Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 18/09/2023 12:04 (GMT+7)

Thận trọng với “bẫy” lừa đảo qua hình thức góp vốn, đầu tư

Gần đây, Tạp chí Người cao tuổi nhận được nhiều đơn thư của người cao tuổi phản ánh về việc thực hiện “Hợp đồng góp vốn kinh doanh, đầu tư” với các cá nhân và tổ chức, nhưng không trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh, đầu tư nên có nguy cơ rủi ro cao, không thu hồi được tiền đầu tư. Thậm chí, một số đối tượng còn lợi dụng hình thức góp vốn kinh doanh đầu tư này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Dưới góc độ pháp lí, luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Hình thức lừa đảo thông qua thủ đoạn kêu gọi góp vốn hợp tác kinh doanh, đầu tư của các đối tượng là một thủ đoạn khá tinh vi, xảo quỵệt. Với thủ đoạn này, nhiều người dân thuộc đủ các tầng lớp khác nhau, trong đó có người cao tuổi đều có thể “sập bẫy”. Đáng chú ý, các đối tượng lừa đảo có nhiều thủ đoạn, chiêu thức lừa đảo rất đa dạng, khi tiếp cận với từng nhóm đối tượng “con mồi” khác nhau sẽ có các “kịch bản” lừa khác nhau. Chính vì thế mà các nạn nhân bị sập bẫy lừa đảo thuộc nhiều lĩnh vực như: Góp vốn kinh doanh vào doanh nghiệp, góp vốn đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đầu tư mĩ phẩm, thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp,...

Trường hợp hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư này có được xác định là hợp đồng dân sự, thì đây cũng là loại “hợp đồng vô hiệu”. Bởi theo quy định pháp luật “giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối...” quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Theo đó, lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Bị lừa Góp vốn đầu tư qua… mạng, bị lừa
Bị lừa khi góp vốn đầu tư qua… mạng.

Các đối tượng mở các công ty cổ phần với chiêu thức bán cổ phần, tuy nhiên người dân khi mua loại cổ phần này không có tư cách cổ đông, mà chỉ nhận về “giấy chứng nhận vốn góp”. Việc chuyển nhượng cổ phần cũng không đúng pháp luật, do đây không phải cổ phần ưu đãi cổ tức, cũng không phải cổ phần ưu đãi hoàn lại nhưng cam kết trả cả gốc và lãi khi đến hạn. Thủ đoạn của các đối tượng chỉ là lấy tiền của người sau trả cho người trước. Các doanh nghiệp này có đặc điểm chung không phát hành trái phiếu do không có đủ điều kiện theo quy định của Luật Chứng khoán, Nghị định số: 183/2018/NĐ-CP, Nghị định số: 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số: 65/2022/NĐ-CP, Nghị định số: 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ mà thực hiện chiêu trò chuyển nhượng cổ phần để hợp thức hóa việc nhận vốn góp, vốn đầu tư, dễ dàng qua mặt những người thiếu hiểu biết về pháp luật.

Điểm chung của các nạn nhân sập bẫy hình thức lừa đảo này là thiếu hiểu biết pháp luật lĩnh vực góp vốn, đầu tư. Thêm vào đó, các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, lợi dụng lòng tham của nhiều nạn nhân muốn không phải làm gì nhưng hưởng lãi suất đầu tư lớn. Các đối tượng cho nạn nhân kí vào các hợp đồng khống góp vốn kinh doanh, đầu tư nhưng thực chất không có bất kì hoạt động đầu tư kinh doanh nào. Sau khi kí hợp đồng góp vốn, hợp đồng đầu tư, các đối tượng sau đó lấy tiền của người sau trả cho người trước trong thời gian đầu. Một thời gian sau sẽ chiếm đoạt không trả tiền cho người đầu tư bằng cách viện nhiều lí do khác nhau.

Thủ đoạn chung của các đối tượng là dẫn nạn nhân đi xem hoặc giới thiệu các cơ sở kinh doanh, các dự án đầu tư... mục đích để tạo lòng tin (các cơ sở kinh doanh thường do người khác quản lí, các dự án chỉ trên giấy tờ khống, giấy tờ giả mạo). Chuỗi hành vi trên nhằm tạo vỏ bọc và tạo sự tin tưởng từ phía nạn nhân để các nạn nhân “xuống tiền” đầu tư.

