàng không biết việc dự án đã bị thế chấp thì rủi ro sẽ như sau: Tức là ở những đợt đầu thanh toán mặc dù đã thanh toán một giá trị rất lớn tiền cho Tiến Bộ Group nhưng chưa chắc căn hộ trong tương lai ấy đã là của khách hàng vì khi đó nó vẫn là tài sản thế chấp và được ngân hàng nhận thế chấp quản lý.
Thiết nghĩ đã đến lúc UBND tỉnh Bắc Giang nên có những chỉ đạo cho các Sở, ban, ngành chức năng liên quan vào cuộc làm rõ vẫn đề để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Về phần mình có lẽ khách hàng cũng nên cảnh giác và thận trọng!
Đặc biệt UBND thành phố Bắc Giang cũng cần phải có những động thái xử lý làm rõ việc này, giống như cái cách thể hiện sự quan tâm khi các đại biểu của thành phố đến dự sự kiện của dự án!