Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 27/06/2023 08:27 (GMT+7)

Nhiều trẻ biến chứng viêm não, thần kinh vì mắc tay chân miệng chủng virus EV71

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ghi nhận tới 20% - 30% trường hợp mắc bệnh tay chân miệng do nhiễm chủng virus EV71; nhiều trường hợp biến chứng viêm não, thần kinh.

tm-img-alt
Trẻ mắc tay chân miệng phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: PV.

Gần 1/3 trường hợp nhiễm chủng EV71

Bé A.N (26 tháng, Bắc Giang) bị sốt cao không hạ, xuất hiện nhiều nốt ban đỏ ở tay, chân và miệng, hay giật mình, nên được mẹ đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương khám và được chẩn đoán mắc tay chân miệng, đã có biến chứng viêm não.

Mẹ bé A.N chia sẻ: “Đầu năm con tôi đã mắc tay chân miệng, nhưng điều trị tại nhà vài ngày là khỏi, nên lần này khi bé mắc lại, tôi không nghĩ là bị nặng như vâỵ, cũng may là được điều trị kịp thời, nên hiện tại con đã tỉnh táo và ổn định trở lại”.

Cũng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì biến chứng bệnh tay chân miệng, bé M.Q (12 tháng, Vĩnh Phúc), được chẩn đoán mắc tay chân miệng chủng virus EV71, cũng đã biến chứng sang viêm não. Trước đó, do chủ quan, gia đình nghĩ bé Q. bị sốt mọc răng nên không cho con đi khám sớm.

Theo đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám; gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong đó, có tới 20% - 30% trường hợp mắc bệnh tay chân miệng do nhiễm chủng virus EV71.

Các biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng về thần kinh, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên, năm nay Bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ và cuối giấc ngủ; ngoài ra còn có biểu hiện là run chi, đi lại loạng choạng…

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Có 2 nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là: Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong đó, các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà; còn chủng virus EV71 thường gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời”.

Theo dõi sát các biểu hiện nặng

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo: Có một số trẻ khi mắc tay chân miệng chỉ có một số biểu hiện như: Loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu gia đình không chú ý sẽ rất khó phát hiện. Đa phần trẻ mắc bệnh có diễn biến nhẹ, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm như: Sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.

Vì vậy, khi phát hiện trẻ mắc bệnh tay chân miệng, gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến điều trị kịp thời, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Theo đó, trẻ mắc tay chân miệng nhẹ chỉ có thể điều trị tại nhà khi trẻ có tổn thương ở da kèm sốt hoặc không kèm sốt. Đồng thời, phụ huynh phải được hướng dẫn đầy đủ cách chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng; các cách phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

Bác sĩ cũng lưu ý, khi nào trẻ mắc tay chân miệng có những dấu hiệu trở nặng, cha mẹ cần đưa ngay con tới cơ sở y tế để kịp thời điều trị, tránh biến chứng nặng. Cụ thể, trẻ mắc tay chân miệng có các dấu trở nặng khi có các biểu hiện như: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ…; trẻ giật mình nhiều (từ 2 lần trở lên trong 30 phút); trẻ vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; trẻ thở nhanh, thở bất thường như: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè...; trẻ bị run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng…

Đặc biệt, theo các bác sĩ, hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Mỗi lần trẻ nhiễm bệnh chỉ tạo ra được kháng thể với một loại virus nhất định. Vì vậy trẻ vẫn có thể mắc tay chân miệng trở lại nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus. Vì vậy, người dân luôn phải lưu ý việc phòng bệnh cho trẻ, phòng lây nhiễm trong cộng đồng.

Để phòng bệnh tay chân miệng, người dân cần thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày; với người lớn, cần rửa tay sạch sẽ trước khi bế ẵm trẻ, trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ.

Người dân thực hiện ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng.

Người lớn không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, dùng chung khăn tay, vật dụng ăn uống và đồ chơi khi chưa được khử trùng. Đồng thời, trong gia đình thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như: Đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, sàn nhà, tay vịn cầu thang… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Đặc biệt, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng để tránh lây nhiễm.

Cùng chuyên mục

Bệnh lao trẻ em: Hiểu đúng để điều trị sớm
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, số trẻ mắc lao chiếm từ 10-12% tổng số bệnh nhân lao mới và lao tái phát hằng năm. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 10,6 triệu ca mắc lao mới trong đó có 1,2 triệu ca ở trẻ em dưới 15 tuổi và khoảng 13.000 trẻ em mắc lao các thể cần điều trị.
Bộ Y tế tiếp tục cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành hơn 1.000 loại thuốc
Cục Quản lý Dược vừa có quyết định ban hành danh mục 881 thuốc sản xuất trong nước được gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, bao gồm 595 thuốc sản xuất trong nước được gia hạn giấy đăng ký lưu hành trong thời gian 5 năm và 285 thuốc sản xuất trong nước được gia hạn giấy đăng ký lưu hành trong thời gian 3 năm.
Các mức độ men gan tăng cao cần biết
Men gan tăng cao thường là dấu hiệu của tổn thương tế bào gan, có thể xảy ra với nhiều bệnh lí có mức độ nghiêm trọng khác nhau. Vậy các mức độ men gan tăng nguy hiểm như thế nào?...

Tin mới

Shark Bình: Từ 2 triệu tiền viết phần mềm thuê, mua máy tính nhờ tiền bán đất đến 'cá mập' Shark Tank
Bà Phạm Thị Kim Hòa, mẹ của Shark Bình, chia sẻ rằng niềm đam mê công nghệ thông tin của con trai bà đã được bộc lộ từ khi còn học phổ thông. Khi ấy, để con trai có thể theo đuổi đam mê, bà đã không ngần ngại bán đi hai mảnh đất để mua cho Bình chiếc máy tính đầu tiên.