Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 10/10/2022 11:58 (GMT+7)

Ngân hàng phá sản, người gửi tiết kiệm có rút được tiền?

Gửi tiền vào ngân hàng có thực sự an toàn tuyệt đối? Nếu ngân hàng phá sản, người gửi tiết kiệm có rút được tiền? Pháp luật quy định thế nào về vấn đề này?

Ngân hàng có phá sản được không?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, phá sản là việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị tuyên bố phá sản bởi Toà án.

Tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010, nước ta cho phép ngân hàng, các tổ chức tín dụng được yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản. Theo đó, một ngân hàng có thể bị coi là phá sản khi ngân hàng đó rơi vào trạng thái mất khả năng thanh toán, không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính với khách hàng.

Trên thực tế, ở Việt Nam vẫn chưa có ngân hàng nào phá sản. Bởi để một ngân hàng phá sản là điều khá khó khăn. Ngay khi phía ngân hàng thương mại hoạt động không tốt thì phía ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo nhiều biện pháp để cứu vãn. Đồng thời, thủ tục phá sản cũng tương đối phức tạp với nhiều biện pháp phục hồi.

Theo Điều 155, Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn lâm vào tình trạng phá sản, thì tổ chức tín dụng đó làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản.

Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về phá sản.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Ngân hàng phá sản, người gửi tiết kiệm có rút được tiền?

Nếu ngân hàng phá sản, người gửi có thể sẽ không rút lại được toàn bộ số tiền mình đã gửi mà chỉ nhận lại được một khoản tiền bảo hiểm đền bù.

Theo Điều 6, Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012, các ngân hàng nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ ngân hàng chính sách.

Trong đó, Điều 4, Luật này giải thích:

- Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

- Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

- Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi của cá nhân.

- Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

- Phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để bảo hiểm cho tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi, theo Quyết định 32/2021/QĐ-TTg, số tiền tối đa bảo hiểm trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (cả gốc và lãi) của một người tại một ngân hàng khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.

Theo đó, nếu ngân hàng phá sản thì người gửi tiền sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 125 triệu đồng.

Bên cạnh việc nhận tiền bảo hiểm, người gửi còn có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng khi phá sản sẽ được ưu tiên chi trả lần lượt cho các đối tượng lần lượt như sau: Chi phí phá sản; Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT và các quyền lợi của người lao động. Sau đó mới đến các khoản tiền gửi.

Cùng chuyên mục

Những đơn vị tiếp nhận xử lý thông tin về vi phạm giao thông
Thời gian qua, một số trường hợp người dân cung cấp thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm trên mạng xã hội đã được CSGT ghi nhận, xác minh, xử lý. Vậy, lực lượng Công an có đầu mối tiếp nhận các loại thông tin này để người dân cung cấp trực tiếp không? Hướng dẫn cụ thể thế nào?

Tin mới

Khởi tố điều tra vụ chìm tàu kéo, lật sà lan trên vùng biển Lý Sơn
Ngày 17/5, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Quảng Ngãi) đã có quyết định khởi tố vụ án tai nạn đường thủy làm 4 người chết, 5 người mất tích về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy" theo Điều 272, Bộ luật Hình sự.
Cảnh báo thuốc lá điện tử chứa ma túy 'đầu độc' giới trẻ
Theo Bộ Công an, tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử có pha trộn, phun tẩm ma túy (cần sa tổng hợp) đang diễn biến phức tạp, nhất là trên không gian mạng. Đối tượng sử dụng chủ yếu là giới trẻ. Số vụ, số đối tượng, tang vật bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ tăng mạnh về số lượng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.