New Zealand: Phát hiện 100 loài sinh vật dưới biển sâu mới
Các nhà nghiên cứu biển đã phát hiện khoảng 100 loài sinh vật mới tiềm năng dưới biển sâu hàng ngàn mét ở vùng biển Bounty Trough, ngoài khơi bờ biển Đảo Nam của New Zealand.
Nhóm thám hiểm tập trung điều tra vào máng Bounty dài 800 km, một phần đại dương ít được khám phá nằm ngoài khơi New Zealand, phía đông Đảo Nam.
Chuyến đi kéo dài ba tuần của các nhà khoa học trên tàu nghiên cứu Tangaroa, thuộc Viện Nghiên cứu Khí quyển và Nước Quốc gia của New Zealand (NIWA), diễn ra vào tháng 2 vừa qua.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập gần 1.800 mẫu vật từ độ sâu tới 4.800 mét, tìm ra các loài cá, mực, động vật thân mềm và san hô mà họ tin là mới đối với khoa học.
Theo các nhà khoa học, hàng chục loài thân nhuyễn, ba loài cá, một loài tôm và một loài động vật thân mềm săn mồi nằm trong số những loài mới đã được tìm thấy trong chuyến thám hiểm.
Ước tính có hơn 2 triệu loài sống ở đại dương, nhưng chỉ có 10% sinh vật ở đại dương được biết đến. Tiến sĩ Alex Rogers, một nhà sinh vật học biển và là người đứng đầu cuộc thám hiểm cho biết điều quan trọng là phải tìm hiểu thêm về đời sống thủy sinh vì hệ sinh thái biển thực hiện các chức năng hỗ trợ sự sống trên Trái đất, như tạo ra thức ăn cho hàng tỷ người, lưu trữ carbon và điều hòa khí hậu.
Cũng theo Tiến sĩ Rogers, để có thể quản lý các hoạt động của con người nhằm ngăn chặn sự suy giảm liên tục của sinh vật biển hiện nay, chúng ta cần hiểu rõ hơn về sự phân bố của sinh vật biển. Đồng thời, ông nhấn mạnh ở nhiều vùng nước, vẫn còn rất nhiều điều mà các nhà khoa học phải tìm hiểu.