Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 08/04/2024 13:51 (GMT+7)

Phát hiện ca nhiễm cúm gia cầm A/H9 đầu tiên ở Việt Nam

Ngày 6/4, Bộ Y tế thông tin thông tin về trường hợp mắc cúm A(H9) tại Tiền Giang. Đây là trường hợp mắc cúm A(H9) đầu tiên của Việt Nam từ trước đến nay.

Theo kết quả điều tra dịch tễ, nơi bệnh nhân sinh sống thuộc khu chợ buôn bán gia cầm. Trước cửa nhà bệnh nhân có buôn bán gia cầm; xung quanh khu vực nơi gia đình sinh sống chưa ghi nhận gia cầm ốm, chết.

Hiện, các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được lập danh sách và theo dõi sức khỏe, đến nay chưa phát hiện triệu chứng viêm đường hô hấp, chưa ghi nhận ổ dịch viêm đường hô hấp trong cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống.

Các đơn vị chức năng đang tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm.

Tiến sỹ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá, việc không phát hiện ổ dịch H9 trên gia cầm khiến công tác giám sát dịch tễ, nhận diện và khoanh vùng ổ dịch gặp khó khăn. Điều này có thể ảnh hưởng tới việc triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Mặt khác, người dân và người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm có thể chủ quan cho rằng gia cầm khỏe mạnh nên không áp dụng các biện pháp dự phòng thường quy như đeo khẩu trang, găng tay, rửa tay... khi tiếp xúc gần. Từ đó làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Vì vậy, Tiến sỹ Nguyến Lương Tâm khuyến cáo: Người dân và những người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cần nghiêm túc tuân thủ những biện pháp phòng bệnh thường quy khi tiếp xúc gần với gia cầm, khi đến những khu vực nguy cơ cao như chợ hoặc khu vực bán gia cầm và động vật sống.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, tại Việt Nam từ trước tới nay chủ yếu là cúm A (H5N1) trên người nên với việc phát hiện ca mắc cúm A (H9) đầu tiên trên người đòi hỏi cần phải cảnh giác hơn vì các chủng virus cúm rất dễ biến đổi thành chủng nặng hơn hoặc độc lực cao hơn, lây lan nhanh và triệu chứng nặng hơn.

Theo TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đến nay cúm gia cầm trên người vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu nên tỷ lệ tử vong rất cao, tới 50%. Đồng thời, thế giới đã xác định được nhiều chủng cúm lây sang người như A (H5N6), A (H5N1), A (H5N8), A (H9)... “Việc lưu hành đồng thời nhiều chủng virus cúm gia cầm và với sự lây lan sang động vật có vú là yếu tố đáng quan ngại, có thể khiến dịch bệnh cúm gia cầm trên người gia tăng, cần tiếp tục tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia cầm, phòng tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan”, TS Đức cảnh báo.

Các chuyên gia của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh hiện tại đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng virus cúm cùng với nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet).

Nguy cơ lây nhiễm các chủng cúm gia cầm sang người

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), virus A/H9N2 đã được phát hiện ở các quần thể chim ở châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Nhiễm virus cúm gia cầm A/H9N2 lẻ tẻ đã được báo cáo ở những người mắc bệnh đường hô hấp trên nhẹ, mặc dù một số trường hợp nhiễm trùng đã dẫn đến tử vong.

Có 9 phân nhóm virus A/H9 đã biết gồm: A/H9N1, A/H9N2, A/H9N3, A/H9N4, A/H9N5, A/H9N6, A/H9N7, A/H9N8, A/H9N9.

Tại Việt Nam, trước đây đã xác nhận lưu hành cúm A/H5N1 trên người. Với cúm A/H9N2 ở trong nước ghi nhận có ở đàn gia cầm, có thể lây sang người nhưng mới chỉ có trường hợp mắc cúm A/H9 đầu tiên trên người vừa công bố là ca đầu tiên.

Đối với trường hợp ca bệnh cúm A/H9 trên người đầu tiên của Việt Nam, theo kết quả điều tra dịch tễ, nơi bệnh nhân sinh sống thuộc khu chợ buôn bán gia cầm đồng thời trước cửa nhà bệnh có buôn bán gia cầm; xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống chưa ghi nhận gia cầm ốm, chết.

Ông Nguyễn Lương Tâm cho biết rất nhiều chủng virus cúm lây lan sang người, nhưng chủ yếu vẫn là H5N1, H7N9 và H9N2. Gần đây, gia tăng xuất hiện các ca nhiễm cúm gia cầm H9N2 trên thế giới.

Theo ghi nhận của y văn thế giới, các chủng cúm gia cầm có kháng nguyên H5, H7 và H9 có thể lây sang người, trong đó chủng H5 là chủng độc lực cao thường gây ổ dịch lớn và làm chết gia cầm hàng loạt, gây triệu chứng nặng và tỉ lệ tử vong rất cao khi lây nhiễm sang người. Chủng H7 và H9 là chủng độc lực thấp thường gây bệnh nhẹ, hiếm khi gây chết hàng loạt cho gia cầm. Kết hợp với các chủng này là các phân tuýp kháng nguyên N từ 1 đến 9.

