Mexico: Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ đại tuyệt chủng cận kề
Một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Mexico chứng minh rằng Trái đất đã chính thức bước vào giai đoạn đầu của cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6.
Công trình nghiên cứu mang tên “Sự biến mất của sự sống” do hai nhà sinh thái học Gerardo Ceballos và Rodolfo Dirzo thực hiện chỉ rõ số lượng loài động vật có xương sống bị tuyệt chủng trong 100 năm vừa qua cao gấp 1.000 lần so với 1 triệu năm qua. Đây cũng là công trình vừa nhận giải thưởng danh giá “Tri thức nơi tuyến đầu” của Tây Ban Nha dành cho những nhà khoa học có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nhân loại.
Phát biểu tại lễ nhận giải vừa diễn ra tại thành phố Bilbao, Tây Ban Nha, ông Gerardo Ceballos – đồng tác giả, nêu rõ trong 1 thế kỷ qua, hàng trăm nghìn loài động vật đã biến mất do hoạt động của con người, trong khi hàng triệu loài khác đang cận kề nguy hiểm từ các vấn đề liên quan đến môi trường như tăng dân số, biến đổi khí hậu, hủy hoại không gian sống, đánh bắt thủy sản quá mức…
Bên cạnh đó, theo ông Ceballos, đồng thời là giáo sư Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM), sự biến mất của nhiều loài động vật cũng sẽ kéo theo sự tuyệt chủng tương ứng ở thực vật do mối quan hệ hữu cơ và phụ thuộc lẫn nhau giữa động - thực vật trong tự nhiên.
Trong khi đó, ông Rodolfo Dirzo, đồng tác giả của công trình, nhấn mạnh rằng tương lai của loài người sẽ phụ thuộc phần lớn vào phương thức mà con người áp dụng để giải quyết hài hòa giữa việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội, qua đó duy trì sự phát triển bền vững và lâu dài.
Theo ban tổ chức giải thưởng, “Sự biến mất của sự sống” là công trình nghiên cứu đầu tiên đánh giá nguy cơ tuyệt chủng của từng loài, đồng thời xem xét nguy cơ này đối với toàn bộ các chi thuộc loài đó. Đây cũng như là công trình khoa học đầu tiên đánh giá tốc độ tuyệt chủng ở cấp độ cao hơn loài.
Trái Đất đã trải qua 5 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trong suốt lịch sử 4,5 tỷ năm. Đầu tiên là sự kiện tuyệt chủng Ordovic-Silur vào khoảng 444 triệu năm trước, trong khi đó, sự kiện gần nhất và cũng là nổi tiếng nhất xảy ra cách đây 66 triệu năm khi tiểu hành tinh Chicxulub, rộng khoảng 12km, đâm vào Trái Đất ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Yucatán của Mexico ngày nay với vận tốc ước tính 70.000 km/h.
Sự kiện này không chỉ quét sạch loài khủng long, mà còn để lại một miệng núi lửa rộng hơn 190km cũng như gây ra một trận sóng thần khổng lồ và đốt cháy mọi cánh rừng trên bất kỳ vùng đất nào trong bán kính 1.500km sau vụ va chạm. Ngoài ra, bụi và các mảnh rác phun ra bầu khí quyển cũng dẫn đến sự nguội lạnh toàn cầu và khiến các hệ sinh thái gần như sụp đổ ngay lập tức. Thảm kịch đã dẫn đến việc xoá sổ khoảng 76% số loài sinh vật trên thế giới.