Nghệ An: Hàng loạt sai phạm tại nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel Cừa, Tân Kỳ
Không chỉ ngang nhiên lấn chiếm, sử dụng đất vượt phạm vi, diện tích được cho thuê, nhà máy gạch ngói tuynel Cừa còn tồn tại hàng loạt vấn đề về môi trường, quy hoạch, xây dựng, nguồn nguyên liệu…
Ngang nhiên chiếm dụng hàng ngàn m2 đất của dân
Ngày 4/9/2015, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định số 3942/UBND.XD cho phép khảo sát địa điểm, lập quy hoạch xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) tại xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ. Dự án do công ty TNHH Mậu dịch Quốc doanh Cừa (gọi tắt là Cty Cừa, có trụ sở tại xóm Thắm, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ do bà Ngô Thị Hòa làm giám đốc kiêm CT HĐQT) làm chủ đầu tư.
Tháng 3/2016, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục có quyết định số 234/QĐ-UBND.ĐC cho phép Cty Cừa thuê với diện tích 21.245,4m2 (trong đó có 497,0m2 đất nằm trong hành lang điện 220KV) để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà máy sản xuất VLXD. Thời hạn sử dụng đất 70 năm, hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.
Vị trí, ranh giới khu đất khu đất xác định theo Trích lục và đo vẽ bổ sung bản đồ địa chính khu đất số 57/2016/BĐĐC/VPĐK được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 06/3/2016. Ngày 12/5/2016, Cty Cừa được giám đốc Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận QSDĐ thuộc thửa đất số 521, tờ bản đồ số 15, diện tích 21.245,4m2. Sau khi được giao đất, hoàn thành các thủ tục, ngày 22/7/2016, Cty Cừa được cấp giấy phép xây dựng số 87GP/SXD. Tuy nhiên Cty Cừa đã chậm tiến độ nhiều năm, mãi đến đầu năm 2021, nhà máy gạch ngói Cừa mới hoàn thành, đưa vào sản xuất.
Vị trí, ranh giới, diện tích rõ ràng là thế nhưng Cty Cừa đã bất chấp pháp luật, xem thường quyền lợi của người khác khi ngang nhiên lấn chiếm, sử dụng hàng ngàn m2 đất của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Sâm (SN 1958, ngụ khối 9, TT Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ).
Theo đơn thư của bà Sâm và các tài liệu xác minh cho thấy, vào năm 1998, bà Sâm và chồng là ông Hoàng Anh Việt (đã mất) đến khe nước cầu xóm Thắm, xã Nghĩa Hoàn mua lại đất khai hoang của một số hộ dân để làm lò gạch ngói thủ công Cừa. Sau khi có đất, gia đình bà và một số hộ dân đã xây dựng lò, sản xuất gạch ngói an sinh trong gần 20 năm. Đến những năm 2016-2017, nhà nước có chủ trương dừng hoạt động các lò ngói thủ công có nguy cơ gây gây ô nhiễm môi trường, thì gia đình bà và các hộ dân mới dừng hẳn.
Sau khi nghỉ hoạt động lò ngói, đời sống gia đình bà Sâm gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân bà già yếu, con cái lại không có nghề nghiệp ổn định, chồng mất sớm nên bà không biết tìm nguồn thu nhập ở đâu. Mặc dù bà đã chấp hành chủ trương, pháp luật nhà nước trong việc đóng lò ngói nhưng vấn đề hỗ trợ, chuyển đổi nghề cho đến nay, gia đình bà và một số hộ dân vẫn…nằm trên giấy.
Nhưng điều đó cũng không khiến bà buồn phiền, bức xúc bằng việc hai thửa đất (số 154 và số 187, tờ bản đồ số 15, diện tích 2.731 m2) làm lò ngói trước đây thuộc quyền sở hữu của gia đình bà bỗng nhiên bị Cty Cừa ngang nhiên san ủi, chiếm dụng. Cty này đã xây dựng các hạng mục nhà máy trên phần diện tích được nhà nước cho thuê, nhưng lại san ủi, tập kết vật liệu xây dựng, đất sét trên phần lớn diện tích của gia đình bà Nguyễn Thị Sâm quản lý.
