Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 02/06/2020 12:54 (GMT+7)

Hoãn tăng lương nhưng Hà Nội vẫn đề xuất tăng mức thu các khoản phí và lệ phí

Hà Nội đề xuất được thu loại phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí theo Luật Phí và lệ phí, đồng thời muốn được tăng mức thu phí không quá 1,5 lần đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%).

Hình minh họa.

Trước đó, theo nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 08 vào cuối năm 2019, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu sẽ tăng lên 1,6 triệu đồng một tháng từ 01/7. Mức này tăng khoảng 110.000 đồng so với năm 2018 (tương đương 7%).

Tuy nhiên vừa qua, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/72020. Đề xuất Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu về tăng mức lương cơ sở là một trong nhiều giải pháp trọng tâm của Chính phủ gửi tới Quốc hội nhằm phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội trong trạng thái “bình thường mới” sau dịch Covid-19.

Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Hà Nội đề xuất tăng mức thu các khoản phí và lệ phí

Sáng ngày 01/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội.

Đáng chú ý, Hà Nội đề xuất được thu loại phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí theo Luật Phí và lệ phí, đồng thời muốn được tăng mức thu phí không quá 1,5 lần đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%).

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho hay Thường trực Ủy ban TCNS thấy rằng, thẩm quyền bổ sung các khoản phí, lệ phí chưa có trong Danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí đã được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nay Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội cho phép thí điểm giao cho HĐND TP. Hà Nội thực hiện quyền hạn này.

Về việc cho phép tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đối với các loại phí (không kể loại phí thuộc nguồn thu ngân sách trung ương hưởng 100%), ông Hải cho biết đa số ý kiến đồng ý với đề nghị của Chính phủ, nhưng đề nghị không quy định trần tăng thu. Mức tăng cụ thể do HĐND TP quyết định trên cơ sở thực tế và có sự đồng thuận của nhân dân. “Bên cạnh đó, có ý kiến đồng ý với việc tăng mức thu phí 1,5 lần so với quy định hiện hành nhưng phải kiểm soát, quản lý chặt chẽ, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến thị trường và xã hội”.

Lương chưa tăng nhưng các loại phí, lệ phí sẽ tăng kéo theo giá các loại dịch vụ, mặt hàng tăng theo. Việc này ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần xem xét, đánh giá chính xác, hợp lý mức tăng cụ thể của các loại phí và lệ phí.

Cùng chuyên mục

Công bố kế hoạch thanh tra các đơn vị kinh doanh vàng
Ngày 17/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Quyết định số 324/QĐ - TTGSNH2 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin về "sư Thích Minh Tuệ"
Ban Tôn giáo Chính phủ ngày 16/5 đã có gửi văn bản tới các Ban/Phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu về công tác quản lý nhà nước liên quan đến Phật giáo trên địa bàn.

Tin mới