Nghệ An: Dân còn nộp tiền chở rác đi, xã lại tự ý mang chất thải về?
Trước việc hàng ngàn tấn đất bùn thải được chở đến đổ gần khu dân cư. Người dân nơi đây bức xúc phản ánh “dân chúng tôi còn nộp tiền chở rác đi, sao chủ tịch xã lại mang chất thải về”?
Sau khi Môi trường và Đô thị phản ảnh bài viết “Nghệ An:Dân tố Doanh nghiệp ngang nhiên đổ hàng trăm tấn bùn thải” đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, lên án quyết liệt đối với doanh nghiệp vô trách nhiệm gây ô nhiễm môi trường. Ngay sau đó, chính quyền xã Diễn Đoài vào cuộc ngăn cấm các chuyến xe chở chất thải vào địa phương. Nhưng chỉ được một thời gian mọi việc đâu lại vào đó khiến cuộc sống người dân tiếp tục bị đảo lộn. Về phía dự án khăng khăng là hồ sơ thiết kế cho phép đổ thải nơi đây.
Doanh nghiệp đổ hàng trăm tấn đất bùn thải ở xã Diễn Đoài (Diễn Châu - Nghệ An) là Công ty TNHH Hoàng Sơn. Công ty này có địa chỉ tại TT. Diễn Châu và đang thi công Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An.
Qua tìm hiểu của nhóm PV, tình trạng người dân sống chung với bụi bặm và nỗi lo ô nhiễm nghiêm trọng đã kéo dài hơn 1 năm qua. Theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An số 958/QĐ-SNN-QLXD, ngày 12/4/2018 về Dự án gói thầu KT2: Hệ thống kênh tiêu thuộc hợp phần 1, khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi bắc Nghệ An có mức vốn đầu tư ban đầu là: 154.725.799.000đ, Trong đó: chi phí xây lắp: 137.882.215.000đ, chi phí thiết bị: 1.767.267.000 đồng, chi phí quản lý dự án 148.190.000đ, chi phí khác 6.373.641.000 đồng, chi phí dự phòng 8.554.486.000 đồng.
Ban QLDA Nông Nghiệp & PTNT cho rằng phần nạo vét bùn, đất hệ thống kênh tiêu Cách ly Vách Bắc, kênh tiêu Vách Bắc lại đưa dự toán vào bãi đổ đất thải ở xóm 11, xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu với trữ lượng trên 800.000m3. Sau khi nạo vét đưa lên bãi tạm trên bờ tập kết rồi vận chuyển dần ra bãi thải xã Diễn Đoài. Theo hồ sơ thu thập được của phóng viên, việc đổ chất thải tại xóm 11 xã Diễn Đoài của Công ty TNHH Hoàng Sơn chỉ dựa vào biên bản thống nhất giữa một mình Chủ tịch UBND xã Diễn Đoài là ông Phạm Khắc Biển (nay là Phó Trưởng ban tổ chức huyện ủy Diễn Châu) và một cán bộ thiết kế đại diện cho đơn vị khảo sát thiết kế ký kết ngày 05/09/2017 liệu có đúng với quy định hay không. Bởi lẽ, bãi đổ chất thải này với một trữ lượng rất lớn (trên 800.000 m3). Mặt khác, khu vực này nằm ở đầu nguồn gần khu dân cư mà cán bộ và nhân dân xóm 11 không hề biết và thông qua. Tân Chủ tịch xã Diễn Đoài ông Nguyễn Thái Tuấn và cán bộ công chức địa chính môi trường cũng không hề hay? Như vậy, thời ông Phạm Khắc Biển - Chủ tịch xã Diễn Đoài có lạm quyền, "đơn phương độc mã" tự thỏa thuận, thống nhất với doanh nghiệp ký kết mang chất thải về đổ trên địa bàn?
Bùn, đất thải là loại chất có hàm lượng kim loại nặng trong bùn đất, thuộc loại bụi mịn được tích tụ ở đáy lòng sông, suối với nhiều loại chất thải từ các nguồn đổ về như xác động vật, các chất sắt, hóa chất được phân hủy và tạo thành một khối bề dày bùn, đất nằm dưới lòng sông. Với những loại chất thải hỗn hợp này khi nạo vét lên bờ cần phải được xử lý đúng quy chuẩn, phải được đánh giá tác động môi trường trước khi tập kết đến bãi thải, như vậy mới bảo vệ được môi trường.
Trao đổi với PV, Ông Nguyễn Duy Trung - Xóm trưởng xóm Xuân Sơn, xã Diễn Đoài và nhiều hộ dân sinh sống hai bên đường QL7 gần bãi đổ thải bức xúc nói: “Dân chúng tôi thì nạp tiền cho UBND xã để chở rác thải đi ra khỏi địa phương, Chủ tịch UBND xã lại cho họ đưa chất thải đất, bùn được vét từ đáy sông đưa về địa phương để tập kết, đúng là vô lý thật, bản thân tôi là xóm trưởng mà không hề hay biết là UBND xã lại quy hoạch bãi tập kết chất thải trên địa bàn xóm chúng tôi, chứ đừng nói đến nhân dân hiện đang sinh sống nơi đây lại càng không biết gì. Hàng ngày nhân dân chúng tôi phải gánh chịu những chiếc xe tải chở đầy đất, bùn thải không phủ bạt rơi vãi đầy dọc tuyến đường 7 kéo dài hàng cây số”.
“Ngược lại, khi xe đi từ trong bãi ra bánh xe dính đầy bùn đất tha hết ra đường, khi các xe khác chạy qua bụi mù trời, mùa nắng thì bốc mùi hơi bùn nồng nặc, mùa mưa thì lầy lội, nhà cửa, sân vườn, cây cối đều chuyển qua màu bạc đen do bụi phủ kín. Qua các kỳ họp tiếp xúc HĐND xã chúng tôi đã nhiều lần phản ảnh nhưng đến nay vẫn không được giải quyết. Bên cạnh đó con đường đi vào bãi đổ thải là đất nông nghiệp do nhân dân chúng tôi tự đắp lên để đi lại làm ruộng chứ không phải đường của xã hay của dự án”. Người dân bức xúc nói!
Để bảo vệ cuộc sống, sức khỏe cho nhân dân nơi đây, thiết nghĩ các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An không thể thờ ơ, cần kịp thời vào cuộc làm rõ. Đồng thời, có biện pháp khắc phục và xử lý mạnh tay đối với các tổ chức, cá nhân xem thường tính mạng người dân. Đặc biệt là phải đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng như các thủ tục liên quan đến bãi tập kết chất thải, tránh tình trạng hồ sơ một đường nhưng thực tế một nẻo, khi mọi việc đã rồi thì đổ lỗi cho nhau, thậm chí không ai chịu trách nhiệm, cuối cùng người dân sinh sống lân cận phải còng lưng gánh chịu.
Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục thông tin!