Hòa Bình: Xe tải chở đất náo loạn Quốc lộ 6
Tình trạng các loại xe ô-tô tải trọng lớn chở đất có ngọn, che chắn sơ sài, cơi nới thành thùng sai quy định, chở quá tải trọng hoạt động vô tư chạy trên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình.
Thời gian gần đây, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được phản ánh tại xã Quang Tiến, Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình diễn ra tình trạng các xe chở đất từ các mỏ đất tại địa phương vận chuyển qua trạm thu phí đi về phía Hà Nội có nhiều dấu hiệu quá khổ, quá tải, gây ô nhiễm môi trường.
Chủ mỏ đất cam kết 1 đằng làm 1 nẻo?
Theo tìm hiểu được biết, ngày 6/5/2020 UBND tỉnh Hòa Bình có Quyết định số 26/GP-UBND về việc cấp giấy phép khai thác đất san, lấp công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp của hộ gia đình bà Dương Thị Hoài Hiên tại xóm Văn Minh, xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, cho phép hộ gia đình bà Dương Thị Hoài Hiên khai thác đất san, lấp khi thực hiện việc cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp giai đoạn 1 tại xóm Văn Minh, xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình với diện tích khai thác: 23.280 m2, khối lượng đất san, lấp khai thác: 232.725 m3, phương pháp khai thác lộ thiên, thời gian khai thác là 10 tháng.
Trong quyết định có ghi rõ về trách nhiệm của hộ gia đình bà Dương Thị Hoài Hiên khi thi công khai thác phải đảm bảo, an toàn lao động, an toàn cho đất đai và các công trình liền kề, thực hiện đúng quy trình khai thác và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường theo phương án đã được thẩm định. Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện khai thác, cải tạo mặt bằng.
Tại bản cam kết ngày 21/5/2020 về việc chấp hành, thực hiện các quy định trong hoạt động san hạ mặt bằng; khai thác đất san, lấp công trình khi cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp của hộ gia đình bà Dương Thị Hoài Hiên có cam kết chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định trong hoạt động san lấp mặt bằng; khai thác đất san, lấp khi công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp với 1 số nội dung về bảo vệ môi trường như:
Thực hiện đúng quy định san hạ, khai thác; áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường theo phương án đã thẩm định và các quy định khác của Luật bảo vệ môi trường; không làm rơi vãi đất xuống đường, phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường trong quá trình san gạt, vận chuyển, xe vận chuyển được phủ bạt theo quy chuẩn; đảm bảo vệ sinh, môi trường trong phạm vi được cấp phép, khu vực xung quanh và đường giao thông công cộng (tưới nước và quét dọn …vv); không chở quá khổ, quá tải theo quy định, đảm bảo an ninh trật tự an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng.
Thế nhưng theo những gì PV ghi nhận được ngày 17/7 tại công trình khai thác đất tại mỏ. Các đoàn xe tải lớn mang logo TD di chuyển náo loạn Ql 6 lấy đất từ trong mỏ ra ngoài đi qua trạm thu phí Hòa Lạc về phía trung tâm Hà Nội có dấu hiệu quá tải, lôi kéo đất ra đường, không hề được phủ bạt làm rơi vãi đất gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường.
Cơ quan chức năng địa phương ở đâu?
Để khách quan thông tin đến bạn đọc PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Cường Biện – Phó Chủ tịch xã Quang Tiến, ông Biện cho biết: Mỏ đất của nhà bà Hiên đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác, nhà bà Hiên thuê đơn vị vận chuyển khai thác đất mới đây thôi.
Khi được hỏi về việc trách nhiệm của xã trong việc quản lý địa phương của mỏ đất nhà bà Hiên khi khai thác gây ô nhiễm môi trường trái ngược hoàn toàn với cam kết với xã, ông Biện lý giải: Tôi cũng đã gọi chủ mỏ lên đây làm việc theo đúng nội dung cam kết về bảo vệ môi trường với xã. Họ cũng đã hứa là sẽ có xe tưới nước, có người vệ sinh đất rơi vãi ra đường khi xe ra Ql 6. Nếu còn gây ảnh hưởng bụi bẩn, ô nhiễm môi trường là xã kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động đến bao giờ thực hiện mới thôi.
Được biết, đoạn đường nhà xe hoạt động là thuộc quản lý của Đôi Cảnh sát giao thông Công an huyện Lương Sơn. Không hiểu vì sao các xe chở đất từ mỏ đi ra hoạt động công khai rầm rầm suốt ngày có dấu hiệu quá tải, gây ô nhiễm môi trường mà lực lượng chức năng không phát hiện, xử lý ?
Bên cạnh trách nhiệm của Đội Cảnh sát giao thông huyện Lương Sơn còn là trách nhiệm của lực lượng Thanh tra giao thông – Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình. Nhìn những chiếc xe chở tải đất có ngọn ngênh ngang từ mỏ đi ra Quốc Lộ, người dân chỉ biết ngán ngẩm và tự hỏi: Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông tỉnh Hòa Bình đang làm nhiệm vụ ở đâu? Tại sao những chiếc xe có logo hoặc kí hiệu TD lại có thể vô tư chạy “náo loạn” khi có nhiều dấu hiệu quá khổ, quá tải làm rơi vãi đất xuống đường như vậy?