Vốn dĩ các đối tượng lập ra các hợp đồng này cũng đã có sự tính toán yếu tố rủi ro pháp lí nên đã thiết lập hợp đồng với những điều khoản khá chặt chẽ nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị “sờ gáy”. Các đối tượng cho rằng, đây là “giao dịch dân sự hợp pháp”. Hợp đồng cũng có điều khoản ủy quyền cho bên nhận vốn góp sử dụng và định đoạt vốn góp, trực tiếp thực hiện các hoạt động kinh doanh, đầu tư mà bên góp vốn không tham gia bất kì hoạt động nào, chỉ nhận lại tiền gốc và lãi suất cao theo thoả thuận. Chính vì thế, cơ quan chức năng địa phương đang có nhiều quan điểm khác nhau về loại hợp đồng góp vốn kinh doanh, đầu tư này. Nhiều nơi, cơ quan Công an khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có nơi lại khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, có nơi lại hướng dẫn các nạn nhân đưa tranh chấp này ra Tòa án để giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự (tranh chấp dân sự). Chính vì thế, cần có một hướng dẫn cụ thể của cơ quan cấp trên để cơ quan chức năng cấp dưới là các địa phương thực hiện một cách thống nhất. Nhận diện rõ hình thức kêu gọi góp vốn, đầu tư này khi còn mới nhen nhóm, tránh để lâu, hậu quả xảy ra nặng nề.

Hành vi của các đối tượng là có động cơ, mục đích, ý thức chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân ngay từ đầu. Việc chiếm đoạt tài sản thông qua chuỗi hành vi gian dối, nên cơ quan chức năng cần khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các đối tượng này về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 là phù hợp.

Theo quy định pháp luật, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối. Tội phạm này gồm hai hành vi khác nhau là hành vi “lừa dối” và hành vi “chiếm đoạt”. Hai hành vi này có mối quan hệ nhân quả với nhau. Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện hành vi là gian dối, trái pháp luật. Đồng thời, thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như vay, mượn, thuê... để chiếm đoạt tài sản. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2 triệu đồng trở lên. Nếu dưới 2 triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Cùng chuyên mục

Quyền giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai
Công dân tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát, phản ánh và yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. Việc thực hiện quyền giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai được quy định tại Điều 231 Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025).
Hóa đơn xăng dầu có bắt buộc ghi biển số xe không?
Thời gian gần đây, bắt đầu xuất hiện các thông tin liên quan đến việc hóa đơn xăng dầu phải ghi biển số xe. Vậy, theo quy định pháp luật hiện hành thì hóa đơn xăng dầu có bắt buộc phải ghi biển số xe không?
Đưa hình ảnh học sinh lên mạng xã hội: Vô tư nhưng cũng cần thận trọng
Theo Luật sư, việc đăng tải hình ảnh giữa giáo viên và các em học sinh là một hình ảnh đẹp và có thể là kỷ niệm giữa thầy cô đối với các em. Tuy nhiên, cũng cần phải cảnh giác trước các trường hợp tội phạm công nghệ cao lợi dụng hình ảnh của thầy cô và các em nhằm mục đích xấu, dẫn đến hệ lụy vô cùng khó lường, điển hình là các vụ việc với thủ đoạn lừa đảo tinh vi bằng công nghệ cao đã được lực lượng chức năng cảnh báo gần đây.
Phạt tiền và khóa bánh xe tại các khu đô thị: Đúng hay sai?
Thời gian gần đây, mâu thuẫn, xung đột giữa lực lượng bảo vệ Khu chung cư/Khu đô thị mới với cư dân, lái xe taxi và khách đến về việc dừng đỗ xe không còn là chuyện hiếm, thậm chí đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều Khu chung cư/Khu đô thị mới hiện nay bởi còn những quan điểm khác nhau về thẩm quyền của lực lượng bảo vệ cũng như quyền dừng đỗ xe của những người lái xe trong các Khu chung cư/Khu đô thị này.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...