Điều đặc biệt là giữa ranh giới 2 khu đất, còn có một con đường rộng 5m ngăn cách giữa nhà máy và hai thửa đất bà Sâm rất rõ ràng, nhưng cty Cừa đã ngang nhiên san ủi, lấn chiếm hết. Từ đầu năm 2021 đến nay, nhà máy Cừa liên tục cho xe cộ, máy móc hoạt động ầm ầm trên khu đất lấn chiếm trái phép này.
Sai phạm rõ ràng, xã – huyện “loay hoay” xử lý?
Sau khi phát hiện việc chiếm dụng đất đai trái phép, bà Nguyễn Thị Sâm đã yêu cầu nhà máy chở đất nguyên liệu ra khỏi thửa đất của mình, trả lại hiện trạng như ban đầu. Tuy nhiên Cty Cừa đã không chấp hành, ngược lại còn thách thức gia đình bà Sâm kiện lên các cơ quan chức năng. Bà Sâm bức xúc: “Sau khi nghỉ lò ngói thủ công theo chủ trương của nhà nước, chúng tôi đã mất việc làm, không còn kế sinh nhai, chỉ còn miếng đất mong chuyển đổi nghề kiếm thêm thu nhập nuôi sống cho gia đình. Vậy mà Cty Cừa đã ngang nhiên chiếm dụng, không trả lại cho chúng tôi. Hai miếng đất tách biệt nhau, đã được Nhà nước xác định vị trí, ranh giới cụ thể chứ có phải đất hoang đâu mà họ lại làm như chốn không người vậy? Gia đình tôi yêu cầu Cty Cừa chấp hành pháp luật, trả lại khu đất nguyên hiện trạng như ban đầu. Nếu họ có nhu cầu thuê để mở rộng nhà máy, thì phải liên hệ gia đình chúng tôi chứ không thể xem thường pháp luật vậy được”.
Sau nhiều lần không nhận được phản hồi từ nhà máy, đầu năm 2021 bà Nguyễn Thị Sâm đã làm đơn khiếu nại gửi lên UBND xã Nghĩa Hoàn, UBND huyện Tân Kỳ và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên điều hết sức “lạ lùng” là một sự việc sai phạm rõ ràng như thế, nhưng từ UBND xã Nghĩa Hoàn, cho đến UBND huyện Tân Kỳ vẫn “loay hoay” nhiều tháng nay không xử lý được dứt điểm. Phải chăng Cty Cừa có thế lực quá lớn với nhiều mối quan hệ hay lãnh đạo xã Nghĩa Hoàn, UBND huyện Tân Kỳ bất lực, yếu kém?
Sau nhiều tháng “ăn chực nằm chờ”, đi lên đi xuống, ngày 21/4/2021, đại diện UBND xã Nghĩa Hoàn gồm ông Nguyễn Đình Hưng – Chủ tịch UBND xã, ông Ứng Hồng Phong, địa chính môi trường, cùng với công an, địa chính xây dựng, đại diện xóm đã đến làm việc với bà Ngô Thị Hòa – Giám đốc Cty TNHH Mậu dịch Quốc doanh Cừa và bà Nguyễn Thị Sâm – người bị lấn chiếm đất đai.
Trong biên bản được lập vào hồi 10 giờ 30 ngày 21/4/2021 thể hiện nội dung: “…Căn cứ vào Quyết định số 19/QĐ.UBND-CN ngày 5/1/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại xóm Thắm, UBND xã tiến hành đo đạc và thống nhất diện tích sử dụng của nhà máy đã được phê duyệt và cấp bìa thì nhà máy sử dụng trong phạm vi Quy hoạch; phần đất còn lại ngoài khu vực nhà máy thì đề nghị công ty tạm dừng việc vận chuyển đất đai nằm trên phần đất của bà Nguyễn Thị Sâm…”
Biên bản cũng kết luận: “Đề nghị công ty MDQD Cừa tạm dừng mọi hoạt động chở đất ngoài khu vực nhà máy đã được phê duyệt; trong phần đất còn đang tranh chấp. Nếu công ty không thực hiện UBND xã sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Đề nghị công ty không đổ đất trên phần đất tranh chấp của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Sâm”.
