Những điều cần biết trước, sau khi tiêm vaccine Covid-19 và tất cả những triệu chứng có thể gặp phải
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã trả lời, giải thích về nhiều khúc mắc của mọi người liên quan đến vấn đề tiêm Vaccine Covid-19.
Từ ngày 19/6, TP HCM đã bắt đầu đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 lần thứ 4, đợt lớn nhất từ đầu mùa dịch. Dự kiến đợt tiêm chủng này kéo dài 5-7 ngày tại 1.000 điểm tiêm. Công nhân là những người được ưu tiên tiêm trước.
Trước đợt tiêm chủng lớn này, nhiều người vẫn có nhiều thắc mắc, câu hỏi liên quan đến vaccine. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ đã có những giải đáp thắc mắc xoay quanh vấn đề này.
Những người nên tiêm và chưa nên tiêm vaccine
Theo Bác sĩ Khanh, không có chuyện người thể trạng gầy gò, yếu ớt thì tiêm vaccine sẽ gặp nhiều vấn đề, triệu chứng về sức khoẻ. Vấn đề này sẽ phụ thuộc vào tuỳ cơ thể của mỗi người.
“Không có chuyện người đang bị bệnh nền ổn định thì tiêm vaccine Covid-19 vào sẽ ảnh hưởng đến bệnh nền, những người này càng nên tiêm vaccine vì thường các trường hợp này khi mắc Covid-19 dễ bị biến chứng nặng. Đặc biết là đối với bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, viêm gan b,c, thiếu máu tán huyết, rối loạn tiền đình, thiếu g6pd … càng phải nên tiêm phòng”, bác sĩ Khanh chia sẻ.
Cũng theo Bác sĩ Khanh, những người lớn tuổi sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng do tiêm phòng: “Rất hiếm các loại thuốc đang sử dụng ảnh hưởng đến việc tiêm vaccine, tiêm xong vẫn có thể uống thuốc hàng ngày bình thường”, bác sĩ Khanh cho biết thêm.
Với những trường hợp dị ứng phản ứng phản mức độ 2 (phù mặt, nôn ói đau bụng dữ dội, phải tiêm adrenalin) thì không nên tiêm vaccine. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai và đang cho con bú cũng chưa được khuyến khích tiêm vaccine. Ngoài ra, người đang bị ung thư giai đoạn cuối, chưa được chữa ổn định và người bị xơ gan giai đoạn cuối cũng không nên tiêm vaccine.
Các trường hợp chưa nên tiêm vaccine như trẻ dưới 18 tuổi, đang mắc bệnh cấp tính, đang uống thuốc ức chế miễn dịch (nên chờ dừng sử dụng thuốc sau 14 ngày mới tiêm vaccine).
Những điều cần biết trước và sau khi tiêm
Theo bác sĩ Khanh, trước khi tiêm vaccine Covid-19, người dân cần hợp tác khai báo y tế, thực hiện các thủ tục, giữ trật tự, khoảng cách an toàn với người xung quanh.
Không nên tìm đọc, không nên tin vào các thông tin không chính thống, thông tin trái chiều gây hoang mang lo sợ. Không nên uống cà phê nhiều trước khi khám sàng lọc vì sẽ làm tăng nhịp tim.
“Trước khi khám sàng lọc, mọi người cũng không nên đi lại nhiều vì sẽ làm tăng huyết áp, nên ngồi thư giãn trước khi vào tiêm. Những người cảm thấy bản thân có nguy cơ thì nên tiêm tại bệnh viện và tiêm cuối buổi khi vắng người”, Bác sĩ Khanh chia sẻ.
30 phút sau tiêm, mọi người nên ở lại nơi tiêm vaccine nghỉ ngơi, giữ khoảng cách an toàn, thư giãn, giữ tinh thần thoải mái. Cần báo bác sĩ ngay nếu xuất hiện tình trạng nổi mề đay, mệt tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều (tình huống này rất hiếm).
Những triệu chứng có thể gặp phải sau khi tiêm vaccine
Có nhiều trường hợp với triệu chứng khác nhau có thể xuất hiện ở tuỳ cơ địa mỗi người. Đa phần các triệu chứng sẽ xuất hiện sau 6 tiếng tiêm vaccine.
Trường hợp 1: Cơ thể khoẻ, không có biểu hiện gì khác lạ.
Trường hợp 2 (trường hợp gặp nhiều nhất): Đau người, sốt nhẹ, người uể oải, hơi khó ngủ trong ngày đầu. Các triệu chứng sẽ giảm dần từ 24-36-48 giờ, tuỳ người.
Trường hợp 3: Sốt cao, mệt mỏi, đau nhức khắp cơ thể, người uể oải, sốt dai dẳng. Các triệu chứng sẽ giảm dần từ 24-48 giờ, tuỳ người.
Trường hợp 4: Đau bụng, tiêu chảy, nôn ói nhiều, người uể oải, khó ăn uống. Các triệu chứng sẽ giảm dần từ 24-48 giờ, tuỳ người. Trường hợp này, nếu cảm thấy mệt quá thì nên liên hệ bác sĩ để được tư vấn, truyền nước.
Bên cạnh đó, Bác sĩ Khanh cũng lưu ý, người bị cao huyết áp hoặc khi khám sàng lọc mới phát hiện huyết áp hơi cao thì sau mỗi 4-6h nên đo kiểm tra huyết áp một lần và duy trì đo trong 24h đầu sau khi tiêm vaccine.
Trường hợp 4 ngày sau khi tiêm vaccine mà vết tiêm vẫn còn đau hoặc đau ở vị trí nào đó trên cơ thể thì nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn thêm.
“Việc tiêm vaccine không có chuyện sinh ra con virus Covid-19 trong người như nhiều người vẫn đồn thổi, mọi người không nên tin những lời đồn dẫn đến hoang mang, lo sợ. Sau khi tiêm thường khoảng 14 ngày sẽ tạo kháng thể để phòng chống Covid-19. Do số lượng người được tiêm vaccine vẫn còn khá ít nên sau khi tiêm, mọi người vẫn cần tuân thủ nghiêm chỉnh khuyến cáo 5k của Bộ Y tế”, Bác sĩ Khanh chia sẻ thêm.