Hà Nội: 'Chủ đầu tư 8B Lê Trực cố tình sai phép từ đầu?'
Cần làm rõ việc có hay không Chủ đầu tư Kinh Đô có ý định xây dựng sai phép ngay từ đầu, cứ xin giấy phép cho có rồi vi phạm, đây là điều mà dư luận cần lên án.
Sáng 12/2, UBND quận Ba Đình tổ chức Hội nghị thông tin liên quan đến việc xử lý vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực. Đây là lần đầu tiên một buổi họp báo công khai được ủy ban quận này tổ chức nhằm công khai những thông tin về xử lý, giải quyết công trình vi phạm gây bức xúc trong thời gian dài.
Ông Tạ Nam Chiến – Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, sự chậm trễ trong việc xử lý của cơ quan chức năng có nguyên nhân chính bắt nguồn từ Chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư phát triển thương mại Kinh Đô. Theo ông Chiến, thái độ, sự phối hợp của CĐT đối với quận là hoàn toàn không có.
Những động thái này mới là nguyên nhân chủ chốt làm ảnh hưởng đến người mua nhà chứ không phải do ủy quận hay thành phố. “Chính CĐT mới là bên có trách nhiệm hoàn thành các yêu cầu để tòa nhà được đi vào hoạt động”, ông Chiến nói. Về phía UBND quận Ba Đình, ông Chiến khẳng định đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ với nỗ lực lớn nhất có thể.
Đưa ra vấn đề và cho rằng việc cần làm rõ việc có hay không Chủ đầu tư Kinh Đô có ý định xây dựng sai phép ngay từ đầu, cứ xin giấy phép cho có rồi vi phạm, đây là điều mà dư luận cần lên án. Tuy nhiên khi được hỏi có thể chuyển những vi phạm sang xử lý hình sự hay không? Ông Chiến cho rằng không nên đề cập đến tại buổi cung cấp thông tin.
Ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình tại buổi cung cấp thông tin sáng 12/2. |
Giải thích về câu chuyện này, ông Chiến nói: “Quan điểm của Quận là Chủ đầu tư phải có trách nhiệm với cư dân. Ở đây, các hộ dân mới chỉ dừng ở mức quan hệ mua bán, chưa được cấp giấy tờ, đó là việc của Chủ đầu tư và người dân”.
Liên quan đến những thông tin pháp lý liên quan đến tòa 8B Lê Trực, Chủ tịch UBND quận Ba Đình khẳng định vào thời điểm mới triển khai xây dựng, đây là công trình buộc phải có giấy phép xây dựng. 8B Lê Trực cũng thuộc dạng phải xem xét lại về mặt chiều cao. Năm 2014, TP. Hà Nội cho phép tòa nhà xây dựng với chiều cao là 52m chứ không phải 61m. Với căn cứ đó, Sở xây dựng mới tiến hành cấp phép.
Về các tầng 17-18 của tòa nhà, ông Chiến khẳng định những vi phạm về chiều cao, diện tích sàn đã được các sở ngành xác định sau khi căn cứ trong giấy phép xây dựng và quy hoạch chi tiết của TP. Hà Nội trước đây. CĐT đã khởi kiện nhưng rút hồ sơ. Dự toán chưa được phê duyệt.
Dù cho rằng đang rất nỗ lực trong công tác hoàn thiện phương án cưỡng chế, tháo dỡ, nhưng đại diện UBND quận Ba Đình lại chưa thể đưa ra thông tin cụ thể về thời điểm thực hiện. Theo đó, vì vướng mắc trong công tác kỹ thuật, chưa có đơn vị đủ năng lực từ vấn thực hiện nên chưa thể triển khai. Khó khăn này đã được đệ trình lên UBND TP. Hà Nội để hỗ trợ, tìm kiếm phương án.
Ông Chiến cho biết không loại trừ phương án phải thuê đơn vị tư vấn nước ngoài, “Khi nào có thông tin mới thì chúng tôi sẽ cung cấp”, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho hay.
Cho rằng mốc thời gian “khi nào” mà ông Chiến đưa ra là quá trừu tượng, không đủ để giải đáp những bức xúc dư luận. PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đề nghị UBND quận Ba Đình cần đưa ra mốc thời gian cụ thể hơn dù đó có là 1 năm, 2 năm hay 5 năm, 10 năm. Ông Chiến một lần nữa nêu lý do việc phá dỡ này đang rất phức tạp, phải đảm bảo cho công trình lân cận, đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật cực cao. Dù vậy, ông này vẫn đưa ra mốc thời gian là trong 1-2 tháng sẽ có thông tin cụ thể hơn về việc lập phương án 8B Lê Trực.