Khánh Hòa: Chủ đầu tư 2 thủy điện nhỏ bất ngờ xin điều chỉnh quy hoạch
Nhiều Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến cho rằng Chính phủ, Bộ Công thương cần đánh giá lại các dự án thủy điện vừa và nhỏ, cân nhắc loại bỏ các dự án không hiệu quả và gây ảnh hưởng môi trường tự nhiên.
Thủy điện nhỏ nhưng tác động lớn đến hạ lưu
Xã Khánh Trung nhỏ bé nằm cuối tỉnh Khánh Hòa - giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk nhưng lại “gánh” tới 2 thủy điện được quy hoạch, trong đó thủy điện Sông Giang 2 sau nhiều lần chậm trễ đã hòa mạng lưới điện vào năm 2014. Dự án còn lại là Sông Giang 1 đến nay vẫn đang "treo", ấn tượng duy nhất để nhớ về dự án này kể từ khi nó được hoàn thiện các bước chứng nhận đầu tư hồi năm 2011 là cả trăm hecta rừng đã biến mất.
Khánh Trung thuộc huyện Khánh Vĩnh - nơi từng được Bộ Công thương quy hoạch tới 6 dự án thủy điện, nhưng sau đó do xác định một số dự án chiếm dụng nhiều đất rừng và đất sản xuất nông nghiệp, công suất nhỏ, hiệu quả không cao nên Bộ Công thương lại ban hành công văn số 3567/BCT-TCNL, loại bỏ quy hoạch 3 dự án. Bên cạnh các 2 thủy điện đang vận hành là Sông Giang 2; Sông Chò 2 (xã Khánh Hiệp) thì 3 dự án đã được loại bỏ bao gồm: dự án Khánh Thượng; dự án Sông Trang; dự án Sông Cái. Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi thỏa thuận đầu tư đối với các dự án này.
Ngoài ra còn dự án chậm tiến độ Sông Giang 1 như đã nêu ở trên, đáng ngạc nhiên là mang đầy đủ những đặc điểm giống các dự án đã bị thu hồi (công suất nhỏ, chậm tiến độ..) nhưng dự án không những vẫn được tồn tại mà Chủ đầu tư dự án - Công ty cổ phần khai thác thủy điện Sông Giang (CĐT) còn đang tích cực xin.. điều chỉnh quy hoạch, những đề xuất thay đổi này bao gồm cả dự án Sông Giang 1 và Sông Giang 2.
Liệt kê như vậy để thấy được rằng các dự án thủy điện nhỏ đã từng được quy hoạch vô tội vạ mà không được đánh giá một cách nghiêm túc về cả mật độ, lẫn hiệu quả, chưa kể đến tác hại mà thủy điện nhỏ có thể gây ra.
Nhà máy thủy điện Sông Giang 2. |
Đã có ý kiến cho rằng cần có cái nhìn công bằng hơn đối với thủy điện nhỏ, vậy chúng tôi xin trích lược một nghiên cứu do Viện Quy hoạch Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) thực hiện nhằm phòng tránh thiên tai do nước gây ra như hạn hán, lũ lụt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, nghiên cứu cho thấy việc xây dựng các hồ, đập chứa dù có khả năng cắt lũ nhỏ nhưng là tác động hai mặt, vì lượng nước tích trữ ngược lại có thể tích luỹ tiềm năng gây lũ lụt. “Các đập chứa trên lưu vực làm giảm đáng kể lượng chảy ra ở các cửa sông và cửa đầm phá, tạo điều kiện cho quá trình bờ bồi cạn, thậm chí lấp kín các cửa này, làm cản thoát nước và gây lũ ngập ven bờ vào mùa mưa lũ tiếp theo. Theo xu hướng cho thấy các vật cản lũ ngày càng tăng, khả năng thoát lũ tiếp tục suy giảm, nước tiếp tục dâng cao, vỡ đê gây ngập lụt luôn là khả năng tiềm tàng không kiểm soát nổi”, nghiên cứu của Viện quy hoạch thủy lợi nêu.
