Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 07/09/2023 17:12 (GMT+7)

Mức tăng học phí ngoài công lập không được vượt 10% năm học trước

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn chi tiết nội dung thu chi năm học mới gồm học phí và các khoản thu khác như đồng phục, dạy thêm học thêm, kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.

Mức tăng học phí ngoài công lập không được vượt 10% năm học trước

Ảnh minh họa.

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội về quản lý thu chi năm học 2023-2024, các cơ sở giáo dục công lập sẽ thực hiện theo Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2023-2024. Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác, có trách nhiệm thuyết minh chi phí giáo dục, lộ trình và tỷ lệ tăng học phí các năm tiếp theo.

Theo đó, tỷ lệ tăng hằng năm không quá 10% đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Các thông tin này phải được công khai và giải trình với người học và xã hội. Đối với các khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu thực hiện theo Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên. Cha mẹ học sinh hoặc ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo đúng quy định tại Thông tư và các quy định khác của nhà trường.

Với việc dạy thêm, học thêm, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các Điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố Hà Nội và các văn bản liên quan khác.

Công văn cũng lưu ý các nhà trường quyết toán tiền học thêm đúng quy định hiện hành. Mức chi và tỉ lệ phân bổ chi phải được thông qua hội đồng trường và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ hằng năm của đơn vị. Về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.

Cụ thể ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản sau: bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường; bảo đảm an ninh, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp - trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc thiết bị đồ dùng dạy học cho trường, lớp, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Ngoài ra, việc thu chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải công khai, dân chủ. Không được quy định mức kinh phí bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Cùng chuyên mục

Lối rẽ nào cho thí sinh trượt lớp 10 công lập?
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập là kỳ thi quan trọng, do đó nhiều thí sinh không tránh khỏi sự áp lực. Tuy nhiên, nếu không may trượt lớp 10, học sinh vẫn có nhiều lựa chọn khác để tiếp tục học tập và phát triển.

Tin mới

Không tái ký hợp đồng lao động, công ty phải báo trước bao nhiêu ngày?
Theo quy định của pháp luật, công ty phải thông báo trước bao lâu về thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động để người lao động được biết? Trường hợp, mai hết hạn hợp đồng lao động nhưng nay công ty mới thông báo cho người lao động về việc không ký tiếp hợp đồng thì có được hay không?
Người đi bộ vi phạm giao thông sẽ bị xử lý thế nào?
Khi lái xe trên đường cao tốc, tôi thấy nhiều người đi bộ bắt xe, đi bộ tập thể dục trên làn đường khẩn cấp của đường cao tốc, hành vi này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Bộ Công an cho hỏi, nếu người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị xử lý như thế nào?