Em bé chào đời từ phôi thai đông lạnh 27 năm, phá kỷ lục thế giới
Molly đã phá kỷ lục phôi thai được đông lạnh lâu nhất mà có kết quả là một em bé chào đời.
Cặp vợ chồng Tina và Ben Gibson (bang Tennessee, Mỹ) đã dành nhiều năm để cố gắng có con, nhưng chứng vô sinh đã cản trở họ.
Giờ đây, cặp đôi đã có hai con nhờ sự đột phá của y học. Molly Everette Gibson - em bé mới sinh của nhà Gibsons - chào đời ngày 26 tháng 10 từ một phôi thai đông lạnh được hiến tặng của cặp đôi khác, USA Today và CNN đưa tin.
Molly đã phá kỷ lục của chính chị gái mình, Emma Wren Gibson, sinh năm 2017 sau quá trình tương tự. Emma chào đời từ một phôi thai 24 năm tuổi được hiến tặng cho Tina.
Phôi thai của Molly có từ năm 1992. Nó được đông lạnh trong 27 năm - phá kỷ lục phôi thai được đông lạnh lâu nhất mà có kết quả là một em bé chào đời, theo Trung tâm Hiến tặng Phôi thai Quốc gia Mỹ (NEDC) và các nhân viên nghiên cứu tại Thư viện Y học Preston, Đại học Tennessee.
Tina Gibson cho biết: "Trong một khoảng thời gian dài, chúng tôi không nghĩ rằng mình có thể có con. Giờ khi đã có con, chúng tôi rất hạnh phúc".
Molly và Emma là chị em ruột di truyền. Cả hai phôi thai đều được hiến tặng và đông lạnh cùng nhau vào năm 1992, khoảng một năm sau khi Tina được sinh ra.
Vợ chồng Gibson làm cha mẹ vào 24 và 27 năm sau đó, thông qua một quá trình được gọi là nhận nuôi phôi. Trong đó, các gia đình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc thụ thai trong phòng thí nghiệm đã hiến tặng thêm phôi thai cho các cặp vợ chồng không thể thụ thai.
Các phôi thai được đông lạnh cho đến khi chúng được chuyển cho cặp vợ chồng khác - những người sinh ra một đứa trẻ không liên quan đến họ về mặt sinh học.
Tùy thuộc vào người cho và người nhận, mối liên hệ trong tương lai giữa các gia đình là khác nhau.
"Hiến phôi là khi các phôi không thuộc về một người phụ nữ về mặt di truyền được chuyển vào tử cung của cô ấy", Chủ tịch & Giám đốc Y tế của NEDC, Tiến sĩ Jeffrey Keenan, người đã chuyển phôi Molly vào tử cung của Tina hồi tháng 2, giải thích.
"Về mặt pháp lý, đây không phải 'nhận nuôi' như nhận nuôi một đứa trẻ sơ sinh, nhưng có rất nhiều lý do chính đáng để sử dụng thuật ngữ đó".
Theo Keenan, ngày nay có những phôi thai hơn 27 tuổi nhưng chưa được chuyển cho cặp vợ chồng nào.