Ngoài ra, nghiên cứu này cũng chỉ ra việc xây mới các công trình trên dòng chính và dòng nhánh sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của các sông trong hệ thống, làm biến đổi thủy văn dòng chảy, tăng nguy cơ xói lở hay gây ảnh hưởng đến vùng hạ lưu các công trình.
Để sinh động ví dụ về tác động của thủy điện đối với môi trường tự nhiên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã tới xã Khánh Trung để nghe chia sẻ từ người dân. Rất nhanh chóng, PV được biết từ khoảng thời gian thủy điện sông Giang 2 xây dựng và đi vào hoạt động, nguồn nước ngầm, nước suối của cả khu vực cứ thế mà khô cạn dần. Theo người dân xã Khánh Trung, phần diện tích rừng trống phát sinh sau khi dự án Sông Giang triển khai, đi vào hoạt động là nguyên nhân dẫn đến tình trạng môi trường sinh thái thay đổi.
Ông Lê Đình Cự, người dân xã Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh) nói, “Từ cái ngày làm thủy điện, suối chúng tôi không có nước luôn. Suối bắt nguồn từ đường sau nhà điều hành xuống đến khu suối cá, suối cá sông Giang mất nước luôn!”. “Chỗ họ khai thác, cây cối họ chưa phục hồi, hay họ không trồng?”, ông Cự đặt câu hỏi, nhưng cả ông và người dân địa phương chẳng tìm đâu ra được câu trả lời.
Ông Lê Đình Cự, người dân xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. |
Bộ Công thương “sốt sắng” với đề xuất của Sông Giang
Ngày 22/9/2020, Bộ Công thương ra văn bản số 7100/BCT-ĐL do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng (ký thay Bộ trưởng) với nội dung lấy ý kiến của UBND tỉnh Khánh Hòa về đề xuất xin điều chỉnh quy hoạch Dự án thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2.
Điều đáng nói, Điểm b, khoản 3, Điều 7, thông tư số 43/2012/TT-BCT của Bộ Công thương về việc lấy ý kiến thẩm định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thủy điện nhỏ, trong đó có các cơ quan Bộ TNMT, Bộ NNPTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan khác (nếu cần thiết). Nhưng theo tìm hiểu của PV, đối với đề xuất của Công ty CP khai thác thủy điện Sông Giang, Bộ Công thương chỉ xin ý kiến của tỉnh Khánh Hòa. Với động thái nêu trên, có thể xem Bộ Công thương đang cho rằng ý kiến của 2 bộ còn lại là không cần thiết?
Đường ống dẫn nước áp lực thủy điện Sông Giang 2. |
Tuyến ống dẫn từ hồ chứa về nhà máy. (Ảnh chụp từ Google Earth) |
Thực tế, những thay đổi môi trường hạ lưu là điều đã xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống nông nghiệp, biến đổi hạ tầng tài nguyên đất, nước và rừng. Do đó, ngay cả khi Khánh Hòa có ý kiến cụ thể, Bộ Công thương cũng cần phải tham vấn ý kiến từ các chuyên gia thuộc Bộ TNMT và Bộ NNPTNN. Bên cạnh đó, Thông tư 43 cũng lộ ra điểm bất cập, có lẽ đã đến lúc bắt buộc phải có ý kiến của nhiều bộ, ngành đối với cả dự án thủy điện nhỏ chứ không phải “nếu cần thiết” theo đánh giá chủ quan của Bộ Công thương.
Cũng liên quan đến đề xuất của Công ty Sông Giang, trao đổi với Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, bà Lê Thu Hải – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa cho hay, hiện tại Sở chưa khảo sát nên chưa rõ thực tế. Về lịch khảo sát, bà Hải cho biết dự kiến sẽ thực hiện trong tuần này. Nói riêng về dự án Sông Giang 1, bà Hải cho rằng do dự án đã được bổ sung quy hoạch nên không cắt đi được.
“Trường hợp không được duyệt thì Bộ Công thương quyết định chứ Uỷ ban tỉnh không quyết định”, bà Hải trả lời câu hỏi “Nếu đề xuất không được duyệt thì có nên để dự án Sông Giang 1 tồn tại hay không?”.