Biên bản được lập và các bên đồng ý ký tên, trong đó có bà Ngô Thị Hòa - giám đốc nhà máy. Tuy nhiên ngay sau đó, nhà máy này vẫn bất chấp mọi quy định, tiếp tục cho xe tải, máy xúc đổ đất sét, ản ủi trên phần đất thuộc sở hữu của gia đình bà Nguyễn Thị Sâm. Mặc dù việc làm sai trái của Cty Cừa tiếp tục được tái diễn, không thực hiện như biên bản được lập nhưng cho đến nay, UBND xã Nghĩa Hoàn vẫn không có một quyết định xử phạt hay hình thức xử lý nào. Dư luận đặt câu hỏi phải chăng có sự bao che, ngấm ngầm “im lặng” cho các hành động sai trái tại nhà máy gạch ngói Cừa của lãnh đạo UBND xã Nghĩa Hoàn?
Trong quá trình khiếu nại, tố cáo việc làm sai trái của nhà máy gạch ngói Cừa cũng như dấu hiệu bao che của xã Nghĩa Hoàn, bà Nguyễn Thị Sâm còn phát hiện một “hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ” giả mạo được lập ngày 30/4/2015 nhằm chiếm đoạt đất đai của gia đình bà.
Cụ thể, hợp đồng có nội dung: Ông Hoàng Ngọc Nam (con trai bà Sâm) và bà Vũ Thị Hạnh Nga (con dâu bà Sâm) chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất sử dụng để sản xuất gạch ngói (2.500m2) và tài sản trên đất gồm 9.117,4m3 đất nguyên liệu, 1 lò nung với tổng giá trị 1.397.046.250 đồng cho ông Hoàng Ngọc Bính (lúc này ông Bính đang làm giám đốc nhà máy Cừa chưa chuyển qua bà Hòa).
Hợp đồng chuyển nhượng được lập thành 3 bản, có chữ ký, dấu xác nhận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên theo ông Hoàng Ngọc Nam, ông và vợ không ký hợp đồng chuyển nhượng đất và tài sản trên đất cho nhà máy Cừa. Bởi tài sản là của bố mẹ, vợ chồng ông không có quyền định đoạt. Vì vậy hợp đồng chuyển nhượng ghi ngày 30/4/2015 là giả mạo, họ lập lên để nhằm chiếm đoạt đất đai gia đình.
Đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Đình Hưng – Chủ tịch xã Nghĩa Hoàn thì ông Hưng thừa nhận hợp đồng không có hiệu lực pháp luật bởi chữ ký của bên chuyển nhượng là ông Hoàng Ngọc Nam và bà Vũ Thị Hạnh Nga là giả. Tuy nhiên lúc đó do sơ suất của cán bộ tham mưu nên tôi đã ký vào. Thực ra họ làm cái này (hợp đồng-pv) để hợp thức hóa vay ngân hàng chứ không phải mua bán gì.
Còn ông ứng Hồng Phong ,cán bộ địa chính môi trường xã Nghĩa Hoàn cũng thừa nhận sai sót trong việc tham mưu chủ tịch xã ký hợp đồng chuyển nhượng ngày 30/4/2015. Tuy nhiên trách nhiệm đến đâu thì chờ cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Về vấn đề nhà máy Cừa chiếm dụng đất đai trái phép của bà Nguyễn Thị Sâm, ông Hưng cho biết xã sẽ xin ý kiến cấp trên xử lý trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên đã nhiều tháng trôi qua, những tồn tại trên vẫn không được xử lý dứt điểm. Cty MDQD Cừa vẫn bất chấp pháp luật, chiếm dụng hàng ngàn m2 đất của người dân một cách trái phép.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin tới bạn đọc./.