Hà Nội kiểm tra việc cấp phép xây dựng từ năm 2022 đến nay
Hà Nội sẽ kiểm tra việc cấp phép xây dựng ở 11 quận, huyện: Hà Đông, Tây Hồ, Đông Anh, Ba Vì, Quốc Oai, Hoài Đức, Gia Lâm, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Đan Phượng, Thanh Xuân... từ 2022 đến nay.
Ảnh minh họa.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch Kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Các lĩnh vực trọng tâm kiểm tra bao gồm: Kiểm tra chuyên đề công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (lần đầu) tại các quận, huyện (các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính liên thông lĩnh vực đất đai giữa UBND cấp xã, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các quận, huyện; UBND quận, huyện); Cấp Giấy phép xây dựng; Lĩnh vực Đầu tư, Đăng ký kinh doanh; Lĩnh vực Công Thương; Lĩnh vực Nội vụ; Lĩnh vực Giáo dục - đào tạo (cấp huyện, cấp xã); Văn hóa; Y tế và các lĩnh vực khác theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.
Theo kế hoạch, UBND thành phố yêu cầu tập trung, tăng cường kiểm tra Bộ phận Một cửa và giải quyết thủ tục hành chính ở cấp xã đối với các thủ tục hành chính chứng thực; cấp phép xây dựng (đối với các trường hợp phải xin phép xây dựng); cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (lần đầu) tại các quận, huyện (các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính liên thông lĩnh vực đất đai giữa UBND cấp xã, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các quận, huyện; UBND quận, huyện); các thủ tục hành chính được ủy quyền theo thẩm quyền giải quyết.
Thời điểm kiểm tra: Từ ngày 01/01/2022 đến thời điểm kiểm tra.
Hình thức kiểm tra bao gồm: Định kỳ theo Kế hoạch kiểm tra hoạt động Kiểm soát thủ tục hành chính năm 2024; Kiểm tra đột xuất tại đơn vị có phản ánh, kiến nghị hoặc theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố, Trưởng đoàn kiểm tra; đơn vị được kiểm tra đột xuất không phụ thuộc vào Danh sách đơn vị được kiểm tra tại phụ lục kèm theo Kế hoạch này (kiểm tra đột xuất ít nhất 15 cuộc trong năm 2024, tập trung vào lĩnh vực, địa bàn có phản ánh, kiến nghị); Kết hợp kiểm tra theo địa bàn với kiểm tra chuyên đề. Thực hiện phúc tra đối với các đơn vị đã có kết luận kiểm tra nhưng tiếp tục có phản ánh, kiến nghị hoặc có dấu hiệu không khắc phục thiếu sót, hạn chế đã được xác định rõ trong kết luận kiểm tra.
UBND thành phố giao Văn phòng UBND thành lập đoàn kiểm tra, gồm đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị: Văn phòng UBND Thành phố (Trưởng đoàn); Sở Tư pháp; Sở Nội vụ; Thanh tra Thành phố (Phòng chuyên môn về phòng, chống tham nhũng) và một số Sở, ngành có thủ tục hành chính liên quan. Cơ quan, đơn vị được kiểm tra phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra trong quá trình thực hiện kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính; báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra chậm nhất trước 5 ngày làm việc kể từ ngày Đoàn kiểm tra đến làm việc (trừ trường hợp kiểm tra đột xuất).
Theo kế hoạch, các đơn vị: Sở Công Thương, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Du lịch sẽ được kiểm tra trong Quý II, III, IV năm 2024; Sở Tài nguyên và Môi trường (bao gồm cả Văn phòng đăng ký đất đai và một số chi nhánh trực thuộc) - có lịch thông báo riêng của Đoàn Kiểm tra.. 11 quận, huyện: Hà Đông, Tây Hồ, Đông Anh, Ba Vì, Quốc Oai, Hoài Đức, Gia Lâm, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Đan Phượng, Thanh Xuân sẽ được kiểm tra trong Quý II, III năm 2024.