Hậu quả của việc sử dụng 'khí cười' ở giới trẻ
Trung tâm Giám sát ma túy và nghiện ma túy của Liên minh châu Âu (EMCDDA) mới đây cho biết ngày càng nhiều người trẻ tuổi ở châu Âu sử dụng khí Nitrous Oxide (N2O), còn được biết đến là "khí cười", trong đó có nhiều trường hợp bị ngộ độc.
Theo EMCDDA có trụ sở tại Lisbon (Bồ Đào Nha), việc hít "khí cười" - loại khí tạo cảm giác hưng phấn, thư giãn và ảo giác - đang ngày càng gia tăng ở châu Âu do loại khí hóa học này luôn sẵn có, không bị kiểm soát, giá thành rẻ, dễ dùng và nhận thức sai lầm rằng sử dụng khí này an toàn. Loại khí này cũng được mua bán và sử dụng rộng rãi, hợp pháp trong lĩnh vực y tế, công nghiệp và thương mại.
Kể từ năm 2017, một số nước châu Âu đã đặc biệt quan ngại về việc sử dụng phổ biến "khí cười" khi các bình khí lớn hơn đã được đưa vào sử dụng với mục đích giải trí, thu hút nhóm đối tượng thanh thiếu niên. Khí này thường được bơm vào bóng bay, được gọi là bóng cười, và người dùng hít khí từ bóng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người hít trực tiếp từ bình khí, gây nguy cơ cao bị bỏng lạnh nặng và tổn thương phổi, thậm chí ảnh hưởng đến não và tủy sống.
Tại Đan Mạch, số trường hợp bị ngộ độc "khí cười" đã tăng từ 16 trường hợp trong năm 2015 lên 73 trường hợp trong năm ngoái. Tại Pháp, tăng từ 10 trường hợp năm 2017 lên 134 vào năm 2020, trong khi Hà Lan ghi nhận 144 trường hợp vào năm 2020 và số vụ tai nạn ô tô tăng mạnh do lái xe trong tình trạng say khí cười. Trong khi đó, tại Anh, N2O là chất gây nghiện được sử dụng phổ biến thứ hai ở thanh niên từ 16-24 tuổi, sau ma túy.
EMCDDA cho rằng để kiểm soát việc sử dụng loại khí này, các nước cần có quy định giảm kích cỡ bình khí, cấm bán cho nhóm đối tượng dưới 18 tuổi hoặc cấm bán vào ban đêm, thời điểm những người đi tiệc tùng thích sử dụng.