Sự kết hợp, tái tổ hợp kháng nguyên H và N có thể tạo ra nhiều loại cúm gia cầm lây nhiễm sang người. Hiện tại trên thế giới, ở một số nước virus cúm gia cầm còn được ghi nhận trên động vật là H5N1, H5N6, H5N8, H7N9, H9N2.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc tiếp xúc với virus cúm gia cầm có thể dẫn đến nhiễm trùng từ các triệu chứng nhẹ giống như cúm hoặc viêm mắt đến bệnh hô hấp cấp tính nặng hoặc tử vong. Mức độ nghiêm trọng của bệnh phụ thuộc vào loại virus gây nhiễm trùng và đặc điểm của người nhiễm bệnh.

Năm loại virus cúm gia cầm A được biết là gây nhiễm trùng ở người là: virus H5, H6, H7, H9 và H10. Các phân nhóm được xác định thường xuyên nhất của virus cúm gia cầm A gây bệnh ở người là virus H5, H7 và H9. Cụ thể, virus A/H5N1 và A/H7N9 đã gây ra phần lớn các trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm A được báo cáo ở người, cùng với virus A/H5N6 và A/H9N2 cũng gây nhiễm trùng ở người trong những năm gần đây.

Từ năm 2015 đến nay, ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A/H9N2 (bao gồm 2 trường hợp tử vong, cả hai trường hợp tử vong này đều là các bệnh nhân có bệnh nền), trong đó 96 trường hợp bệnh được ghi nhận ở Trung Quốc và 2 trường hợp bệnh được ghi nhận tại Campuchia. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H9N2 lây từ người sang người.

Trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, tình hình dịch cúm gia cầm trên động vật diễn biến phức tạp, không chỉ ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm trên gia cầm ở tất cả các khu vực mà còn ghi nhận sự lây truyền cho các loại động vật có vú ngày càng gia tăng.

Tại Mỹ, ghi nhận rải rác các trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 lây từ gia súc ở nhiều bang. Tại châu Á, tiếp tục ghi nhận các đợt bùng phát dịch cúm trên gia cầm gây ra bởi nhiều chủng virus cúm A như H5N1, H5N6, H5N8, H3N2, H9N2, H10N3... Một số quốc gia giáp biên giới với Việt Nam tiếp tục ghi nhận các ca cúm gia cầm trên người bao gồm H5N1, H9N2.

Vì vậy, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân và những người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm nghiêm túc tuân thủ những biện pháp phòng bệnh thường quy khi tiếp xúc trực gần với gia cầm, khi đến những khu vực nguy cơ cao như chợ hoặc khu vực bán gia cầm và động vật sống./.

Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp:

1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4. Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy;

5. Khuyến khích đeo khẩu trang khi đi vào chợ gia cầm sống hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sau khi đi vào chợ.

6. Khi có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Cùng chuyên mục

Cảnh báo đỏ về tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu
Theo một nghiên cứu mới được công bố, mức sử dụng kháng sinh trên toàn cầu đã tăng 21% kể từ năm 2016, làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về nguy cơ kháng thuốc kháng sinh. Phân tích dữ liệu từ 67 quốc gia cho thấy xu hướng gia tăng đáng báo động này.
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
“Ma trận” bán thuốc kháng sinh không cần toa - Bài 2: Nhà thuốc Long Châu bán thuốc kháng sinh trẻ em như rau
Chưa tới ba phút đã có thể mua một hộp thuốc kháng sinh mà không cần toa thuốc, không có sự tư vấn, cảnh báo từ các dược sĩ…thực trạng này đang xảy ra tại hàng loạt nhà thuốc Long Châu. Liên tiếp bị xử phạt về hành vi này nhưng vẫn tiếp tục tái diễn mang dấu hiệu coi thường pháp luật, sức khoẻ người dân.
“Ma trận” bán thuốc kháng sinh không cần toa
Thực trạng thuốc kê đơn, thuốc kháng sinh được bán vô tội vạ mà không cần toa đang xảy ra tràn lan tại chuỗi các nhà thuốc lớn tại TP HCM. Liên tiếp bị cơ quan chức năng xử lý nhưng hành vi sai phạm vẫn tiếp tục tái diễn vì chế tài xử phạt nhẹ. Trong khi đó, kháng kháng sinh là nguyên nhân khiến 1,5 triệu người tử vong mỗi năm.

Tin mới

Trường hợp giao ô tô, xe máy cho người uống bia, rượu điều khiển sẽ bị xử lý như thế nào?
Hiện nay có một số trường hợp bị khởi tố do cho bạn mượn xe máy sau khi họ đã uống bia, dẫn đến người này điều khiển xe tự gây tai nạn và tử vong. Vậy, trường hợp giao ô tô, xe máy cho người uống bia, rượu điều khiển sẽ bị xử lý như thế nào?
Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét trong ngày 26/11
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 26/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 16-18 độ C, vùng núi 12-14 độ C, vùng núi cao dưới 10 độ C. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3-4, vùng ven biển cấp 4-5.