Người đàn ông bị xích suốt 30 năm: Từng là nỗi ám ảnh của nhiều người
Trên chiếc ghế nhựa, ông Mới Anh (ngụ huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) đưa ánh mắt đờ đẫn nhìn người đến thăm. Suốt 30 năm chưa có lấy một ngày tỉnh táo, ông đã sống bằng tình thương của gia đình.
Cuộc đời đầy biến cố
"Anh Hai... anh Hai... ăn cơm", bà Nhiệm cất giọng. Ông Mới Anh nhìn ra cửa sổ, ánh mắt đờ đẫn và không đáp trả. Người phụ nữ thở dài: "Cơm canh để đó, có khi ảnh ăn, có khi không".
Bà Nhiệm (ngụ huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) là em dâu của ông Mới Anh. Suốt 30 năm qua, người đàn ông này đã bị xích lại do mang bệnh tâm thần, thường xuyên đánh những người xung quanh. Chỉ vài năm trở lại đây, nhờ một mạnh thường quân góp tiền, gia đình mới có thể xây cho ông một căn phòng biệt lập và tươm tất hơn.
Hơn 30 năm trước, ông Mới Anh từng đi lính tại chiến trường Campuchia. Khi trở về nhà, người ông lúc nào cũng ngơ ngơ, ngẩn ngẩn. Sau đó, ông lấy vợ và sinh con. Những tưởng khi có gia đình, tinh thần ông sẽ ổn định hơn nhưng bệnh lại ngày càng nặng.
Ông Mới Em (em ruột ông Mới Anh) cho biết: "Ngày trước, anh ấy là một người hiền lành và tử tế. Khi đi lính về, bằng khen của ảnh nhiều lắm. Nhưng rồi căn bệnh thần kinh đã khiến anh ấy ngày càng tệ đi, sức khỏe suy yếu. Nửa đêm, anh ấy bóp cổ vợ, đòi giết chị dâu tôi. Lần khác, ông ấy lấy dao và làm chị ấy bị thương.
Sinh con xong, chị dâu tôi mới sang thưa với má rằng cho trở về nhà mẹ ruột bởi không thể cứ tiếp tục sống trong lo sợ. Má tôi nuốt nước mắt chấp nhận. Kể từ đó, đứa nhỏ con ảnh đưa cho vợ tôi chăm sóc".
Biến cố kinh hoàng nhất là vào năm 1998. Khi đó, bà Nhiệm đang ngồi đưa võng cho con của ông Mới Anh ngủ. Sau khi quay mặt đi vào nhà trong lấy đồ, ông Mới Anh từ ngoài đi vào trong, ôm con thảy vào góc cột nhà. Cú quăng quật đã làm đứa nhỏ tử vong, bà Nhiệm kêu lên thảm thiết.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã có mặt để tiến hành điều tra vụ án, ông Mới Anh cũng bị bắt giam. Suốt 1 năm ròng rã, ông đã được đưa đến Biên Hòa để giám định tâm thần. Cuối cùng, anh Mới Anh lại được đưa về nhà điều trị.
"Là anh em, ai nỡ bỏ ruột thịt của mình..."
Sau sự việc đó, bà Nhiệm đã bị ám ảnh suốt một thời gian dài. Bà vẫn thường hay nhớ về đứa cháu bé bỏng đã qua đời. "Tôi rất thương nó, tôi không ngờ chỉ một phút quay đi, mọi chuyện lại thành ra như vậy... Đứa nhỏ nó có tội tình gì đâu. Khi quăng con xong, anh Mới Anh như chẳng biết chuyện gì xảy ra. Ảnh vẫn bước ra ngoài, đi lại như bình thường", bà Nhiệm nói.
Ông Mới Anh khi về chung sống với gia đình đã trở thành nỗi khiếp sợ với bà con, xóm giềng. Mọi người lại kháo nhau không dám đến gần khu vực nơi ông sinh sống, tránh chuyện đáng tiếc xảy ra lần nữa.
Không còn cách nào khác, gia đình đành xích ông lại nơi góc nhà. Gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Bà Nhiệm nói: "Bình thường, anh ấy không chịu nói chuyện với ai hết, cứ im im lầm lì. Tôi hỏi ăn cơm không, khi anh ấy trả lời, khi lại không. Tôi thường cố gắng nói chuyện thật nhiều khi bước vào gian phòng ấy".
Suốt 30 năm qua, kể từ khi về làm dâu gia đình ông Mới Anh, bà đã nhận trách nhiệm chăm sóc cho anh chồng. Bà nấu cơm, rót nước, dọn dẹp cả những khi ông Mới Anh không làm chủ được mình mà phóng uế bừa bãi...
Ông Mới Em (chồng bà Nhiệm) cho rằng, anh em là máu mủ, ruột rà nên chưa bao giờ, hai vợ chồng ông có thể bỏ rơi anh trai. Thông thường, ông Mới Anh sẽ không bao giờ chịu cắt tóc, cạo râu hay tắm táp... Phải có khách ghé thăm, khuyên nhủ ông mới chịu ngồi yên để cắt.
"Chú, chú có nhận ra ai không?"... Ông hướng mắt ra ngoài cửa sổ, nhìn một số người ghé thăm rồi gật đầu, không nói lời nào. Trước hiên nhà, từng vạt nắng chiều đổ xuống, vợ chồng ông Mới Em lại tỉ mỉ người cắt tóc, người cạo râu cho anh trai. Người đàn ông hơn 60 tuổi bỗng chốc trở thành một đứa trẻ, cứ ngồi yên lặng lẽ nhìn mọi người xung quanh nói cười...